Hiệu trưởng tiết lộ “chiêu” quản lí ứng dụng CNTT trong giảng dạy

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Cô Trần Thị Chinh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) - chia sẻ biện pháp quản lí ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở trường tiểu học - công việc cô đã kiên trì thực hiện trong 5 năm qua, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.


Nâng cao nhận thức về lợi ích ứng dụng CNTT vào giảng dạy

Lãnh đạo nhà trường phải là người tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng các tiện ích của CNTT thông tin đem lại, tạo ra phong trào và là tấm gương sáng cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường noi theo.

Bằng nhiều hình thức, cần quán triệt trong Ban giám hiệu, Chi ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức khác, cung cấp, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhà trường;


Cần động viên, khuyến khích các thầy, cô giáo cao tuổi có kinh nghiệm, say mê CNTT, say sưa tìm tòi phương pháp giảng dạy mới, tổng hợp, góp ý, kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại để đạt được hiệu quả cao nhất trong dạy học, coi đó là tấm gương sáng cho cán bộ, giáo viên trẻ noi theo.

Có chế độ ưu tiên, khuyến khích, động viên, khen thưởng, tuyên dương các cá nhân, tập thể ứng dụng hiệu quả CNTT trong công việc và đổi mới phương pháp dạy học.

Coi đó là một tiêu chí thi đua trong các cá nhân, tập thể trong nhà trường.


Xây dựng các kế hoạch, ra các văn bản, quyết định có tính chất chiến lược lâu dài, kết hợp triển khai theo từng mảng công việc, giao trách nhiệm cho các cán bộ quản lý (CBQL) và các tổ chức khác trong nhà trường thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT. Tạo sự đồng thuận, nhất trí trong Ban giám hiệu và các tổ chức khác trong nhà trường.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cần thực hiện tốt các bước sau:

Một: Tìm hiểu đánh giá mức độ nhận thức và hiểu biết của CBQL và giáo viên trong nhà trường.

Hai: Đề xuất những nội dung tuyên truyền, quán triệt các văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết về giáo dục về ứng dụng CNTT trong quản lý dạy học hiện hành để nâng cao nhận thức cho CBQL, giáo viên.

Ba: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với các thành phần đối tượng; quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên trong hệ thống cùng thực hiện mục tiêu; cung cấp và bổ sung hệ thống văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết và các chế định hiện hành về ứng dụng CNTT trong giáo dục; soạn thảo những nội dung cần tuyên truyền,quán triệt một cách ngắn gọn, dễ hiểu.

Bốn: Tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết và giao ban rút kinh nghiệm về những công việc và kế hoạch đề ra.

Nhà trường tổ chức các cuộc hội thảo, báo cáo kinh nghiệm, tổ chức đi thăm quan, học tập, rút kinh nghiệm các đơn vị bạn, đồng thời xen kẽ trong các hội nghị, trong các cuộc họp giao ban, họp Hội đồng sư phạm để tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về CNTT cho toàn thể cán bộ giáo viên - nhân viên.

CBQL nhà trường tăng cường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học; giao kế hoạch dạy học có ứng dụng CNTT cho các tổ, nhóm chuyên môn.

Chỉ đạo cho các tổ nhóm chuyên môn thường xuyên báo cáo kinh nghiệm về đổi mới phương pháp nhất là những báo cáo có ứng dụng CNTT trong giảng dạy, đồng thời phát động phong trào dạy học có ứng dụng CNTT trong các đợt hội giảng hàng năm giao cho các tổ nhóm chuyên môn, cá nhân sưu tầm, tuyển chọn các tiết dạy hay có ứng dụng CNTT để giáo viên tham khảo, học tập.

Hiệu trưởng chỉ đạo, giao cho chi đoàn thanh niên giáo viên là nòng cốt đi đầu trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học.

Đồng thời mời các chuyên gia về CNTT về tập huấn cho cán bộ giáo viên - nhân viên từ những kiến thức sơ đẳng, đi sâu vào kĩ năng cơ bản cho đội ngũ giáo viên trẻ trước, từ đó nhân rộng đến các thành phần, đối tượng khác trong nhà trường.

Tạo thói quen vào mạng, cập nhật thông tin, sưu tầm dữ liệu, phần mềm giáo dục, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học.

Tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp, xếp loại giáo viên nhất là các bài dạy, tiết dạy có ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học. Tạo mọi điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực CNTT.

Lập kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong dạy học của Hiệu trưởng ban hành phải là một phương án tổng hợp bao gồm các yếu tố: Mục tiêu, thời gian, không gian, nội dung của các hoạt động, nguồn nhân lực, vật lực, tài chính, phương án tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ cho việc triển khai thực hiện.

Phải xác định các mục tiêu, các bước đi cụ thể về ứng dụng CNTT vào dạy học cho từng giai đoạn, từng học kỳ, từng năm học.

