Giúp giáo sinh hoàn thiện kỹ năng “tập dạy”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Từ thực tế đào tạo sinh viên sư phạm, thạc sĩ Vũ Anh Hoa (Trường CĐ Sư phạm Nghệ An) cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực từ nhiều phía, song kết quả thực tập của sinh viên vẫn tồn tại nhiều hạn chế.


Nhiều khó khăn từ phía sinh viên

Nguyên nhân, theo thạc sĩ Vũ Anh Hoa là do sinh viên thường gặp khó khăn khi tiếp cận và tìm hiểu nội dung sách giáo khoa. Ví dụ, với sinh viên khoa Giáo dục tiểu học, ở môn Toán, sinh viên thường khó khăn khi hiểu đúng và đầy đủ bản chất kiến thức khoa học Toán được trình bày trong chương trình sách giáo khoa Toán tiểu học; từ đó dẫn đến lúng túng, truyền thụ sai kiến thức khoa học đến học sinh khi dạy.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Vũ Anh Hoa cho rằng, sinh viên còn gặp khó khăn khi soạn giáo án, thiết kế các hoạt động dạy học, đặc biệt là việc thể hiện nổi bật trọng tâm bài dạy qua các hoạt động dạy học.

Sinh viên còn gặp khó khăn khi thể hiện giáo án (diễn đạt nội dung bài dạy trong tiến trình lên lớp). Nhiều sinh viên lúng túng khi thực thi các kỹ năng sư phạm dẫn đến hiệu quả truyền thụ kiến thức thấp.

Phong cách lên lớp của một bộ phận không nhỏ là thiếu chững chạc, tự tin, ngôn ngữ nói bị ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ cuộc sống thường ngày, thiếu gẫy gọn, xúc tích.

Để giúp sinh viên khắc phục các hạn chế trên, hoàn thiện kỹ năng tập dạy, thạc sĩ Vũ Anh Hoa cho rằng, trước hết cần giúp sinh viên hiểu đúng bản chất Toán học thể hiện trong sách giáo khoa; sau đó, giúp sinh viên biết cách xác định trọng tâm bài dạy; biết cách hình thành các hoạt động dạy học…

Giúp sinh viên hiểu đúng bản chất Toán học

Thạc sĩ Vũ Anh Hoa cho biết, quan điểm trình bày kiến thức trong chương trình môn Toán tiểu học về mặt khoa học bộ môn là viết dưới ánh sáng của toán học hiện đại.

Vì vậy, sinh viên phải hiểu cơ sở toán học hiện đại của kiến thức được trình bày ở đây là gì và được diễn đạt diễn đạt theo ngôn ngữ phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý trẻ tiểu học như thế nào.

Để từ cách diễn đạt trong sách giáo khoa, sinh viên nhận diện yếu tố khoa học của bộ môn Toán trong sách, từ đó chuyển tải qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đúng bản chất kiến thức khoa học của bài học.

Ví dụ, đối với các bài hình thành khái niệm các số tự nhiên trong phạm vi 10, giảng viên cần đặt vấn đề với sinh viên: Tại sao có các hoạt động “đếm” các đồ vật, hình ảnh có số lượng bằng số đang được hình thành?

Chẳng hạn, hình thành số 5, cần tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động đếm các đồ vật, hình ảnh trong các bức tranh mà chúng đều có số lượng là 5.

Từ đó, bắt buộc họ phải ghi nhớ lại rằng: Trong toán học hiện đại, mỗi số tự nhiên là bản số của một tập hợp hữu hạn. Do đó, hoạt động đếm để khẳng định bản số của các tập hợp có số lượng bằng nhau và bằng số tự nhiên 5 đang được học.

Xác định trọng tâm bài học

Để làm được việc này, thạc sĩ Vũ Anh Hoa cho rằng, cần hướng dẫn sinh viên khi sinh viên đứng trước bài dạy tự đặt và trả lời những câu hỏi sau:

Mục tiêu bài dạy là gì? Trong đó, nội dung nào mà nhờ đó các nội dung khác có thể đạt được? Xem xét tất cả các công việc được trình bày trong sách giáo khoa, việc nào là quan trọng nhất, việc nào được tập trung rõ nét nhất?

Hình thành các hoạt động dạy học

Giải pháp thứ ba được ThS Hoa đề cập đến để sinh viên nâng cao hiệu quả tập dạy, đó là giúp sinh viên hình thành các hoạt động dạy học trên cơ sở xây dựng logic hình thức bài học, bằng cách:

Chỉ ra cho sinh viên thấy được, bắt đầu từ cái đã biết nào (kiến thức cũ đã học, đã biết) để thiết kế nên cái mới (nội dung bài học).

