Hiệu quả với mô hình học sinh thiết kế sản phẩm học tập

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đó là “kho” sản phẩm phong phú của học trò và cô Lê Thị Tuyền – Giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TPHCM, được hình thành trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học và phát huy tính tích cực của học sinh.

Thay đổi cách học nặng nề

Trong một lần trò chuyện thông qua zalo, cô Lê Thị Tuyền đã gửi cho tôi rất nhiều tấm hình giới thiệu các sản phẩm do học trò các khối thiết kế trong quá trình học tập môn Hóa học. Mới nhìn qua “danh mục” tôi thật sự bị hấp dẫn bởi những đồ dùng dạy học “tự biên tự diễn” mà thầy trò Trường THPT Lê Thánh Tôn là chủ nhân.

Sự thu hút ban đầu là kênh thị giác bởi màu sắc của các vật dụng rất phong phú, từ màu đỏ, màu vàng nổi bật đến màu xanh, màu tím dịu nhẹ. Đập vào mắt người nhìn ban đầu là những hình khối vừa lạ lại vừa quen như chữ nhật, hình hộp, hình chóp, hình nón... không hề một chút đơn điệu.

Cho đến khi vào phòng thí nghiệm của trường “mục sở thị” mới thấy được vẻ đẹp hoàn hảo và giá trị thực tế của các sản phẩm tự chế của HS. Từng “mặt hàng” được sắp xếp ngay ngắn theo thứ tự trên giá gỗ, thể hiện sự nâng niu của người sử dụng và người làm ra nó.

Cũng là sơ đồ tư duy nhưng sơ đồ tư duy của lớp 11A2 không phải là một bản vẽ đơn giản mà là một công trình hoàn hảo của nhóm HS Nguyễn Thị Phương Thảo. Vận dụng kiến thức đã học các em biết hóa giải kiến thức tổng hợp bằng một đề cương không phải bằng kênh chữ đơn điệu mà bằng kênh hình rõ nét theo hình nhánh cây khổng lồ.

Nếu trước đây các em phải “gồng mình” để thuộc hết các thuộc tính, thành phần hợp chất lằng nhằng nội dung, kiến thức dẫm đạp thì bây giờ chỉ cần nhận diện bằng trực giác, các “thần dân” hóa học đã ghi nhớ một cách nhuần nhuyễn lượng kiến thức đồ sộ trong từng chương, từng phần.

Ở một bài học khác, dưới dạng một phong bì thư, bao lì xì các nhà thiết kế sản phẩm khối 11 đã tạo nên một công trình Bao thư hóa học sáng tạo. Với sự tìm tòi mới lạ, các em đã thiết kế chiếc phong bì có nhiều ngăn gây nên sự tò mò. Khi mở từng ngăn ra, người học sẽ có những câu hỏi và đáp án trong tay để “nhận diện” bài học. Với cách làm này, những con số trừu tượng, những tri thức phức tạp đã được cụ thể hóa một cách sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.

Điều lo lắng của nhiều học sinh khi học Hóa là cách học vẹt, nhớ công thức một cách máy móc theo kiểu “tầm chương trích cú” không chỉ mất thời gian và dù có bỏ ra nhiều công sức thì cuối cùng cũng “nói trước quên sau”. Thế nhưng từ sau khi thay đổi cách học bằng các hoạt động khác theo từng nhóm, đã có hiệu quả rõ rệt. Từ đây các sản phẩm do HS làm ra như một “cây đũa thần” giúp người học say mê với bộ môn mình vốn trước đó còn e ngại.

Phát huy sở trường và định hướng nghề nghiệp

Cô Lê Thị Tuyền cho biết: “ Để có các sản phẩm phù hợp, trước hết GV đưa ra ý tưởng và những gợi ý cần thiết cho các nhóm. Sau đó các nhóm đăng ký các công trình, đăng ký thời hạn hoàn thành sản phẩm chứ không thể tùy tiện theo ý thích”.


Thay vì trước đây chiếc điện thoại thông minh dùng để chát chít, chơi game vô bổ thì nay được thay bằng các cuộc nói chuyện, để các thành viên trong nhóm đưa ra các “bản vẽ” nhằm có được sản phẩm tốt nhất. Nhờ có định hướng mà các em cho ra đời những “đề cương kịch bản” hoàn chỉnh, giúp cách thiết kế nhanh gọn không phải mất công và mất thời gian chỉnh sửa nhiều.

Điều bất ngờ của GV là các sản phẩm do HS làm ra rất phong phú “thiên hình vạn trạng” có sức hấp dẫn ngoài sức tưởng tượng của thầy cô. Vốn có trí tưởng tượng phong phú và sáng tạo, nhóm 3 người Chí Thành, Thành Tiên, Ngọc Ấn đã “cất” lên một Ngôi nhà hóa học rất hoành tráng gom được hết kiến thức đã học ở các chương đầu học kỳ một.

Khéo tay, có con mắt nhìn thẩm mỹ nhóm Ngô Khánh Linh lại dày công thiết kế sản phẩm Đông Tây Nam Bắc dựa theo đặc trưng của chiếc la bàn để chứa đựng một lượng kiến thức khổng lồ nhưng rất bắt mắt và hấp dẫn.

Lấy ý tưởng từ game show Chiếc nón kỳ diệu nổi tiếng, với niềm đam mê kiến trúc, nhóm Thu Thảo – Trung Bảo – lớp 11A4 lại trình làng sản phẩm Vòng xoay kỳ diệu để người học trả lời các gói câu hỏi trên đó. Một hộp ru-bíc của tuổi thơ, một cuốn truyện tranh xếp hình từ hồi nhỏ cũng đã trở thành nền móng sáng tạo để các nhóm hình thành nên các sản phẩm vừa quen thuộc lại vừa hữu ích trong việc học bài, cập nhật kiến thức bộ môn.

Ngắm sản phẩm các em làm ra mới thấy sự thăng hoa kỳ diệu của óc thông minh, sự sáng tạo được gieo mầm từ tiềm năng vốn đang cất giấu trong sở trường của mỗi người. Chỉ có cách học độc đáo này, năng lực cá nhân mới được phát huy và phát tiết một cách rực rỡ nhất. Những giây phút kiểm tra miệng căng thẳng đầu giờ đã không còn là nỗi ám ánh triền miên của HS. Thay vào đó là giờ học sảng khoái, vui thích và hấp dẫn. Khi làm ra sản phẩm, các em đã biết trân trọng tri thức, biết coi trọng những gì cần tích lũy trong quá trình học tập. Đây cũng là cơ hội cho các nhóm làm việc cùng nhau, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, cách xây dựng ý tưởng sáng tạo.

Đối với từng em, sở trường về hội họa, niềm đam mê kiến trúc đã nở hoa trên từng sản phẩm. Đây cũng là cách HS biết tự nhìn lại bản thân mình cho rõ hơn để có định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Mỗi em đã dám vẽ ra một tương lai cho bản thân mình dù chưa rõ ràng nhưng không hề sai lệch sau những hoạt động thiết thực để làm ra những sản phẩm phục vụ cách học, cách dạy theo hướng đổi mới có hiệu quả nhất.

Nguyễn Hoàng Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top