Hải Phòng: Sáng kiến giảm căng thẳng trong khảo sát giáo viên ngoại ngữ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Lãnh đạo ngành GD-ĐT Hải Phòng đều đánh giá cao tầm quan trọng của Đề án Ngoại ngữ 2020 và cho rằng đó sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.


Ông Vũ Văn Trà - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Đề án Ngoại ngữ 2020 là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT Hải Phòng. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của thành phố Cảng.

Kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 tại Hải Phòng thì việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm, căn bản và quan trọng nhất.

Khảo sát để đánh giá đúng trình độ của giáo viên

Khảo sát và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho giáo viên là một trong những hoạt động thường xuyên của ngành GD-ĐT Hải Phòng.

Đối với giáo viên dạy môn tiếng Anh nói riêng và các môn ngoại ngữ nói chung, kể từ khi Chính phủ ban hành Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” thì việc khảo sát năng lực, trình độ và bồi dưỡng được Bộ GD&ĐT và ngành GD-ĐT thành phố chú trọng hơn, nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên từng bước đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Việc Bộ GD&ĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam tạo điều kiện cho việc hợp tác giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia ứng dụng Khung tham chiếu chung châu Âu. Theo đó, đối với giáo viên dạy tiểu học, THCS phải đạt bậc 4 (B2), dạy THPT phải đạt bậc 5 (C1) theo khung NLNN.

Giáo viên cần phải nắm vững yêu cầu cơ bản năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông bao gồm 5 lĩnh vực: Kiến thức về môn học và chương trình; Kiến thức về dạy học tiếng Anh; Kiến thức về học sinh; Giá trị và thái độ nghề nghiệp; Kết nối và rút kinh nghiệm dạy học tiếng Anh.

Yêu cầu về năng lực giáo viên còn cao hơn tại các trường điển hình dạy học ngoại ngữ là Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Trường THCS Trần Phú, Trường THPT Thái Phiên. Các trường này phấn đấu đạt 100% giáo viên sử dụng thành thạo CNTT trong quá trình dạy và học ngoại ngữ.

Giáo viên sẽ chủ động sắp xếp thời gian tham dự các lớp bồi dưỡng CNTT, tham gia hội thảo chuyên gia về xây dựng trường điển hình dạy và học ngoại ngữ. Đồng thời các trường chuẩn bị 2 giáo viên tiếng Anh tiểu học, 3 giáo viên THCS, 4 giáo viên THPT tham dự các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên các trường điển hình của đề án.

Thực hiện các kế hoạch của Bộ GD&ĐT về triển khai Đề án, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tổ chức nhiều lần khảo sát và đánh giá năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh tại Hải Phòng, đồng thời phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các đợt bồi dưỡng và thi theo khung năng lực ngôn ngữ châu Âu.

Sau các cuộc khảo sát, những giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, tham gia vào các cuộc khảo sát tiếp theo. Những giáo viên đã đạt chuẩn theo yêu cầu của Đề án tiếp tục được học, tự bồi dưỡng phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn C1 quốc tế.

Giảm 'căng thẳng' trong khảo sát

Ông Vũ Văn Trà khẳng định: Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các trường học không sử dụng kết quả khảo sát về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông để đánh giá, xếp loại thi đua, tuyển dụng, phân công giáo viên tiếng Anh phổ thông hàng năm.

Việc đánh giá giáo viên cuối năm vẫn theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và đảm bảo số lượng 120 tiết bồi dưỡng chung theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Hiệu trưởng các trường không được phê bình, 'trù dập' giáo viên nếu kết quả khảo sát chưa đạt yêu cầu.

Sở GD&ĐT đã triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên tới từng giáo viên ngoại ngữ và tạo mọi điều kiện, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng. Động viên các giáo viên ngoại ngữ tự học, không ngừng nâng cao trình độ, tham dự các kì thi Quốc tế sau mỗi đợt bồi dưỡng. Sở có kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí cho giáo viên khi tham gia thi chứng chỉ quốc tế.

Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng đã đề nghị với các đơn vị quán triệt tinh thần của đề án ngoại ngữ 2020 tới giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh.

Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ thứ 2 chỉ thực hiện từ lớp lớp 6 đến lớp 12 với trình độ tương đương bậc 2 theo khung NLNN sau khi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, ngành GD-ĐT thành phố đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ một cách thiết thực, tránh lãng phí.

Ông Trà cho biết: Thời gian qua, các trường học trong thành phố đã đồng loạt xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên về công tác sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT trong việc dạy, học ngoại ngữ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top