Đồng thời, cần làm cho sinh viên nắm rõ cấu trúc hoạt động của các bài dạy cụ thể. Trên cơ sở cấu trúc chung đó, cùng với logic hình thức bài học, sinh viên sẽ tìm phương án thiết kế nên các hoạt động dạy học cụ thể.

Viết giáo án và thực tập bài dạy

Giai đoạn cuối cùng là sinh viên được thực hành thể hiện giáo án trước đối tượng dạy học. Để hoàn thiện các kỹ năng, thạc sĩ Vũ Anh Hoa cho rằng, sinh viên phải được tập dạy trước các đối tượng khác nhau dưới sự tư vấn, cố vấn của giảng viên và bạn cùng học rồi mới chính thức lên lớp dạy để đánh giá.

Trong hoạt động này, giảng viên và sinh viên sẽ được cùng chia sẻ các nhận xét, cảm nhận và cùng phân tích các thao tác của người tập dạy để rút kinh nghiệm.

Mô hình 4 hoạt động

Trên cơ sở các giải pháp trên, thạc sĩ Vũ Anh Hoa đề xuất xây dựng mô hình các hoạt động giúp sinh viên hình thành kỹ năng tập dạy trong khi học bộ môn Phương pháp dạy học, bộ môn Nghiệp vụ sư phạm, trước và trong khi thực hành, thực tập sư phạm.

Theo đó, hoạt động đầu tiên là thu thập thông tin. Với hoạt động này, với sinh viên khoa Giáo dục tiểu học ở môn Toán, giảng viên cần yêu cầu sinh viên đọc kỹ sách giáo khoa để nhận diện kiến thức cần truyền đạt qua bài dạy; tìm hiểu nội dung kiến thức đó đã được học ở phần nào trong các môn học về Toán cao cấp; tìm đọc và nghiên cứu để hiểu nội dung đó theo quan điểm Toán học hiện đại.

Hoạt động 2 là xử lý thông tin, cụ thể: Kiến thức khoa học Toán đó được trình bày theo ngôn ngữ của sách giáo khoa Toán tiểu học như thế nào? Nếu có thể, hãy trả lời câu hỏi, vì sao sách giáo khoa Toán tiểu học lại trình bày theo cách đó; Chỉ rõ mối liên hệ giữa những cách trình bày trong các tài liệu Toán hiện đại và sách giáo khoa Toán tiểu học.

Hoạt động 3 là hình thành thiết kế giáo án. Phần này yêu cầu sinh viên thực hiện được các sản phẩm sau:

Xác định bài dạy thuộc dạng nào (dạy khái niệm, dạy hình thành quy tắc tính toán, dạy hình thành tính chất phép tính, dạy hình thành công thức tính chu vi, diện tích, thể tích hình học, dạy hình thành phương pháp giải và trình bày lời giải các bài toán có lời văn hay dạy bài luyện thực hành…).

Để từ đó, định hình cấu trúc hoạt động thích hợp với từng loại bài; chỉ rõ mục tiêu, từ đó xác định đúng trọng tâm bài dạy; nêu được sơ đồ logic hình thành tri thức bài học; thiết kế các hoạt động dạy học chủ yếu để hình thành kiến thức bài dạy;

Xây dựng các hoạt động của thầy và trò thể hiện các hoạt động dạy chủ yếu; viết giáo án (lưu ý cách trình bày giáo án chi tiết, tỉ mỉ, có phân chia thời gian hợp lý và đặc biệt tránh ngôn ngữ nói).

Hoạt động 4 là thực hành dạy học. Với hoạt động này, cần tổ chức cho sinh viên tập dạy theo nhóm; tự dạy cá nhân để hoàn thiện các thao tác và dạy trước đám đông.

Giảng viên theo dõi qua các lần tập dạy nhóm, góp ý để sinh viên rút kinh nghiệm sửa lỗi sai trong giáo án cũng như khi thể hiện bài dạy. Chú ý những lỗi về diễn đạt thể hiện chưa hiểu kiến thức; lỗi phát âm sai…

Bên cạnh đó, để việc tập dạy hiệu quả, thạc sĩ Vũ Anh Hoa cũng cho rằng, giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học, Nghiệp vụ sư phạm cần có các hoạt động dạy thị phạm, tổ chức cho sinh viên xem các băng hình tiết dạy mẫu và được dự giờ giáo viên dạy tại trường phổ thông.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top