'Hạt thóc 3.000 năm' được gửi sang Nhật Bản xác định niên đại

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
Thứ tư, 9/6/2010, 12:54 GMT+7


Theo tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, ngay trong tuần này, đoàn khảo cổ sẽ làm các thủ tục gửi 3 mẫu hạt thóc khai quật ở di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) sang Nhật Bản để giám định niên đại.
> Giới khoa học xôn xao vì hạt thóc 3.000 tuổi nảy mầm
Nữ tiến sĩ này cho biết, một đồng sự người Nhật Bản đã đồng ý giúp đỡ gửi giám định miễn phí 3 mẫu thóc. "Chúng tôi sẽ chọn 3 mẫu thóc được khai quật ở các thời điểm khác nhau, kể cả những hạt vừa phát lộ vào hôm 7/6. Nếu kết quả tốt, chúng tôi sẽ gửi thêm", tiến sĩ Dung nói.
Hiện, có hai sự lựa chọn để tiến hành các phân tích xác định niên đại ở Nhật Bản. Một là ở ĐH Nagoya, nơi có máy Tandetron AMS, thiết bị xác định niên đại C14 tốt nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, để có kết quả thời gian chờ đợi có thể là một năm hoặc hơn vì còn rất nhiều mẫu đang chờ được xác định tại đây.
Mẫu thóc còn dính chặt vào lớp đất của tầng văn hóa Đồng Đậu. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Khả năng thứ hai, các mẫu thóc cổ sẽ gửi tới một hãng độc lâp cũng có thiết bị AMS với ưu thế cung cấp kết quả theo yêu cầu của khách hàng (khoảng một tháng). "Vì thế tôi khuyên chị ban đầu nên gửi mẫu tới đây, nếu niên đại có giá trị, chị có thể gửi những mẫu khác đến Đại học Nagoya để kiểm tra kết quả sau đó", đồng sự người Nhật Bản trao đổi với tiến sĩ Dung.
Cũng theo bà, chi phí để phân tích, xác định niên đại cho các mẫu thóc không quá lớn, 600 USD cho mỗi mẫu.
Trong ngày 8/6, thay mặt đoàn khai quật, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung đã bàn giao 12 hạt thóc vừa được khai quật một ngày trước đó tại Thành Dền cho Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tất cả các hạt thóc này đều phát lộ từ tầng văn hóa Đồng Đậu, 3.500-3.000 năm trước.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Dung cho biết, quá trình khai quật các hạt thóc ngày 7/6 được chứng thực trực tiếp bởi các chuyên gia Viện Di truyền Nông nghiệp. Tất cả các nghi vấn, khả năng để mẫu ngoại lai lẫn vào khu di chỉ đã được loại trừ.
Các hạt thóc cổ khai quật ngày 7/6 được phóng to hàng trăm lần và sao chụp bằng kính hiển vi huỳnh quang soi nổi tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ngay sau khi bàn giao, các chuyên gia Viện Di truyền Nông nghiệp đã tiến hành sao chụp toàn bộ 12 hạt thóc bằng kính hiển vi với độ phóng đại hàng trăm lần để lưu lại hình ảnh chi tiết của thóc cổ. Trong số này, đáng chú ý có hạt còn dính chặt với lớp đất và vết tích của gốm ở tầng văn hóa Đồng Đậu.
"Đây là mẫu vật quan trọng. Với những mẫu thóc dính chặt vào lớp đất cổ như thế này thì không thể là do chuột mang xuống hay do lẫn từ đâu đó vào được", một cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp nói.
Theo tiến sĩ Dung, sau khi bàn giao 12 hạt thóc, Viện Di truyền Nông nghiệp sẽ xem xét hạt nào có khả năng nảy mầm để tiếp tục nuôi cấy. Hạt nào không nảy nhưng còn chất hữu cơ sẽ được bảo quản lạnh, giữ gìn sau này nếu cần sẽ sử dụng vào mục đích nghiên cứu.
Trong khi đó, những hạt thóc cổ được nuôi cấy thành lúa non trước đó tại Viện này vẫn phát triển tốt. Cây lớn nhất cao hơn 40 cm, có 4 nhánh. Hiện, các hố khai quật ở Thành Dền đang được đo vẽ lấy cột địa tầng trước khi cho lấp trở lại.
Nguyễn Hưng
 

Bình luận bằng Facebook

Top