Gỡ rối cho giáo viên phổ thông trong dạy học tích hợp

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
- Dưới góc độ chuyên môn, PGS có thể cho biết dạy học tích hợp có tầm quan trọng như thế nào, và làm sao để giáo viên thực hiện dạy học tích hợp thành công?

Dạy học trong nhà trường sẽ phải chuyển từ đơn thuần dạy kiến thức sang phát triển ở học sinh các năng lực hành động. Trong chương trình phổ thông hiện nay, các môn học, ví dụ: Môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, đang được dạy độc lập, điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong việc xác lập nghĩa của kiến thức và vận dụng chúng trong thực tiễn.


PGS.TS. Đỗ Hương Trà

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục – đào tạo nước nhà, nhấn mạnh đến định hướng phát triển các năng lực cho học sinh. Trong đó, năng lực lại là khái niệm cơ sở của dạy học tích hợp. Vì vậy, dạy học tích hợp là xu thế trong xây dựng chương trình giáo dục ở các nước phát triển cũng như ở nước ta.
Dạy học tích hợp có đặc trưng cơ bản là sự huy động hệ thống các kiến thức, kĩ năng, phương pháp để giải quyết tình huống cụ thể trong thực tiễn. Mục tiêu của dạy học tích hợp là nhằm đáp ứng sự phát triển năng lực huy động các kiến thức, kĩ năng, phương pháp đã học, các nguồn lực đã có của người học vào giải quyết vấn đề cụ thể trong tình huống đặt ra.

Trong dạy học, tình huống này đã được điều chỉnh sao cho phù hợp với các kiến thức và năng lực của người học, đồng thời nó cũng được lấy cảm hứng từ thực tiễn nhằm đem lại sự phấn khích, tạo động cơ, thúc đẩy việc học tập.

Vì thế, việc xây dựng các chủ đề tích hợp nhất thiết cần sự làm việc hợp tác của các giáo viên đến từ các môn học khác nhau nhằm phân tích nội dung chương trình các môn học cũng như thiết kế các tiến trình dạy học tích hợp, tổ chức dạy học trên lớp và kiểm tra đánh giá. Đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo dạy học các chủ đề tích hợp thành công.

- Việc đẩy mạnh thực hiện dạy học tích hợp đặt ra những thách thức, yêu cầu như thế nào đối với các trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay, thưa PGS?

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo của các trường đại học nói chung, đại học sư phạm nói riêng phải được xây dựng trên cơ sở năng lực và theo các nguyên tắc như: Đáp ứng trình độ đại học; đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp tương lai; đáp ứng yêu cầu phát triển của từng cá nhân.

Chuẩn đầu ra định hướng tổ chức quá trình đào tạo, trong đó bao gồm phương thức tổ chức nội dung kiến thức và phương thức tổ chức đào tạo.

Điều giáo viên cần nhất hiện nay để dạy học tích hợp không chỉ là những chỉ dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”, mà còn là “công cụ” giúp học chủ động, tự tin và sáng tạo trong lựa chọn cách thức tổ chức dạy học các chủ để tích hợp, đáp ứng mục tiêu dạy học và sự phát triển đa dạng các năng lực của học sinh” - PGS.TS. Đỗ Hương Trà .

Trong đào tạo, cần tạo mọi cơ hội cho sinh viên học tích hợp nhằm hình thành phương pháp luận, hình thành tư duy sáng tạo, rèn khả năng kết hợp các nguồn kiến thức khác nhau để họ có thể giải quyết tốt các vấn đề của nghề nghiệp và cuộc sống sau khi ra trường. Đây chính là nguyên tắc chìa khóa để đào tạo dạy học tích hợp cho sinh viên.

Thực trạng đào tạo lại cho thấy còn có sự khoanh vùng, thiếu liên kết giữa các môn học thuộc khối kiến thức chung, kiến thức cơ bản, nhóm kiến thức chuyên ngành – trong đó có các kiến thức về khoa học giáo dục, về nghiệp vụ sư phạm.

Để có thể học tích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp, trước hết, sinh viên cần hiểu sâu sắc các kiến thức theo hướng chuyên sâu của nhóm ngành khoa học nhằm nghiên cứu, phân tích và thấy được mối liên hệ với các kiến thức của các môn khoa học cũng như với các kiến thức trong chương trình phổ thông. Như vậy, đào tạo tích hợp cần được đưa vào trong các trường sư phạm.

