Giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp Địa lý

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Phân tích kết quả đạt được của học sinh qua từng câu hỏi của bài kiểm tra định kỳ, cô Ông Thị Cẩm Lệ, Nguyễn Thị Bích Hường, Trần Thị Phượng Anh (Trường THPT Phan Châu Trinh - Bình Thuận) nhận thấy ngay cả câu hỏi tái hiện kiến thức tỉ lệ học sinh trả lời được, trả lời trọn vẹn cũng chỉ khoảng 50%.


Trong bài làm, các em có sự nhầm lẫn từ bài nọ qua bài kia, trả lời thừa so với yêu cầu đề ra quá nhiều dẫn đến thiếu thời gian cho các câu còn lại.

Các câu hỏi vận dụng kiến thức để giải thích, phân tích, so sánh, tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu dưới 50%. Các câu hỏi liên quan đến kỹ năng vẽ biểu đồ học sinh thường mắc khuyết điểm là chọn biểu đồ không thích hợp, chia tỉ lệ thiếu chính xác.

Bên cạnh đó, biểu đồ cơ cấu hay vẽ sai tỉ lệ, sai trật tự qui định. Các câu hỏi về kỹ năng đọc và phân tích bản đồ thì lại càng yếu hơn. Học sinh đa số không làm kịp câu hỏi này vì không thuộc ký hiệu, không thuộc trật tự sắp xếp của Atlat, không nắm được các phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lý lên trên bản đồ.

Từ những hạn chế nêu trên, từ việc phân tích các nhiệm vụ về kiến thức, kỹ năng cần đạt, cô Ông Thị Cẩm Lệ, Nguyễn Thị Bích Hường, Trần Thị Phượng Anh chia sẻ việc thực hiện kế hoạch ôn tập như sau:

Biên soạn tài liệu.

Tài liệu ôn tập gồm: Tóm tắt toàn bộ kiến thức các bài trong sách giáo khoa Địa lý 12 theo chuẩn kiến thức Bộ GD&ĐT qui định. Các câu hỏi tình huống về vận dụng kiến thức để so sánh, phân tích, giải thích mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng địa lý;

Các bài tập về nhận biết, vẽ các dạng biểu đồ, xử lí, phân tích số liệu, nhận xét giải thích bảng số liệu;

Các bài tập về đọc bản đồ, phân tích các biểu đồ trong Atlat Địa lý, giải thích nguyên nhân của sự phát triển, sự phân bố của các đối tượng địa lý được biểu hiện trên bản đồ.

Để giúp học sinh giảm tải, vừa đạt hiệu quả cao trong ôn tập và thi môn Địa lý, vừa có nhiều thời gian hơn để ôn tập các môn thi khác, chúng tôi tiến hành biên soạn đề cương ôn tập môn Địa lý lớp 12 cho học sinh của trường.

Tài liệu được biên soạn tập thể, mỗi giáo viên tham gia một phần. Cá nhân biên soạn xong được đưa ra nhóm để góp ý, chỉnh sửa. Sau khi đã thống nhất trong nhóm sẽ được in sao gửi về cho mỗi lớp 12 một bản. Mỗi lớp tự in sao để đảm bảo mỗi học sinh đều có tài liệu ngay tiết ôn tập đầu tiên.

Trong năm học chúng tôi rất quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng về bản đồ, biểu đồ, nhận xét, giải thích bảng số liệu cho học sinh nhưng kết quả thu được rất hạn chế.

Nguyên nhân là do lượng bài tập chúng tôi yêu cầu các em làm chưa nhiều, với năng lực hạn chế, chưa đủ để hình thành cho các em sự thành thạo.

Để khắc phục điểm yếu này, chúng tôi đã biên soạn hệ thống bài tập về bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp.

Các bài tập biên soạn mục đích chính là để học sinh làm ở nhà, để tự rèn luyện kỹ năng nên trước phần bài tập có phần hướng dẫn, lưu ý cách làm, cách trình bày.

Đối tượng học sinh là hệ ngoài công lập, năng lực hạn chế nên chúng tôi cũng chỉ đặt mục tiêu là đậu tốt nghiệp vì vậy các bài tập kỹ năng được biên soạn xét theo cấp độ tư duy chỉ ở mức thấp là chủ yếu.

Lập kế hoạch ôn tập chi tiết

Thời gian tổ chức ôn tập ở trường THPT Phan Chu Trinh là 5 tuần, thời lượng dành cho môn Địa lý là 3 tiết/tuần. Với quĩ thời gian là 15 tiết/lớp cho cả đợt ôn tập được phân phối như sau:


Thời gian


Nhiệm vụ của học sinh


Công việc của giáo viên


Tuần 1


-Ôn tập kiến thức các bài: 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10.

-Ôn tập kỹ năng đọc, phân tích Atlat: học thuộc các ký hiệu ở trang, thuộc cấu trúc Atlat.

-Làm bài tập về bản đồ trong nội dung 1, bài từ 1-5 nội dung 2 của chủ đề I.