Xây dựng kế hoạch về khai thác và sử dụng kinh phí đầu tư: Không chỉ dừng ở việc đầu tư trang thiết bị, mà cần chú trọng hơn trong kế hoạch kinh phí cho bảo trì, bảo dưỡng; mua phần mềm; lắp đặt và khai thác đường truyền Internet, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ dạy học và quản lý...

Xây dựng kế hoạch về con người: Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ hiện nay, có kế hoạch bồi dưỡng chuyên sâu các kỹ năng soạn thảo văn bản trên máy tính để thiết kế giáo án, sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy học, kỹ năng khai thác và sử dụng thông tin trên mạng, kỹ năng tổ chức dạy học bằng trình chiếu,....

Trong kế hoạch cần chỉ rõ ai chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo hoạt động, kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra? Hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học có liên quan chặt chẽ với các hoạt động chuyên môn khác nên công việc này cần giao cụ thể cho Phó hiệu trưởng hoặc tổ trưởng chuyên môn, hoặc giáo viên có trình độ, kĩ năng về CNTT và có kinh nghiệm trong chỉ đạo đổi mới dạy học đối với giáo viên.


HÌnh ảnh tại Hội thi Kĩ năng thiết kế bài giảng trên máy tính Trường Tiểu học Xuân Quan

Xây dựng kế hoạch tạo nguồn nhân lực có chất lượng

Xây dựng kế hoạch cử cán bộ, giáo viên đi học chứng chỉ để nâng cao trình độ chuyên môn về Tin học, giáo viên không đi học các lớp cấp chứng chỉ thì chỉ cần có kĩ năng sử dụng, ứng dụng; đồng thời mời các chuyên gia và giáo viên giảng dạy có kinh nghiệm, hướng dẫn trực tiếp, thuyết trình bằng máy chiếu, thảo luận, hỏi đáp, thực hành tại trường.

Hằng năm, luân phiên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sử dụng CNTT cho giáo viên cốt cán để sử dụng được máy vi tính, phần mềm ứng dụng vào giảng dạy, công tác.

Từ những giáo viên mạng lưới này sẽ tự bồi dưỡng cho những giáo viên khác trong trường về những kiến thức cơ bản của tin học để có khả năng sử dụng tốt máy vi tính trong công tác “Học thầy không tày học bạn”.

Qua kinh nghiệm cho thấy một cách học tập nhanh nhất của Tin học đó là học tập kinh nghiệm, qua “truyền tay” và chỉ bảo trực tiếp qua máy tính ngay từ tổ, nhóm chuyên môn.

Bồi dưỡng kiến thức về tin học cho cán bộ lãnh đạo, giáo viên và nhân viên có đủ trình độ để sử dụng, khai thác tốt các thiết bị CNTT trong quản lý nhà trường. Tin học hoá trong công tác quản lý nhân sự, sổ điểm, trao đổi thông tin trong trường qua email,…

Thực hiện việc bồi dưỡng ngắn ngày, trực tiếp cho giáo viên có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng dụng các thiết bị và phần mềm nhằm đổi mới nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp, đổi mới đánh giá, vận dụng phương tiện CNTT vào tự học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhà trường tổ chức những cuộc phát động phong trào thi đua học tập, bồi dưỡng, ứng dụng CNTT trong hoạt động của toàn trường đặc biệt trong các kỳ hội giảng, kỷ niệm ngày 20/11, 8/3, ... để phát động phong trào sử dụng, ứng dụng, học tập lẫn nhau về kiến thức CNTT.

Thành lập ban CNTT trong nhà trường do Hiệu trưởng hoặc uỷ quyền cho một đồng chí Phó hiệu trưởng làm trưởng ban để theo dõi, giúp đỡ các cán bộ, giáo viên, tích hợp và triển khai các hoạt động về ứng dụng CNTT trong nhà trường, coi tiêu chí ứng dụng CNTT là một tiêu chí thi đua trong nhà trường.

Kết nối mạng Internet đưa máy tính, mạng máy tính, máy chiếu về các tổ, nhóm chuyên môn để các cán bộ, giáo viên tranh thủ, truy cập lấy thông tin phục vụ công việc của mình tại phòng Tin học trong Thư viện nhà trường, được sắp xếp theo hình chữ U cho 3 tổ chuyên môn.

Phát động học sinh tích cực tham gia các cuộc thi qua mạng do Bộ GD& ĐT tổ chức nhằm nâng cao chất lượng.

Tổ chức nhóm GV có chuyên môn nghiệp vụ tốt cùng hiệu trưởng, hiệu phó tham gia thiết kế bài giảng điện tử e-learning. Qua đó, nâng lên một tầm cao mới của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên trong nhà trường.

Tổ chức tập huấn, chia sẻ các nguồn tài nguyên

Nhà trường cần đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giáo dục theo hướng tin học hoá quản lý giáo dục và sử dụng CNTT như là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho việc đổi mới phương pháp quản lý và dạy học như:

Thứ nhất: Triển khai chương trình quản lý nhân sự, hệ thống thông tin quản lý giáo dục trong nhà trường.

