Học Tiếng Anh hiệu quả với giáo cụ trực quan

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lợi ích của việc sử dụng giáo cụ trực quan

Cấp tiểu học, mỗi tiết học chỉ kéo dài 35 phút, bởi vậy việc tổ chức hoạt động hợp lý, đảm bảo nội dung, chất lượng trong giờ học vô cùng cần thiết.

Giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn,... để tổng kết lại những nội dung chính của bài học thay vì ghi lại tất cả các nội dung đó lên bảng.

Khác với phương pháp giảng dạy truyền thống, phương pháp giảng này giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian viết bảng, đồng nghĩa với việc có nhiều thời gian để giảng bài hơn.

Môn tiếng Anh là một môn học tương đối mới mẻ đối với học sinh tiểu học, một ngôn ngữ hoàn toàn khác so với tiếng mẹ đẻ nên sẽ không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, dẫn đến không nắm bắt được hoặc nắm bắt chậm các thông tin, kiến thức giáo viên đưa ra.

Khi giáo cụ trực quan được đưa vào giờ học, học sinh sẽ có nhiều cách tiếp cận với kiến thức: Nghe – nhìn – tương tác. Đồng thời, giáo cụ trực quan cũng sẽ cung cấp những ví dụ minh họa cụ thể, sinh động nhất, giúp học sinh không chỉ nhớ bài nhanh hơn mà còn duy trì được việc ghi nhớ hình ảnh đó trong một thời gian dài.

Ngoài các giáo cụ trực quan có sẵn hay do giáo viên chuẩn bị, giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh tự chuẩn bị các công cụ nhằm phục vụ cho nội dung bài học.

Một ví dụ điển hình nhất là việc sử dụng thẻ từ. Thay vì đưa cho cả lớp cùng một thẻ từ giống nhau, giáo viên có thể phát cho học sinh các thẻ từ còn trống và yêu cầu tự thiết kế những thẻ từ riêng theo sở thích và sự sáng tạo của bản thân.

Một ví dụ khác, khi học về chủ đề “House” (ngôi nhà), trước tiết học đó, giáo viên có thể dặn học sinh mang theo một đồ dùng các em thích nhất đến lớp.

Ở tiết học tiếp theo, giáo viên sẽ dạy từ mới thông qua những đồ vật mà các em mang tới lớp và tổ chức các hoạt động dựa trên các đồ vật đó.

Lưu ý khi sử dụng giáo cụ trực quan

Học sinh ở lứa tuổi khác nhau sẽ có phương pháp tư duy khác nhau, khả năng tiếp thu cũng khác nhau. Học sinh lớp 3 mới bắt đầu làm quen với tiếng Anh, những giáo cụ trực quan cần được thiết kế đơn giản, rõ ràng hơn, hoạt động cũng cần diễn ra chậm hơn.

Trong khi đó, đối với học sinh lớp 5, hình ảnh đưa ra có thể nhiều và phức tạp hơn. Do vậy giáo viên cần nắm vững đặc điểm, tâm lý và khả năng tiếp thu của học sinh ở mọi lứa tuổi để thiết kế bài giảng phù hợp và hiệu quả nhất cho học sinh.

Để đảm bảo tính hiệu quả và tích cực của giờ dạy, việc chọn lựa các công cụ trực quan để đưa vào bài giảng được xem là một trong những nội dung quan trọng mà giáo viên cần thường xuyên nghiên cứu.

Chẳng hạn, trong giờ dạy ngữ pháp, giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh, sơ đồ, để minh họa cho các cấu trúc ngữ pháp. Tuy nhiên, nếu sử dụng thẻ từ trong giờ học này có thể là không cần thiết và không đạt được hiệu quả cao nhất của nội dung bài học.

Khi chuẩn bị các giáo cụ trực quan phục vụ cho giảng dạy, giáo viên phải đảm bảo học sinh ở bất cứ vị trí nào trong lớp đều có thể dễ dàng quan sát được các công cụ đó.

Ngoài sử dụng hình ảnh rõ ràng, việc sử dụng các màu sắc hợp lý cũng giúp làm tăng hiệu quả của các giáo cụ trực quan. Ngoài hai màu cơ bản là trắng và đen, giáo viên có thể kết hợp nhiều màu sắc khác nhau nhằm làm tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn của các giáo cụ.

Thực tế cho thấy, dụng cụ trực quan không chỉ giúp học sinh hiểu, ghi nhớ nội dung bài học dễ dàng và nhanh chóng mà còn khiến tiết học sẽ trở nên gần gũi, sinh động và hấp dẫn hơn.

Để khai thác triệt để các đặc điểm và ưu thế của công cụ trực quan, giáo viên cần đầu tư thời gian, công sức và tâm huyết để chuẩn bị được những thiết bị, đồ dùng trực quan đảm bảo nội dung, phù hợp với bài giảng và đạt chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cần thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy, sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới tình hình dạy và học hiện nay ở Việt Nam.

Các loại giáo cụ trực quan
Giáo cụ trực quan trong giảng dạy tiếng Anh có thể chia làm ba loại:

1.Giáo cụ trực quan thị giác (giáo cụ “nhìn”), bao gồm:

Cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, động tác của giáo viên; bảng viết; các đồ vật cụ thể; tranh ảnh, hình vẽ minh họa; tài liệu, sách giáo khoa, sách bài tập; sơ đồ, biểu đồ, tranh ảnh lớn; thẻ từ (Flashcard)

2. Giáo cụ trực quan thính giác (giáo cụ “nghe”): Gồm có loa, đài, đầu đĩa, đĩa CD…

3. Giáo cụ trực quan tổng hợp như: Máy chiếu, phim ảnh, tivi, camera, bảng thông minh…
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top