-Hướng dẫn HS lập sơ đồ, tóm tắt, hệ thống lại kiến thức các bài từ 2-10.

-Giúp HS trả lời các câu hỏi vận dụng kiến thức.

-Hướng dẫn học sinh cách sử dụng Atlat và làm các bài tập ứng dụng Atlat liên quan đến các bài từ 2-10.

-Cho HS làm bài kiểm tra (kiểm tra kiến thức liên quan đến các bài từ 2-10, thời gian 5 phút).

-Chấm và sửa bài, điều chỉnh sai sót cho học sinh.


Tuần 2


- Ôn tập kiến thức các bài: 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18.

-Ôn tập kỹ năng vẽ biểu đồ, xử lý, phân tích bảng số liệu và biểu đồ.

-Làm các bài tập biểu đồ từ 1-7.

-Làm các bài tập về bản đồ: bài 6, 7 nội dung 2 chủ đề I, chủ đề II.


-Hướng dẫn HS lập sơ đồ, tóm tắt, hệ thống lại kiến thức các bài từ 11-18.

- Giúp HS trả lời các câu hỏi vận dụng kiến thức.

-Hướng dẫn HS nhận biết, lựa chọn biểu đồ thích hợp, tính toán xử lí số liệu, vẽ các dạng biểu đồ thông thường, cách phân tích, nhận xét bảng số liệu, biểu đồ.

-Cho HS làm bài kiểm tra (kiểm tra kiến thức liên quan đến các bài từ 11-18, thời gian 5 phút).

-Chấm và sửa bài, điều chỉnh sai sót cho học sinh.


Tuần 3


-Ôn tập kiến thức các bài: 20, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28.

-Làm các bài tập biểu đồ từ 8-15.

-Làm các bài tập về bản đồ: nội dung 1, 2 chủ đề III.




-Hướng dẫn HS lập sơ đồ, tóm tắt, hệ thống lại kiến thức các bài từ 20-28.

-Giúp HS trả lời các câu hỏi vận dụng kiến thức.

-Hướng dẫn HS làm các bài tập ứng dụng về phân tích, nhận xét, giải thích bảng số liệu, biểu đồ.

-Hướng dẫn HS sử dụng Atlat Địa lý để trình bày tình hình phát triển, phân bố của dân cư, các đô thị, các ngành kinh tế.

-Cho HS làm bài kiểm tra (kiểm tra kiến thức liên quan đến các bài từ 11-18, thời gian 5 phút).

-Chấm và sửa bài, điều chỉnh sai sót cho học sinh.


Tuần 4


- Ôn tập kiến thức các bài: 30, 31, 32, 33, 35, 36, 37, 39.

- Làm các bài tập biểu đồ từ 16 – 19.

- Làm các bài tập về bản đồ: nội dung 3 chủ đề III, nội dung 1 – 6 chủ đề IV.




-Hướng dẫn học sinh lập sơ đồ, tóm tắt, hệ thống lại kiến thức các bài từ 20-28.

-Giúp HS trả lời các câu hỏi vận dụng kiến thức.

-Hướng dẫn HS sử dụng Atlat Địa lý để trình bày điều kiện phát triển, sự phân bố các ngành kinh tế chính của các vùng kinh tế.

-Cho HS làm bài kiểm tra (kiểm tra kiến thức liên quan đến các bài từ 20-28, thời gian 5 phút).

-Chấm và sửa bài, điều chỉnh sai sót cho học sinh.

-Phụ đạo thêm cho học sinh quá yếu.


Tuần 5


- Ôn tập kiến thức các bài: 41, 42, 43.

- Làm các bài tập về bản đồ: nội dung 7, 8 chủ đề 4, chủ đề V.

- Làm bài thi thử


-Hướng dẫn học sinh lập sơ đồ, tóm tắt, hệ thống lại kiến thức các bài từ 41-43.

-Giúp học sinh trả lời các câu hỏi vận dụng kiến thức.

-Hướng dẫn học sinh làm các bài tập ứng dụng về phân tích, nhận xét, giải thích bảng số liệu, biểu đồ.

-Phụ đạo thêm cho học sinh quá yếu.

-Hướng dẫn học sinh cách làm bài thi.

-Cho học sinh làm bài thi thử

-Chấm và sửa bài, điều chỉnh sai sót cho học sinh.


Kế hoạch ôn tập cũng được in sao gửi về cho mỗi lớp 12 một bản làm căn cứ cho học sinh theo đó thực hiện.

Lập kế hoạch là công việc hết sức quan trọng và cần thiết, giúp giáo viên và học sinh làm việc một cách chủ động, khoa học, giúp ước lượng được khối lượng công việc, phân phối công việc hợp lý, vừa sức.

Giữa thầy và trò có sự phối hợp nhịp nhàng, điều chỉnh lẫn nhau để hoàn thành công việc đạt hiệu quả cao, tạo mối quan hệ hợp tác, thân thiện giữa thầy và trò.

Tổ chức cho học sinh ôn tập ôn tập kiến thức.

