Học nghề để có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Học nghề ra có dễ kiếm việc có thu nhập tốt? Những nghề nào đang “nóng” trên thị trường... ? Cuộc trao đổi với ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) sẽ giúp các bạn và phụ huynh có một cách nhìn khác về chuyện học nghề, lập nghiệp. Ông Sâm cho biết:

Theo Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm mà Thủ tướng Chính phủ giao cho T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thì một nội dung rất quan trọng là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của thanh niên về học nghề, lập nghiệp.
Chẳng hạn, các bạn trẻ cần có thông tin để biết được thị trường lao động hiện nay đang có nhu cầu cao về nhân lực đã qua đào tạo nghề. Khi công nghệ sản xuất, quản lý ngày càng tiên tiến, tỷ lệ người làm quản lý trong các nhà máy, xí nghiệp sẽ ngày càng giảm (chỉ chiếm 10% - 15%); phần lớn trong đó (85 – 90%) sẽ là lực lượng lao động khác. Thế nên, học nghề ra rất có “đất dụng võ”.
Trước đây, Việt Nam không có nghề vệ sĩ, nghề giúp việc gia đình... nhưng giờ thì những nghề này đã xuất hiện do nhu cầu của thị trường. Hiện nay, chúng ta có 385 nghề ở các trình độ khác nhau, trong đó có 301 nghề đào tạo ở bậc CĐ.
Nhưng làm thế nào để xã hội có thể “thấy” hiệu quả thiết thực của việc lựa chọn con đường học nghề, thay vì chỉ được “thấy” qua tuyên truyền?
Có thể nói, học nghề ra, thu nhập không thua kém học đại học, nhất là những nghề “hot”. Có lẽ sẽ không nhiều người biết rằng, thu nhập của một thợ hàn có thể trên 10 triệu đồng/tháng. Hay những nghề như lập trình viên, du lịch đa ngành hoặc cơ điện tử (trước kia là nghề đơn nhưng bây giờ tích hợp cơ khí với công nghệ thông tin)...
Thưa ông, nhưng nhiều học sinh cho biết là các em không được bố mẹ ủng hộ việc học nghề, kể cả khi không thể thi đậu đại học. Phải chăng, còn có nguyên do nào khác khiến các trường nghề kém hấp dẫn?
Suốt một thời gian dài, ở Việt Nam, bố mẹ luôn là người hướng nghiệp theo kiểu “bắt buộc” đối với con cái. Điều này tạo ra nhiều áp lực cho học sinh bởi chưa chắc lựa chọn của bố mẹ đã phù hợp với năng lực của con cái, đồng thời, còn làm các em mất tính chủ động.
Cách “hướng nghiệp” này cần phải thay đổi: tập trung vào người học, cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện để người học tự suy nghĩ, tự cân nhắc, tự quyết định sao cho phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Chọn hộ con em ngành học, rồi sau đó lại xin việc hộ đều là hướng đi không còn thích hợp.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, ngày nay, mỗi người trong độ tuổi lao động thường phải chuyển công việc trung bình 6 – 7 lần. Nếu bố mẹ cứ “ốp” con theo kiểu đó thì có đúng không? Bố mẹ không thể làm thay cho con. Như thế là rất nguy hiểm.
Chúng ta cứ nói nghề nào cũng cao quý nhưng trên thực tế lại có chuyện thích nghề này, không thích nghề khác và quen áp đặt. Nên hiểu rằng, đối với xã hội, cơ cấu nghề hình thành một cách tự nhiên. Do đó, làm ở lĩnh vực nào cũng đều vinh quang.
Ông có ủng hộ không, nếu các con trong gia đình ông lựa chọn học nghề?
Học nghề có thể hiểu theo nghĩa rất rộng, mình cần thì mình học. Vừa qua tôi đi học lái xe, đấy cũng là học nghề. Nó phụ thuộc vào khả năng vào điều kiện.
Nếu các con tôi có khả năng, học xong phổ thông, học lên đại học theo đúng ngành nghề chúng yêu thích thì thật tốt. Hiện nay, học sinh nông thôn thì chọn nghề theo cảm tính còn học sinh thành phố thì bố mẹ chọn nghề. Tôi cho là cả hai cách lựa chọn này đều phải chấn chỉnh.
Theo ông, trong thời gian tới, ngành nào sẽ cần nhiều nhân lực mà các bạn trẻ có thể tham khảo để theo học?
Có rất nhiều nghề, kể cả trong bối cảnh suy thoái hay không suy thoái kinh tế, đều rất cần nhân lực, chẳng hạn như cơ khí, cơ điện tử... Tuy nhiên, có thể nhận thấy, nghề nào cũng đang thiếu lao động ở trình độ cao. Vừa qua, chúng ta đã phát triển mạnh cả quy mô và chất lượng song so với nhu cầu của thị trường, có thể nói là vẫn chưa đáp ứng được.
Thí dụ, một nghề rất truyền thống là nghề hàn, chúng ta chủ yếu đào tạo ở trình độ 2G, 3G nhưng nhu cầu lớn của thị trường lại là 5G, 6G, chưa nói đến lĩnh vực đặc thù như hàn đáy tàu. Chi phí đào tạo một người thợ hàn như vậy, vì thế, không thua kém đào tạo một phi công.
K.H – N.H (Thực hiện)
Nguồn: Sinh viên Việt Nam
Cả nước hiện có 95 trường CĐ nghề, hơn 254 trường trung cấp nghề và 700 trung tâm dạy nghề cấp huyện, chưa kể hàng ngàn các cơ sở dạy nghề khác; mỗi năm, đào tạo ở các cấp, các trình độ khác nhau khoảng 1,5 đến 1,6 triệu lao động, trong đó chủ yếu là thanh niên.
 

Bình luận bằng Facebook

Top