“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”: Không được phép quên lịch sử!

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lời đáp cho những câu hỏi “nóng”

Đã bước sang tuổi 90 nhưng thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn dành 2 năm để thực hiện bản thảo cho cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” vừa được NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành. Với vị tướng này, đây là việc ông cần làm - một sự tri ân, một nén hương tưởng nhớ tới các đồng chí, đồng đội và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến này.

Cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” dẫu ăm ắp sự kiện cùng các tư liệu quý giá thế nhưng dường như không hề khô cứng. Những con chữ chảy tràn trên dòng cảm xúc của vị tướng đã từng kinh qua 3 cuộc chiến tranh: Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979 - 1989). Riêng trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung, ông tham gia hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (17/2 - 18/3/1979), ông là người đã đưa Trung đoàn 111, Sư đoàn 325 lên Cao Bằng phối hợp chiến đấu. Giai đoạn 2 (4/1984 - 10/1989), ông là Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2 rồi Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy tại Mặt trận Vị Xuyên cho đến khi về hưu.

Từ những trang sách, độc giả hôm nay có thể hình dung khá trọn vẹn về cuộc chiến tranh chống quân xâm lược biên giới phía Bắc năm xưa của thế hệ cha anh. Đó là các sự kiện, trận đánh ác liệt không tránh khỏi những hy sinh mất mát nhưng người chiến sĩ vẫn luôn lạc quan vững tay súng giữ trọn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.


Các tướng lĩnh tham dự buổi ra mắt sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” đều nhắn nhủ: Không được phép quên lịch sử!.

Cùng với đó, mỗi người còn có thể tìm được lời giải đáp cho các câu hỏi “nóng”: Vì sao lại là cuộc chiến tranh hủy diệt được Trung Quốc thực hiện với phương châm “3 sạch”? Vì sao Trung Quốc lại chọn Vị Xuyên – Hà Tuyên là điểm tiến công lấn chiếm? Vì sao mặt trận này lại được gọi là “lò vôi thế kỷ” và “cối xay thịt người”? Vì sao có chiến dịch “MB84”? Vì sao ngày 12/7/1984 lại là ngày “giỗ trận” các liệt sĩ đã hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên? Vì sao chiến thắng A6B lại có ý nghĩa rất lớn đối với toàn mặt trận?...

Không chỉ thế, trong “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, bên cạnh những con số biết nói, những thực tế chiến trận chính bản thân tác giả trải qua, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy luôn có những luận giải về cuộc chiến sát thực mà sắc sảo. Đặc biệt,với vị tướng này: “Cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động đã làm tổn hại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Đó là một “khúc quanh lịch sử” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Những đau khổ mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ”.

“Bật mí” điều... “không hiểu nổi”


Theo nhiều tướng lĩnh và chuyên gia sử học, cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Ở “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy còn “bật mí” về những điều mà nhiều người vẫn bảo rằng “không hiểu nổi” về cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên. Đấy là chuyện về một không gian chiến đấu... mi ni: “chính diện chỉ 20 hơn km”, thế mà tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt trong vòng 5 năm. “Hàng ngày quân địch bắn phá vào đất Việt Nam từ 3 vạn đến 5 vạn viên đạn pháo lớn...”.

Đấy là chuyện về những người chiến sĩ sau giờ chiến đấu trên chốt lại “luân phiên xuống hang Dơi, hang Làng Lò tắm rửa, nghỉ ngơi vài ngày cho lại sức”, “hoặc có điều kiện về tận thị xã Hà Giang để cắt tóc, uống bia, rồi lại vác súng lên chốt chiến đấu, rất ít chiến sĩ bỏ ngũ”. Vì sao đây? “Anh em coi việc đào ngũ là một điều rất xấu và sỉ nhục nhất của người lính. Họ lên chốt chiến đấu với tâm trạng thoải mái “nhẹ như lông hồng”. Đồng đội hy sinh rồi vuốt mắt cho đồng đội, rồi cầm súng ra chiến hào chiến đấu với tinh thần “sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử”” – có lẽ, khi được đọc những dòng chữ mà vị thiếu tướng năm xưa trực tiếp ghi nhận từ thực tế chiến trường hẳn khiến nhiều người không khỏi nhòe trong nước mắt.

Hay chuyện về những chiến sĩ người Hà Nội kiên cường đánh trả hàng trăm đợt tấn công của địch, nhiều người đã dũng cảm hy sinh để giữ vững chốt Bốn Hầm cho đến khi quân địch phải rút hết về bên kia biên giới (trong suốt 5 năm). Ngoài tinh thần dũng cảm, nguồn cơn của tinh thần chiến đấu này còn vì: “Thủ trưởng ơi! Ở đây chúng em hầu hết là dân Hà Nội, nhiều người cứ nghĩ lính Hà Nội chiến đấu không kiên cường, nhưng thủ trưởng cứ yên tâm, chúng em sẽ đánh bại tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, giữ vững trận địa...”.