Nhiệm vụ này được thực hiện vào tiết đầu của mỗi tuần ôn tập. Giáo viên và học sinh làm việc tại lớp, giáo viên giúp học sinh hệ thống lại kiến thức và vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi ở mức hiểu, vận dụng.

Cuối tiết giáo viên dành 5 phút cho học sinh làm một bài kiểm tra nhanh. Nội dung câu hỏi ở mức hiểu, vận dụng kiến thức. Sau khi kết thúc thời gian làm bài giáo viên ra đáp án, học sinh tự chấm.

Cuối cùng giáo viên thu bài về nhà chấm lại. Kết quả bài làm của học sinh là cơ sở để giáo viên đánh giá mức độ đạt được, từ đó rút ra nguyên nhân, kịp thời điều chỉnh cho tuần làm việc tiếp theo của cả thầy và trò.

Rèn luyện kỹ năng về biểu đồ, phân tích bảng số liệu

Tiết thứ hai trong tuần dùng để hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng về biểu đồ, bảng số liệu. Ở tuần thứ nhất, giáo viên vẽ mẫu mỗi dạng biểu đồ một bài.

Bài tập về nội dung này học sinh đã được cung cấp trước và từ tuần thứ hai trở đi học sinh phải có trách nhiệm làm trước ở nhà. Đến tiết học này học sinh đem bài tập đã làm lên lớp, các em tự trao đổi, đối chiếu, kiểm tra lẫn nhau, tự tìm ra lỗi sai về nội dung vẽ biểu đồ.

Các tuần còn lại, tiết này giáo viên chủ yếu dành để rèn luyện kỹ năng nhận xét, giải thích bảng số liệu cho học sinh. Giáo viên hướng dẫn học sinh phân loại bảng số liệu thành các dạng.

Mỗi dạng giáo viên cũng tiến hành làm mẫu một lần, sau đó giáo viên tổ chức hoạt động toàn lớp, yêu cầu từng cá nhân lần lượt trình bày trước lớp. Các học sinh tiếp thu chậm sẽ được gọi trình bày thường xuyên hơn.

Cuối giờ giáo viên thu toàn bộ bài tập đã cho về nhà làm, chọn ra các bài làm tốt để biểu dương, các bài làm còn thiếu sót yêu cầu học sinh sửa lại và có kiểm tra, học sinh chưa làm kiên quyết bắt làm cho đủ.

Rèn luyện kỹ năng về bản đồ

Tiết thứ ba trong tuần học sinh sẽ được hướng dẫn về kỹ năng bản đồ. Trước khi thực hành kỹ năng này, giáo viên yêu cầu học sinh phải thuộc ký hiệu ở trang 3 của Atlat và thuộc trật tự sắp xếp của Atlat.

Tiết này học sinh sẽ thực hành trên phòng máy chiếu. Ở tuần thứ nhất giáo viên cũng hướng dẫn học sinh cách đọc và phân tích bản đồ. Từ tiết hai học sinh phải có trách nhiệm làm trước bài tập về nội dung này ở nhà.

Đến tiết giáo viên yêu cầu học sinh quan sát bản đồ đã được phóng to trên máy chiếu, giáo viên gọi lần lượt học sinh trả lời các câu hỏi trong bài tập.

Học sinh yếu trả lời các câu hỏi về phân bố, học sinh khá hơn phân tích sự phát triển, giải thích sự phát triển và phân bố của các đối tượng địa lý biểu hiện trên bản đồ.

Kiểm tra, đánh giá, thúc đẩy, điều chỉnh hoạt động của học sinh.

Kết quả kiểm tra kiến thức và làm bài tập về nhà của học sinh được giáo viên lập danh sách từng lớp, thống kê từng tuần. Những học sinh yếu, chuyển biến chậm sẽ được giáo viên chọn ra, tập trung lại thành một lớp, phụ đạo thêm bắt đầu từ tuần thứ tư.

Giáo viên cũng động viên các em học tốt, tiếp thu nhanh bày các bạn học chậm. Những học sinh chây lười giáo viên đôn đốc nhắc nhở thường xuyên, nếu không tiến bộ giáo viên sẽ báo giáo viên chủ nhiệm mời thông báo với phụ huynh để cùng có biện pháp giúp đỡ tích cực.

Tổ chức cho học sinh thi thử, hướng dẫn học sinh làm bài thi.

Tiết thứ 2 của tuần cuối giáo viên cho học sinh làm bài thi thử để học sinh làm quen với đề thi. Giáo viên chấm nghiêm túc, thông báo kịp thời kết quả cho học sinh để học sinh biết mình đang ở đâu, cần phải làm gì với thời gian còn lại trước khi thi tốt nghiệp.

Thông qua bài làm giáo viên kịp thời phát hiện lỗi sai sót của học sinh về kiến thức, kỹ năng, cách trình bày bài. Tiết cuối cùng của đợt ôn tập, giáo viên sửa bài cho học sinh, lưu ý các lỗi thường gặp, hướng dẫn phương pháp làm bài thi sao cho hiệu quả.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top