Giáo viên mầm non viết phần mềm dạy học

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Truyền đam mê cho đồng nghiệp

13 năm gắn bó với Trường Mầm non Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cô Phạm Minh Ngọc luôn tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng. Thành tích đạt được trong quá trình công tác là kết quả của những nhận định, đánh giá của đồng nghiệp, phụ huynh học sinh dành cho cô trong suốt quá trình học tập, sáng tạo và cống hiến.

Với kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, cô Ngọc đã nghiên cứu, thiết kế và ứng dụng hiệu quả 5 phần mềm có tính ứng dụng cao: Trí tuệ bé yêu, Cây cọ nhí, Bé yêu khám phá, Phát triển ngôn ngữ, Toán học vui cho bé với 5.750 trò chơi, bài tập.

Các phần mềm này giúp trẻ phát huy tối đa các lĩnh vực phát triển: Nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và các kỹ năng xã hội, có thể sử dụng cho các lứa tuổi khác nhau hoặc khai thác ở từng môn học theo các chủ đề với mức độ khó và dễ tuỳ theo khả năng và hoạt động của trẻ.

Đặc biệt, các phần mềm là kho tư liệu khổng lồ giúp giáo viên nâng cao khả năng công nghệ thông tin, có thêm tư liệu giảng dạy và giảm tải việc chuẩn bị đồ dùng, đồng thời hỗ trợ phụ huynh kiểm tra lại kiến thức và dạy con thêm ở nhà.

Trong năm học vừa qua, cô Phạm Minh Ngọc cũng nghiên cứu và thiết kế được 320 bài giảng được ứng dụng từ phần mềm Violet và được đăng tải trên trang violet.com.vn, làm tư liệu tham khảo cho giáo viên trên toàn quốc và nhận được những góp ý, phản hồi tích cực từ các bạn đồng nghiệp.

Cô Ngọc còn làm được nhiều đoạn băng phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục của nhà trường như: Dự án giáo dục phát triển bền vững liên kết với thành phố Umea Thụy Điển, Kiểm định trường chất lượng cao, Bảo vệ môi trường... đã được ghi nhận về hiệu quả và chất lượng, khen ngợi về tính chuyên nghiệp, góp phần quảng bá rộng rãi các hoạt động trong nhà trường.

Ngoài ra, cô Ngọc còn có khả năng sáng tạo trong thiết kế, bài trí môi trường hoạt động cho trẻ; Tự tạo nhiều đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ có hiệu quả và được đánh giá cao trong các hội thi, triển lãm về thiết bị dạy học và đồ dùng tự làm.

Cô cũng thường xuyên đọc sách báo, tài liệu, tham khảo thông tin điện tử và áp dụng sáng tạo có chọn lọc các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới vào việc chăm sóc và giáo dục trẻ tại trường. Với nhiệt huyết trong công việc, cô Ngọc đã khơi nguồn cảm hứng, truyền lửa đam mê cho các giáo viên trẻ và có sự lan tỏa tới bạn bè đồng nghiệp.

50 tuổi vẫn say mê viết phần mềm

Dù đã hơn 50 tuổi nhưng cô Nguyễn Thị Thường - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (quận Thanh Xuân) vẫn không ngừng nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn giảng dạy, đồng thời chia sẻ với đội ngũ giáo viên.


Cô đã thiết kế và xây dựng “Thư viện ảnh động”. Sau khi được cô động viên, 100% giáo viên trong trường đã biết khai thác tài liệu trên mạng và sử dụng “Thư viện ảnh động” để soạn giáo án điện tử, trình chiếu, minh họa cho các bài giảng của mình trên PowerPoint.

Cô Thường cho biết: “Xuất phát điểm ban đầu hầu như là con số không về công nghệ thông tin (CNTT), tôi đã suy nghĩ, trăn trở quyết tâm đi tìm biện pháp và đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân, bằng mọi cách phải có kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực này mới chỉ đạo được phong trào ứng dụng CNTT trong nhà trường”.

Từ suy nghĩ đó, cô tiên phong đi đầu thực hiện làm gương, để cho đội ngũ giáo viên thấy một người đã lớn tuổi như cô vẫn có thể học tập, tiếp thu và làm được, có nghĩa là CNTT không khó; quyết tâm, kiên trì sẽ thực hiện được.

Sau một thời gian tìm tòi, khám phá, giáo án điện tử “Bài thơ Cây đào” của cô đã đoạt giải Ba cấp thành phố trong ngày hội CNTT. Thời điểm đó, cô bồi dưỡng, xây dựng một đội ngũ cán bộ cốt cán về CNTT của trường, triển khai bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên 7 lớp và dần lan tỏa tới 100% giáo viên của trường. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng, động lực rất lớn để cô tự tin hơn, tiếp tục phấn đấu cho đến nay.

Mỗi năm, cô lại có thêm những sản phẩm tích lũy vào kho học liệu điện tử của trường và sản phẩm có sự thay đổi sáng tạo hơn năm trước để sử dụng bồi dưỡng và chia sẻ tới toàn thể đội ngũ nhằm có nguồn tư liệu và tự tin khai thác xây dựng bài giảng trình chiếu minh họa.

Năm học vừa qua, cô Thường thực hiện chuyên đề tiếp cận học qua chơi, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục lĩnh vực phát triển ngôn ngữ. Bằng những sản phẩm đã sáng tạo, cô xây dựng, tự làm và hướng dẫn giáo viên khai thác sử dụng, tích lũy trong nhiều năm.

Vân Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top