Giải pháp nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội


Trong bối cảnh thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, đồng thời với việc nâng năng lực tài chính và năng lực tự chủ, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần quan tâm đến năng lực chuyển đổi, năng lực đào tạo định hướng khởi nghiệp, năng lực nghiên cứu hàn lâm định hướng đổi mới sáng tạo, năng lực số hoá và đặc biệt là năng lực phục vụ cộng đồng.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội – cho biết như vậy tại Hội thảo giáo dục 2018: Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế diễn ra tại Hà Nội ngày 17/8.

Năng lực thích ứng với xu thế chuyển đổi của giáo dục đại học thế giới

Với nội dung này, GS Nguyễn Hữu Đức dẫn kinh nghiệm của Malaysia đã đưa ra chính sách thực hiện tái cấu trúc nền giáo dục đại học với 7 xu thế chuyển đổi, cụ thể như sau:

Chuyển từ nền giáo dục định hướng tìm việc sang khởi nghiệp và sáng nghiệp. Đưa tinh thần doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục đại học Malaysia, xây dựng một hệ thống có thể tạo ra các cử nhân có động lực tạo việc làm thay vì tìm việc làm;

Kết hợp đào tạo đại học và đào tạo nghề. Xây dựng một hệ thống giảm tập trung vào học thuật truyền thống, mà đặt giá trị tương xứng cho việc đào tạo kỹ thuật và nghề cần thiết nhất; Tăng cường tự chủ của các trường đại học; Chuyển từ nền giáo dục chỉ chú trọng đầu vào sang kết quả đầu ra;

Chuyển từ việc đầu tư nguồn lực chủ yếu từ nhà nước sang sự chia sẻ và đóng góp của các bên liên quan, trong đó có cả người học và doanh nghiệp. Đảm bảo tính bền vững về tài chính của hệ thống giáo dục đại học thông qua việc giảm bớt sự phụ thuộc của các trường đại học vào nguồn của chính phủ, yêu cầu tất cả các bên liên quan có hưởng lợi trực tiếp từ trường đại học cũng phải đóng góp;

Chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa hàng loạt sang nền sản xuất dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tích cực theo đuổi các công nghệ và sáng kiến có thể giải quyết nhu cầu của sinh viên và cho phép cá thể hóa cao độ các trải nghiệm học tập;

Phát triển hài hòa hệ thống đại học công lập và ngoài công lập. Hài hòa hóa các quy định cho các trường tư thục và công lập, chuyển đổi từ hệ thống dành cho trường đại học hiện đang mang tính tập quyền cao độ từ phía chính phủ sang mô hình dựa vào tự chủ trong khuôn khổ.

Năng lực tổ chức đào tạo theo định hướng khởi nghiệp

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, trong lịch sử phát triển, đại học thế giới luôn thích ứng với các bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và trong nhiều trường hợp đã tham gia dẫn dắt sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp.

Trước thế kỷ 20 đại học chủ yếu chỉ thực hiện chức năng truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng nhân tài và đào tạo chuyên gia. Đầu thế kỷ 20, đại học bắt đầu thực hiện cả hai chức năng đào tạo và nghiên cứu, vừa tạo ra tri thức mới thông qua nghiên cứu, vừa triển khai dịch vụ tư vấn. Ở mức độ này, đại học đã có thể nghiên cứu và phát triển một số công nghệ theo đặt hàng của doanh nghiệp. Lúc đó, đại học chưa thực thi được hoạt động sở hữu trí tuệ, nhưng có thể thương mại hóa tri thức thông qua hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D).

Từ đầu thế kỷ 21 này, cùng với hoạt động đào tạo và nghiên cứu, chức năng chuyển giao công nghệ được các trường đại học nghiên cứu tiên tiến phát triển rất mạnh mẽ. Ở đó, sở hữu trí tuệ được quản lý rất hiệu quả. Công nghệ được thương mại hóa. Văn hóa khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo được thiết lập. Về thực chất, đó là các đại học sáng nghiệp hoặc đại học định hướng đổi mới sáng tạo.

Theo đó, đào tạo phải hướng đến các kỹ năng mới, ngành nghề mới, chuẩn đầu ra mới và tiếp cận mới. Đào tạo hỗ trợ phát triển tài năng cá nhân, nhưng đổi lại phải thúc đẩy được năng lực sáng nghiệp tập thể.

Do đó, tinh thần sáng nghiệp của đại học 4.0 phải được thể hiện trong cơ cấu ngành nghề đào tạo; cấu trúc của từng chương trình đào tạo; từng giáo trình; từng bài giảng và phương thức tổ chức đào tạo. Đó là mô hình đào tạo “5 trong 1”. Mục tiêu, phương thức và sản phẩm của mô hình đào tạo định hướng khởi nghiệp được trình bày trên hình 6.

Năng lực nghiên cứu hàn lâm định hướng đổi mới sáng tạo

GS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nghiên cứu cơ bản, hàn lâm phải ưu tiên định hướng đến đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm quốc gia. Theo đó, chúng ta cần tổ chức các chương trình nghiên cứu tập trung hơn nữa đối với các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0, kể cả lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm hệ thống ươm tạo định hướng chuyển giao tri thức theo mô hình “4 trong 1” từ ý tưởng đến nghiên cứu sáng tạo; phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ và chuyển giao tri thức hoặc/và khởi nghiệp. Trong đó, các vườn ươm kinh doanh, các công ty spin-off, các doanh nghiệp xã hội phải được triển khai đồng bộ.

Năng lực xây dựng đại học số hóa

Xây dựng đại học thông minh vừa là phương thức vừa là mục tiêu của đại học 4.0. Nó không chỉ hỗ trợ cho quản trị đại học và phát triển môi trường học tập, nghiên cứu thông minh mà còn là cơ sở để tổ chức đào tạo và nghiên cứu công nghệ số và khoa học dữ liệu.

Ngoài ra, còn có thể phát triển các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh số, các mô hình kết nối dữ liệu số quốc gia và quốc tế.

Năng lực thực hiện chức năng thứ ba của giáo dục đại học

Phát triển hài hòa giữa mục tiêu vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của đại học với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp và cộng đồng. Trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo không theo đuổi mục tiêu kinh tế, mà mục tiêu phát triển kinh tế được tích hợp cùng với mục tiêu phát triển tri thức khoa học, hướng tới tạo ra một giá trị cộng hưởng thiết thực và hiệu quả hơn của các trường đại học cho xã hội.

Nhấn mạnh điều này, theo GS Nguyễn Hữu Đức, việc phát triển các sản phẩm hoàn chỉnh, hướng đến người dùng trực tiếp, thương mại hóa trực tiếp, góp phần gia tăng giá trị được triển khai trong khuôn viên đại học không chỉ là một xu thế mà còn để tăng cường tự chủ đại học.

Tuy nhiên, đại học còn có trách nhiệm phục vụ cộng đồng, trước hết là phục vụ trực tiếp địa phương, vùng – nơi đại học hoạt động, bao gồm cả việc cung cấp nguồn nhân lực, cả việc hợp tác chuyển giao tri thức, tăng nguồn thu từ cộng đồng và địa phương. Thực hiện tốt chức năng thứ ba tức là vận hành tốt cơ chế tự chủ đại học cao trong mối quan hệ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp (mô hình 3 trong 1), tích hợp tốt các nguồn vốn chính sách (từ Chính phủ, nguồn vốn tri thức của các trường đại học và nguồn đầu tư của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top