Giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học tiếng vùng khó

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Xây dựng kho tài liệu, dữ liệu online

Đây là giải pháp lâu dài và bền vững giúp cho giáo viên tiếng Anh THCS vùng sâu vùng xa hoàn thành công việc và liên tục được cập nhật tài liệu giảng dạy và nâng cao nghiệp vụ.

Việc khai thác các mạng xã hội và công cụ đa phương tiện có thể phát huy tác dụng mạnh giúp khai thác các tài nguyên phi lợi nhuận free online chia sẻ cho các khu vực khó khăn tương tự như trang web “Primary English Educators in Vietnam” cho giáo viên tiếng Anh tiểu học Việt Nam.

Thực tế, sau khi thực hiện một số dự án giáo dục cho cộng đồng giáo viên vùng khó khăn ở Việt Nam, nhóm giảng viên cựu sinh các chương trình học bổng Hoa Kỳ tháng 8/2015 đã xây dựng facebook nhóm đó với hơn 300 thành viên là các giáo viên tiếng Anh tiểu học từ các vùng miền khác nhau bao gồm các tỉnh hạn chế về nguồn lực và những chuyên gia, các đồng nghiệp, bậc phụ huynh, sinh viên sư phạm, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước quan tâm đến giáo dục tiếng Anh tiểu học ở Việt Nam.

Trong trang Facebook này, các thành viên được chia sẻ, trao đổi, cập nhật kho tài liệu giảng dạy và phương pháp giảng dạy tiếng Anh tiểu học giúp cho việc dạy-học tiếng Anh tiểu học thuận lợi và hiệu quả hơn.

Các trang web miễn phí của các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, các trường đại học uy tín như: Hội đồng Anh (https://www.teachingenglish.org.uk/sites/teacheng/files/whole_manual.pdf),

TeacherVision (https://www.teachervision.com), Edutopia (http://www.edutopia.org/), Mindshift (http://ww2.kqed.org/mindshift/),

AmericanEnglish (http://americanenglish.state.gov/resources/shaping-way-we-teach-english-successful-practices-around-world), và các tài nguyên online khác có thể giúp các giáo viên vùng khó khăn tiếp cận với thông tin, tài liệu mới nhất để lựa chọn tài liệu phù hợp với việc giáo dục tiếng Anh THCS ở địa phương.

Hỗ trợ từ các chuyên gia

Thúc đẩy hoạt động chuyên môn và nâng cao nghiệp vụ của cộng đồng giáo viên tại địa phương thông qua chương trình tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia tại lớp dạy (mentoring real teaching classes)

Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh điều phối và phân công việc thực hiện định kỳ dự giờ theo nhóm giáo viên thuộc cụm trường cùng quận/huyện dưới sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia ngay tại lớp học của giáo viên, trao đổi và tìm ra các cách tiếp cận và giảng dạy tiếng Anh THCS phù hợp với đối tượng người học, mục tiêu đào tạo và đặc trưng môn học.

Việc tiến hành định kỳ dự giờ có tư vấn của chuyên gia sẽ giúp giáo viên có kinh nghiệm thực tế, đồng thời tạo mạng lưới và lịch trình hoạt động chuyên môn phù hợp với điều kiện và nguồn lực tại địa phương, đồng thời giáo viên có thể củng cố phương pháp giảng dạy thông qua thực nghiệm thay vì tham gia các lớp tập huấn chủ yếu ôn tập lý thuyết và mô phỏng.

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ

Hình thành và vận dụng nguồn lực hỗ trợ chuyên môn từ các trường đại học và cao đẳng sư phạm qua mô hình học tập phục vụ cộng đồng “Service Learning”

Theo mô hình Service Learning, các sinh viên sư phạm có thể tham gia hoạt động hỗ trợ giảng dạy cho các trường phổ thông bao gồm các trường THCS tại khu vực khó khăn theo cách thức liên kết (partnership) như sau:

- Đề án Ngoại ngữ 2020 chỉ đạo và điều phối việc xúc tiến mô hình Service Learning tại các trường ĐH,CĐ sư phạm toàn quốc;

- Trường ĐH,CĐ sư phạm cử và lập chương trình Service Learning sinh viên năm cuối hỗ trợ chuyên môn và các hoạt động tiếng Anh cộng đồng định kỳ một năm hai đợt (phù hợp lịch học kỳ năm học) cho các trường phổ thông khu vực khó khăn;

- Cơ quan phụ trách giáo dục ở địa phương như Sở GD&ĐT, trường phổ thông hỗ trợ sinh viên tham gia vào hoạt động chuyên môn giảng dạy và tiếng Anh cộng đồng và kết hợp với cộng đồng dân cư địa phương hỗ trợ nơi ở (có thể ở nhà dân (homestay) hoặc ở khu tập thể cho giáo viên);

- Các tổ chức đoàn thể địa phương, phi chính phủ hỗ trợ kinh phí đi lại cho sinh viên tham gia Service Learning.

Xây dựng cộng đồng học ngoại ngữ

Việc này nhằm tạo môi trường, nguyên cớ, lý do tự nhiên để người học có tình huống giao tiếp sử dụng ngoại ngữ. Mô hình này tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau như câu lạc bộ tiếng Anh, nhóm bạn, nhóm dân cư, hội sinh viên, lớp học, trường học, nhằm giúp người học nhận thức vai trò là công cụ giao tiếp của ngoại ngữ.

Ví dụ: Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân ở thị trấn Lào Cai đã giới thiệu mô hình cộng đồng học ngoại ngữ khai thác những phong tục, tập quán, đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai vào trường học thu hút các em học sinh người dân tộc thiểu số tham gia, tạo thành điểm hấp dẫn khách du lịch ngoại quốc giúp các em có cơ hội sử dụng tiếng Anh giao tiếp và trao đổi văn hóa với các vị khách.

Tổ chức hoạt động cồng đồng thu hút du khách nước ngoài giúp học sinh có môi trường giao tiếp sử dụng tiếng Anh là bí quyết của ngành giáo dục Lào Cai.

Về mặt nào đó, xây dựng cộng đồng học ngoại ngữ là định hướng đòi hỏi sự hỗ trợ, tham gia của các sở giáo dục, tổ chức phí chính phủ và các cá nhân, đoàn thể hướng tới mục tiêu học ngoại ngữ trong không gian văn hóa xã hội của cộng đồng đó.

Bài viết đã được biên tập, lược ghi từ tham luận "Một số gợi ý nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh THCS vùng khó khăn tại Việt Nam" của thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào Viện Ngoại Ngữ (Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội), tại Hội thảo "Tập huấn nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh giáo dục trung học vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ".
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top