Và còn cả chuyện anh chiến sĩ nuôi quân mê mải bên khẩu cối 60mm, cuối cùng khẩn khoản nói với khẩu đội trưởng: “Cho tớ bắn thử một quả”. Tiếc là, vì không được huấn luyện nên anh chiến sĩ nuôi quân ấy đã gặp sự cố... cười ra nước mắt: Lúc bỏ quả đạn vào nòng cối nhưng vai cậu ta lại che lấy miệng khẩu cối, quả đạn cối bay ra khỏi nòng đã xuyên qua vai và mắc kẹt ở đấy. Chính Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã lệnh cho công binh lấy quả đạn cối ra khỏi vai người chiến sĩ ấy một cách an toàn. Tuy còn đau nhưng anh chiến sĩ ấy vẫn tếu táo: “Thế là tớ cũng được trực tiếp chiến đấu rồi đấy!”. “Những người lên Mặt trận Vị Xuyên mà phải làm những công việc phục vụ cho chiến đấu như vận tải, nuôi quân... không được trực tiếp cầm súng chiến đấu với địch ở chiến hào, họ cảm thấy đây là một điều “thiệt thòi”” – tác giả dẫn giải.

Và còn rất nhiều những câu chuyện khác nữa cũng được Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể ở “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” như việc xây dựng hệ thống trận địa liên hoàn, việc sử dụng hiệu quả cối 82mm và cối 60mm... Tất cả cùng để trả lời cho điều mọi người “không hiểu nổi” được xuất phát từ một “tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên” – một sự thật đơn giản mà cũng rất diệu kỳ!

Không được phép quên lịch sử

Với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, khi ông viết những dòng hồi ức về cuộc chiến tranh Vị Xuyên là ông muốn gửi đến thế hệ sau lời nhắn nhủ: “Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không được quên quá khứ. Quên quá khứ là có tội với lịch sử, có tội với những người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thế nhưng, theo vị tướng này, những người trực tiếp tham gia chiến tranh Vị Xuyên năm xưa giờ đều bước vào tuổi xưa nay hiếm. Ở cấp quân khu cũng chỉ còn hai người: Trung tướng Đặng Quân Thụy – nguyên Tư lệnh Quân khu 2 năm nay 93 tuổi và ông cũng đã 90. Ở cấp trung, sư đoàn mọi người cũng trên dưới tuổi 80. Thế nên, việc sưu tầm, ghi chép lại một số tư liệu sống để lưu lại cho đời sau càng cần kíp hơn bao giờ hết.

“Việc công bố sự thật về cuộc chiến tranh trên Mặt trận Vị Xuyên không phải để kích động hằn thù dân tộc mà để giáo dục cho con cháu nâng cao niềm tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu đánh thắng mọi kẻ thù bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia để đánh giá đúng, toàn diện, rút ra những bài học về cuộc chiến tranh. Cùng với đó, vào những năm chẵn, việc tổ chức lễ tri ân cấp quốc gia cho các liệt sĩ ở Mặt trận Vị Xuyên như đã từng tổ chức các lễ tri ân ở Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn (Nghệ An)... cũng là cần thiết. Việc tổ chức đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Vị Xuyên cũng cần kíp hơn bao giờ hết khi có tới hơn 2.000 chiến sĩ, đồng bào hy sinh trong cuộc chiến vẫn nằm rải rác khắp chiến trường...” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trăn trở đề nghị.

Khi tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chia sẻ rằng, thế hệ hôm nay có rất nhiều người không biết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Mặt trận Vị Xuyên. ““Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” là một cuốn sách rất quý giá vì hệ thống được cả quá trình của cuộc chiến, giúp thế hệ sau nhận thức được những ý nghĩa, giá trị thực của cuộc chiến và cùng nhắc nhở chúng ta không được quên quá khứ, không được quên lịch sử - dù nó là trang sử buồn. Tôi vẫn có suy nghĩ, có lẽ đến lúc nào đó những người có trách nhiệm nên có chỉ đạo, định hướng về việc này” – Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhấn mạnh.

PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, giới sử học nhất trí hoàn toàn xếp cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979 – 1989) là một trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ thời Ngô, Đinh, Lê,Lý, Tiên Lê và thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ có điều, các cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp đều được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có trắc nghiệm ghi chép lại một cách khách quan, trung thực. Riêng cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, đi kèm theo đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta, tiếc rằng cho đến nay chưa thực hiện được điều đó vì có nhiều khó khăn về mặt tư liệu.

“Thiếu tướng, GS .TS Lê Văn Cương nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an có nói với tôi, nếu như không nhanh chóng tập hợp tư liệu thì các cụ nhà mình sẽ đi xa hết. Vì rất nhiều vị tướng lĩnh, các sĩ quan quân đội và cả các anh chị em cựu chiến binh, dân quân tự vệ tham gia cuộc chiến tranh giờ đã tuổi cao sức yếu, trí nhớ sẽ không còn như xưa. Hội sử học sẵn sàng nhận tất cả các tư liệu từ các tổ chức, gia đình, kể cả có điều kiện chúng tôi tổ chức các buổi gặp gỡ để các tướng lĩnh, các nhà chỉ huy đã từng tham gia cuộc chiến kể chuyện. Chúng tôi sẽ tập hợp lại thành một trung tâm lưu trữ tư liệu” – PGS.TS Trần Đức Cường nói.


“Dân tộc Việt Nam sau này có thể làm được vệ tinh, tên lửa nhưng để có tư liệu quý giá như cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy thì không thể làm được. Cuốn sách sẽ giúp cho con cháu biết rằng cha ông ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc như vậy. Đây là việc cần làm vì nói như nhà thơ Pautopxki: “Nếu như thế hệ này không biết thế hệ trước đã làm gì thì cuộc đời không có ý nghĩa gì cả”. Ở nhà trường, cần có một chương dày dặn, đúng đắn viết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc này trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam”.
Thiếu tướng, GS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top