"Hãy để chúng tôi được làm thầy"

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Đồng cảm với chia sẻ của nhiều đồng nghiệp, cô giáo Huỳnh Thị Thanh Nga gửi tới VietNamNet bài viết "hãy để chúng tôi được làm thầy" như một chia sẻ về áp lực nhọc nhằn mà người thầy đang gánh.
Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, tôi đã có quá nhiều những kỉ niệm buồn vui gắn bó với nghề, cái nghề mà ngọn lửa chỉ được thắp bằng lòng tâm huyết với học sinh. Nhưng không phải lúc nào, sự tận tụy với học trò của chúng tôi cũng được đánh giá đúng.


Ảnh minh họa (Ảnh: Văn Chung)
Những học sinh không sợ lưu ban

Nhiều năm nay, câu khẩu hiệu trường học thân thiện đã trở thành câu cửa miệng của giáo viên và học sinh, nhưng từ trước khi khẩu hiệu ấy ra đời, chúng tôi đã coi học sinh như con em mình. Những em học sinh ngoan, có ý thức luôn là nguồn động viên lớn mỗi khi chúng tôi đứng trên bục giảng, song bên cạnh đó không ít những trường hợp đi học chỉ để phá bĩnh. Với những học sinh ấy, không phải lúc nào thân thiện cũng là cách tốt nhất.
Cô Thiện, đồng nghiệp của tôi đã trăn trở áp dụng nhiều cách với em Long, học sinh lớp 11 mà cô chủ nhiệm. Long không bỏ học, thậm chí đi học rất thường xuyên vì bố mẹ em luôn cử người đưa đón em mỗi buổi học.
Nhưng trong lớp, Long chỉ ngồi chứ không có bất cứ động thái nào của việc học. Thầy cô nhắc em ghi bài, Long bảo: “tay em đau”. Mà hôm nào em cũng đau tay. Ngồi chán, Long rút điện thoại ra chơi điện tử, và tất nhiên lôi kéo một số em ngồi xung quanh. Khi thầy giáo phát hiện thu điện thoại, Long nói luôn: “Em cho thầy đấy, mai lại mua cái khác”.
Cô Thiện đã nhiều lần ngồi nói chuyện nhẹ nhàng phân tích, nhưng Long vẫn chứng nào tật ấy. Em bảo em cũng không sợ lưu ban, cùng lắm là học 2 năm lớp 11 cũng chẳng sao. Nhiều lần nói hỗn với thầy cô, Long bị mời lên để xử lí kỉ luật, em vẫn cười đùa với bạn bè và tuyên bố: “Tao thách đuổi học được tao đấy”. Mà cũng không đuổi học được thật, không có quy chế nào đuổi học sinh như Long. Kỉ luật xong, hôm sau lại thấy Long đến trường với thái độ ngông nghênh, bất cần.
“…để tôi còn được làm thầy, được dạy học”…

Chung nỗi niềm với cô Thiện, thầy Bình dạy môn toán một lớp 12 phải luôn cố gắng kiềm chế mỗi lần bước vào lớp. Giờ dạy của thầy luôn bị cắt ngang một cách cố ý của ba em học sinh cá biệt trong lớp.
Các em không học, mà luôn nghĩ ra mọi cách để chọc tức thầy, khiến thầy phải nổi khùng lên, và tất nhiên các em đã sẵn sàng điện thoại để quay, rồi phát tán. Biết trước như thế, thầy luôn rất bình tĩnh trước mọi tình huống, nhưng càng nhân nhượng, các em càng tỏ thái độ thách thức.
Khi thầy đang giảng, em lững thững đi lên phía trên bục giảng, vừa đi vừa nhún cho các bạn trong lớp chú ý. Thầy hỏi em đi đâu, em đáp: “em thấy rác bẩn nên nhặt cho lớp sạch”. Có khi là bật quạt vài phút sau lại lên tắt quạt, rồi đến bật điện, tắt điện.
Có hôm, em còn mang kẹo cao su dính ghế các bạn nữ, mang thuốc lá đốt dở nhét cửa sổ lớp. Nhiều phần thầy vừa giảng xong, em đứng lên nói rất lễ phép nhờ thầy giảng lại, thầy Bình kiên nhẫn giảng lại lần nữa, thì đến em khác nhờ giảng lại đúng phần đó…
Cứ như thế, 3 học sinh cắt nhỏ giờ dạy của thầy vì những việc rất vớ vẩn. Thầy chia sẻ: “ Tôi mà có quyền, tôi đuổi luôn mấy học sinh không muốn học để không ảnh hưởng đến lớp, để tôi còn được làm thầy, được dạy học chứ không phải cứ lên đến lớp là phải nghĩ đến việc đối phó với những học sinh cá biệt”.
Không biết lắng nghe?

Đừng nghĩ rằng chúng tôi nóng vội, chúng tôi không có tính sư phạm hay chúng tôi không biết lắng nghe học sinh. Trước mỗi học sinh hư, bao giờ việc đầu tiên chúng tôi làm cũng là tìm hiểu hoàn cảnh và lắng nghe tâm sự của học sinh, nhưng đã có những thầy cô dở khóc dở cười với điều ấy.
Cô Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A còn ám ảnh mãi câu chuyện của mình. Việc đầu tiên nhận lớp là cô khoanh vùng các đối tượng học sinh “có vấn đề” để tìm hiểu và có phương pháp uốn nắn phù hợp.
Hôm ấy, sau buổi học, cô ngồi lại gần 1 tiếng đồng hồ để nói chuyện với Hằng, học sinh nữ nhưng đã gây ra 2 vụ đánh nhau trong trường. Cô đã khóc khi nghe Hằng kể về gia đình em, bố cờ bạc, rượu chè, bồ bịch và thường xuyên đánh đập hànhhạ 2 mẹ con. Cô đã nắm bàn tay Hằng và tự hứa với mình sẽ tìm mọi cách để giúp cô học trò bé nhỏ này.
Thế nhưng chỉ sau đó 15 phút, vô tình cô chạy xe sau Hằng trên đường về, nghe em bô bô với bạn: “Tao bịa như xiếc mà bà ấy tin mày ạ!”. Cô Thanh chết điếng người, phải dừng xe lại, lồng ngực cô như vỡ vụn.
Không ít người đã khuyên, chỉ dạy những học sinh muốn học, còn học sinh hư thì kệ chúng, thích làm gì thì làm bởi bố mẹ đã không dạy được con thì thầy cô dạy sao nổi. Nhưng lương tâm người làm thầy không cho phép chúng tôi buông xuôi.
Song, chỉ bằng khẩu hiệu thân thiện, tích cực, chúng tôi cũng chẳng thể làm gì hơn. Bởi khi chúng tôi lựa chọn cách của mình, thì sẽ có sự lên tiếng của phụ huynh, của ban giám hiệu, của hàng trăm thứ vô hình khác.
Giá thử, chúng tôi có nhiều quyền hơn, tiếng nói của chúng tôi có trọng lượng hơn, chúng tôi được quyết định nhiều thứ hơn, hay đúng hơn là chúng tôi được làm Thầy nhiều hơn, mọi thứ có thể sẽ khác?
Cô giáo
Huỳnh Thị Thanh Nga
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/173873/-hay-de-chung-toi-duoc-lam-thay-.html
 

Bình luận bằng Facebook

Top