- Trước những thách thức và yêu cầu trên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – trường đại học trọng điểm, đầu ngành của cả nước về đào tạo giáo viên, đã có những hướng dẫn, “gỡ rối” như thế nào cho đội ngũ giáo viên hiện tại?

Để đáp ứng nhu cầu cũng như cung cấp thêm một “công cụ” trợ giúp cho giáo viên phổ thông trong dạy học tích hợp, được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT trong quá trình triển khai, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã huy động các chuyên gia đầu ngành của nhà trường, giàu kinh nghiệm trong tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tham gia biên soạn bộ sách “Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh” gồm 02 quyển: “Quyển 1 – Khoa học tự nhiên” và “Quyển 2 – Khoa học xã hội”.

Ngoài việc cung cấp một số cơ sở lí luận cần thiết về dạy học tích hợp theo định hướng phát triển năng lực, bộ sách còn đồng thời giới thiệu các chủ đề tích hợp ở các mức độ tích hợp khác nhau, từ tích hợp ở mức độ lồng ghép/liên hệ đến tích hợp ở mức độ chương trình - ở đó coi Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội như một môn học. Cụ thể hơn về công tác dạy học tích hợp của giáo viên, ta có thể thấy, việc sử dụng các chủ đề tích hợp được thực hiện dưới hai hình thức:

Thứ nhất, các môn học vẫn được dạy riêng rẽ, nhưng đến giữa học kì, cuối kì học, cuối năm học hoặc cuối cấp học có một phần, một chương về những vấn đề chung của kiến thức các môn học và học sinh được đánh giá bằng một bài thi tổng hợp kiến thức liên quan đến các môn.

Thứ hai, sẽ có sự bố trí xen kẽ một số nội dung tích hợp liên môn vào những thời điểm thích hợp nhằm làm cho học sinh quen dần với việc sử dụng kiến thức những môn học gần gũi với nhau.

Với hình thức thứ hai lại có thể có hai khả năng:

Bộ sách mới về dạy học tích hợp
Các chủ đề tích hợp được xây dựng cho những môn học gần nhau về bản chất, về mục tiêu hoặc cho những môn học có đóng góp bổ sung cho nhau, thường dựa vào một môn học công cụ. Cách tích hợp này cố gắng khai thác tính bổ sung lẫn nhau của các môn học, theo đuổi những mục tiêu bổ sung cho nhau bằng các hoạt động trên cơ sở các chủ đề gắn với kiến thức các môn học.
Phối hợp quá trình học tập những môn học khác nhau bằng các tình huống tích hợp, xoay quanh những mục tiêu chung cho một nhóm môn, tạo thành môn học tích hợp.

Ví dụ, ở cấp trung học cơ sở, có thể xây dựng các tình huống có nội dung tích hợp liên môn Vật lí, Hoá học, Sinh học bằng việc phân tích chương trình ba môn học này, sau đó xác định địa chỉ tích hợp trong các bài có kiến thức gần nhau hay bổ trợ cho nhau của cả ba môn trong các bài học, từ đó xây dựng mạch kiến thức tích hợp, đề xuất các chủ đề tích hợp cụ thể và xây dựng tiến trình dạy học, tiêu chí đánh giá mục tiêu dạy học các chủ đề tích hợp.

Với các chủ đề tích hợp như vậy, cần thiết phải có sự có mặt ít nhất của hai môn học để bổ sung cho nhau, để tạo ra được hình ảnh trọn vẹn của thực tiễn hoặc để giải quyết một vấn đề phức hợp mà không thể giải quyết được bởi chỉ một môn học.

Việc dạy học tích hợp cần thiết có sự cộng tác của giáo viên các môn học khác nhau để cùng giải quyết một vấn đề hoặc cùng phân tích, xác định qui chiếu môn học của mình.

- Xin cảm ơn PGS!


Bộ sách “Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh” được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản và phát hành đầu tháng 8 năm 2015. Thông tin giới thiệu chi tiết về bộ sách có tại website: http://www.nxbdhsp.edu.vn/
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top