Hoa đào mùa xuân

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trương Văn Bảo M.Ed.
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Hoa đào mùa Xuân gắn liền với tên tuổi Vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa, với Võ thuật cổ truyền trong chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, Vua Quang Trung đại phá Quân Thanh bằng một trong những chiến thuật thần kỳ, huấn luyện võ thuật cho nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, trên đường hành quân thần tốc đánh đuổi quân Thanh, vào đến Thăng Long khi hoàng bào còn quyện mùi chiến trận, Vua Quang Trung đã chọn một cành đào rộ sắc hồng, cho người phi ngựa về thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa.

Anh đào gắn kết với mùa Xuân. Đối với người phương Đông, trong đó có Việt Nam, hoa đào mùa Xuân mang theo niềm tin yêu, hy vọng và hạnh phúc về cho cuộc sống. Đào Việt Nam lâu đời và nổi tiếng là vùng Nhật Tân, ven Hồ Tây, Hà Nội. Thành phố hoa anh đào đầy mộng mơ là thành phố Đà Lạt trên cao nguyên Lang Biang.

Đào có tên khoa học là Prunus persica thuộc họ Rosaaceae. Hoa đào mang nhiều ý nghĩa, từ cuộc sống thực tế đến tư duy trừu tượng, mang tính huyền thoại của tình yêu thương chân thật. Hoa đào được ví như vẻ đẹp thầm kín, sâu lắng, nhẹ nhàng, duyên dáng của người thiếu nữ miền Bắc hay e ấp, dịu dàng, đoan trang, hiền thục như người con gái xứ ngàn hoa Đà Lạt, thiêng liêng như bằng hữu tâm giao “kết nghĩa vườn đào” Lưu Quan Trương trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Văn học sử còn lưu nhiều bài thơ, tích truyện nói về hoa đào, những chuyện tình lãng mạn một thời đã qua, hẳn không ai không từng nghe về Thôi Hộ, người sáng tác bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng “Đề Đô Thành Nam Trang”:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu Đông phong


Bài dịch: “Đề thơ phía Nam Thành Đô”
Năm ngoái ngày này dưới cánh song
Hoa đào ánh má mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông
(Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản dịch)


Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Nguyễn Du - Kiều)


Điển tích: Tiết Thanh minh, Thôi Hộ, một thi sĩ nổi tiếng đời Đường, tuấn nhã, phong lưu,nhân một hôm dạo chơi phía nam Kinh đô, chợt thấy trong xóm có ngôi nhà, tứ bề trồng toàn hoa đào, sắc màu đỏ hồng rực rỡ. Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống, một thiếu nữ diễm lệ, e ấp, nhan sắc tuyệt trần như tiên hạ phàmxuất hiện, từ trong vườn đào bước ra dâng nước tiếp đón. Thôi Hộ tạ ơn rồi cáo từ.

Thấm thoát một năm qua, cũng trong tiết
Thanh minh, Thôi Hộ trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ dán trên cổng. Lâu sau nữa, người thi sĩ đa tình trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của ông sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng hào. Chàng quỳ cạnh than van kể lể. Nước mắt rơi xuống làm cho người con gái sống lại và sau đó họ trở thành vợ chồng.

Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc huyền thoại. Đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam.”


Việt Nam có thành phố ngàn hoa trên cao nguyên, thành phố Đà Lạt, cảnh sắc thiên nhiên trữ tình, lãng mạn với lời thơ, ý nhạc mang hình ảnh hoa đào và hơi thở tình yêu mùa Xuân.

“Mùa Xuân sang có hoa Anh Đào;
Màu hoa tôi trót yêu từ lâu;
Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào;
Hẹn hò nhau dưới hoa Anh Đào mình nói chuyện ngày sau…”
(NS Thanh Sơn - Mùa hoa Anh Đào)


“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi;
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dạt dào nên ý thơ;
Nghe tâm tư mơ ước mộng dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa…”
(NS Hoàng Nguyên - Ai lên xứ hoa đào)


Đà Lạt, Tết Ất Mùi 2015
TVB
 

Bình luận bằng Facebook

Top