Giáo viên biệt phái về vùng ĐBKK có được hưởng trợ cấp lần đầu?

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
* Trả lời:

Theo Khoản 5 Điều 26 Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ, quy định: Viên chức được cử biệt phái hưởng quyền lợi quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 36 Luật viên chức. Cụ thể như sau:

Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.

Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

Căn cứ vào quy định nêu trên nếu nơi bạn được biệt phái đến công tác thuộc miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Nhà nước công nhận thì được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Riêng đối với trợ cấp lần đầu được áp dụng theo Điều 10 Văn bản hợp nhất số: 27/VBHN-BGDĐT ngày 23/12/2014 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.

UBND cấp huyện của địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuyển đến địa phương.

Chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp quy định tại Khoản 3 Điều 9, Khoản 1 Điều này trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top