Thứ hai: Tin học hoá công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Thứ ba: Khai thác tốt các phần mềm quản lý đang thực hiện trong nhà trường theo sự chỉ đạo của ngành: Phần mềm phổ cập, vermis, Emis…

Thứ tư: Trong dạy và học, chỉ đạo, khuyến khích giáo viên tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm như: phần mềm mô tả, mô phỏng, minh hoạ, chứng minh, vẽ hình học, ... để đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

Thứ năm: Sử dụng tốt các phần mềm thiết kế bài dạy như: phần mềm Microsoft PowerPoint, Microsoft Frontpage, HTML, Violet, Macromedia Flash, ...

Thứ sáu: Thông báo thông tin điện tử (Website) của Phòng, Sở và địa chỉ email chung của nhà trường để CBGV-NV nắm bắt các thông tin, hoạt động của ngành, của nhà trường nhanh chóng và chính xác.

Các kế hoạch năm học, kế hoạch theo học kì, tháng, tuần của nhà trường, Liên đội và các đoàn thể đều được gửi vào hộp thư điện tử của nhà trường, tạo được thói quen cho giáo viên cập nhật thông tin qua thư điện tử.

Giáo viên nào không cập nhật sẽ không nắm bắt được kế hoạch cho nên đó cũng là điều kiện buộc người giáo viên phải thay đổi nếp nghĩ, nếp tư duy, từ đó có sự đầu tư mua máy tính, kết nối mạng tại gia đình để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thứ bảy: Tăng cường khai thác thông tin trên mạng internet để tra cứu, tải các thông tin, phần mềm phục vụ công tác chuyên môn và đổi mới phương pháp ở nhà trường và đây cũng là môi trường thuận lợi giúp các nhà giáo khai khác nhanh nhất các nguồn thông tin hiện đại trên thế giới.

Tăng cường các nguồn lực, đầu tư thiết bị kỹ thuật tin học

Hàng năm Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu và duyệt với phòng GD&ĐT và UBND huyện ra quyết định cho phép mua bổ sung thêm trang thiết bị, máy tính cho nhà trường.

Tiết kiệm các khoản chi tiêu trong năm từ ngân sách, các khoản thu nhập phúc lợi của tập thể để mua sắm, bổ sung thêm trang thiết bị, máy tính, mạng máy tính phục vụ cho giảng dạy và ứng dụng CNTT.

Tích cực làm tốt công tác xã hội hóa để huy động nhân dân, cộng đồng, cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm tài trợ đóng góp cho nhà trường để trang bị thêm cơ sở vật chất, máy tính và mạng máy tính cho nhà trường.

Việc trang bị cơ sở vật chất phải có kế hoạch, lộ trình từng bước, từng giai đoạn, từng mảng công việc cụ thể theo hướng hiện đại hoá được đến đâu là đảm bảo hoạt động tốt đến đó không dàn trải, mỗi công việc một ít.

Đồng thời phải vào sổ tài sản của cơ quan, bàn giao cho cán bộ phụ trách cụ thể, có chế độ bảo quản, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên để các thiết bị luôn luôn hoạt động tốt. Có kế hoạch khai thác, sử dụng các thiết bị đúng mục đích, hiệu quả.

Kiểm tra, đánh giá ứng dụng CNTT và bảo quản thiết bị

Căn cứ vào kế hoạch chung của năm học, kế hoạch ứng dụng CNTT vào dạy học trong các trường THCS, kế hoạch các công tác kiểm tra chuyên môn, kiểm tra chuyên đề,... phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác ứng dụng và phát triển CNTT chủ động đề xuất với Hiệu trưởng nội dung, biện pháp, hình thức tiến hành kiểm tra các nội dung của hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học theo kế hoạch đã đề ra.

Để việc kiểm tra đảm bảo mục tiêu cần tổ chức bộ máy và thiết kế các hoạt động của bộ máy kiểm tra cho phù hợp.

Bộ máy kiểm tra phải là những người vừa thạo kiến thức về CNTT vừa có nghiệp vụ về công tác kiểm tra để đảm bảo tính khách quan trong quá trình kiểm tra, đồng thời phát hiện kịp thời những thiếu sót, lệch lạc cũng như những gương tốt điển hình trong việc thực hiện các hoạt động.

Có nhiều hình thức kiểm tra mà nhà trường đã tiến hành như: Kết hợp với kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện để kiểm tra hoạt động ứng dụng CNTT của một giáo viên, một tổ, nhóm chuyên môn;

Kiểm tra một chuyên đề như việc đầu tư và khai thác các thiết bị CNTT đã được đầu tư vào dạy học, kiểm tra việc xây dựng CSDL, khoa học liệu điện tử dùng chung của nhà trường.


Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top