Giáo dục - Phương thức từ thiện hữu ích nhất

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Phó Giáo sư Nguyễn Phương Mai, một cựu nhà báo, nay đang giảng dạy tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), từng chia sẻ rằng sau một chuyến tình nguyện làm công tác từ thiện tại châu Phi, chị đã thay đổi hẳn cách nghĩ về việc làm từ thiện.


Khi tận mắt chứng kiến hàng tỷ đồng ngoại tệ mạnh đổ vào châu Phi hỗ trợ khó khăn, không làm nên những thay đổi tốt hơn tại nơi này như kỳ vọng, trái lại, chỉ khiến những dân nghèo trở nên thụ động và lười biếng hơn, chăm chăm chờ đợi được giúp đỡ, Phương Mai đã chấm dứt ý định đi từ thiện theo kiểu cũ.

Bạn tôi, nữ đạo diễn D.B.T, sau khi bán ngôi nhà mặt phố được gần triệu đô la, đã quyết định làm từ thiện bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí nuôi 8 đứa trẻ mồ côi trong một gia đình dân tộc thiểu số tại cao nguyên đá Hà Giang. Qua một doanh nhân sống tại Hà Giang, nữ đạo diễn hàng tháng chuyển tiền tới 8 đứa trẻ này để hỗ trợ chúng lương thực, quần áo. Nhưng trong một lần, chị đột ngột đến thăm nhà chúng mà không báo trước, thì phát hiện ra rằng, hai đứa anh lớn nhất đã bớt phần tiền ăn của cả nhóm trẻ để mua rượu uống. Khi được hỏi sao lại uống rượu, chúng bảo buồn quá thì uống thôi!

Nhìn cảnh những đứa trẻ này không đến trường học, đứa bé nhất lên ba tuổi ở truồng, dù quần áo vẫn chất đống nơi góc giường, những đứa lớn không biết cách chăm sóc em cho đúng... nữ đạo diễn biết rằng, 8 đứa trẻ mồ côi này không chỉ cần tiền của chị để sống qua ngày, chúng cần sự giáo dục không chỉ ở trường, mà cả ở nhà.

Chị có thể cho chúng tiền hàng tháng để sống, nhưng liệu chị có thể dành thời gian và công sức để ở với chúng nơi vùng cao, dạy dỗ chúng hàng ngày, thúc giục chúng đến trường, cho đến khi chúng lớn khôn? Chị không thể làm được việc đó, vì chị còn công việc của chị nơi thành phố, chị còn cuộc sống của chị!

Mỗi người trong chúng ta đều có thể chia sẻ tiền của, vật dụng cho người nghèo để họ vượt qua cơn khốn khó. Nhưng rất ít người có thể dành một phần thời gian cuộc đời và trí tuệ của mình để giáo dục những đứa trẻ nghèo, mồ côi cho đến khi chúng trưởng thành, có đủ hành trang tri thức để làm người tử tế, tự làm việc nuôi sống mình và gầy dựng một gia đình mới.

Bởi việc từ thiện bằng tiền, bằng vật chất, nếu chỉ đơn thuần đưa vào tay người nghèo thiếu tri thức, không chừng sẽ làm hại họ, phá hỏng cuộc đời họ nhanh chóng hơn, hoặc biến họ thành những người vô dụng. Từ thiện ra sao để người nghèo, nhất là trẻ em nghèo không chỉ tồn tại, mà phải được sống và được giáo dục tử tế, như vậy thì xã hội mới lành mạnh được.

Như vậy, song song với từ thiện vật chất, thì từ thiện bằng giáo dục lại càng quan trọng hơn. Chỉ có từ thiện bằng giáo dục, mới có thể tạo nên sự thay đổi tích cực và căn bản nơi đối tượng nghèo, dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top