Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Khi Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như: WTO, ASEAN, AEC… làm cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt thì chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi phải được nâng cao. Việc đổi mới phương pháp đào tạo, cách tiếp cận thông tin sao cho phù hợp với thực tế là đòi hỏi cần thiết đối với các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, việc chủ động tìm những giải pháp để khắc phục khó khăn trong quá trình giảng dạy, xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình cũng là một trong những công cụ cạnh tranh hữu hiệu trong quá trình hội nhập.

Dù đã có nỗ lực, chung tay từ nhiều phía nhưng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn khá nhiều bất cập. Để có được lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng được với yêu cầu và nhu cầu xã hội, có thể cạnh tranh được với thị trường khu vực và thế giới thì cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể.

Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo cần hoàn thiện, nâng cao chương trình học theo hướng chuẩn Quốc tế, phù hợp với khung tiêu chuẩn nghề VTOS, chương trình học đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của xã hội.

Đa dạng hóa và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu - nhu cầu của xã hội. Thường xuyên lấy ý kiến của các doanh nghiệp sử dụng lao động, thậm chí cả khách du lịch nếu có điều kiện để thiết kế chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn. Tiến tới chuyên nghiệp hóa bằng cách xây dựng chương trình đào tạo riêng cho từng vị trí cụ thể trong ngành công nghiệp du lịch.

Phương pháp đào tạo

Tăng cường thời lượng thực hành, thực tế; nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Mỗi môn học nên chia thành 3 phần: 1/3 học lý thuyết trên lớp; 1/3 học thực tế, thực hành; 1/3 sinh viên thảo luận nhóm.

Ngoài những kiến thức chuyên ngành thì ngoại ngữ là yếu tố quan trọng, là điều kiện để xác định lợi thế cạnh tranh của sinh viên du lịch so với các sinh viên khác.

Năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Do đó nâng cao chất lượng Ngoại ngữ của sinh viên là việc làm không thể thiếu.

Mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp phải hoàn thành chứng chỉ Tiếng Anh Quốc tế (Ielts, Toefl, B1...), khuyến khích sinh viên học thêm ngoại ngữ thứ hai (Tiếng Trung, tiếng Hàn, Nhật...).

Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch đến trao đổi để sinh viên hiểu rõ hơn và cập nhật nhanh các kiến thức mới mẻ về ngành nghề.

Khuyến khích các dự án khởi nghiệp của sinh viên, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đối với các dự án nhiều tiềm năng.

Tạo điều kiện để những sinh viên ưu tú được đi thực tập ở các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines...

Mở rộng, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ như câu lạc bộ lễ tân, câu lạc bộ giao tế, câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch, câu lạc bộ thuyết trình… để tăng tính gắn kết và sự năng động của sinh viên trong điều kiện đào tạo tín chỉ.

Nhà trường, khoa giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp thông qua đội ngũ cố vấn học tập và các câu lạc bộ chuyên ngành ngay từ khi họ chuẩn bị nộp hồ sơ vào dự thi vào trường.

Sàng lọc, nâng cao yêu cầu về chất lượng đầu vào đối với sinh viên ngành du lịch dựa trên các tiêu chí: Ngoại hình, Ngoại ngữ, khả năng giao tiếp - ứng xử, khả năng xử lý tình huống...

Cơ sở vật chất

Tăng cường ngân sách cho việc nâng cấp và mở rộng các cơ sở đào tạo; Đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho phòng học; Đảm bảo số lượng sinh viên/phòng học không bị quá tải.

Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo vùng, miền, tạo điều kiện để tất cả mọi thành phần từ thành thị đến nông thôn trên khắp cả nước đều có thể tham gia vào quá trình học tập và nâng cao kiến thức.

Xây dựng thư viện điện tử để giảng viên và sinh viên dễ dàng tiếp cận với hệ thống tài liệu tham khảo.

Bổ sung các cơ sở, khu vực thực hành nghề cho sinh viên, chẳng hạn trung tâm tư vấn du lịch, khu thực hành nghiệp vụ khách sạn - nhà hàng, lễ tân...

Chất lượng giảng viên

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, đặc biệt là về khả năng ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu khoa học và khả năng thực hành, thực tiễn.

Mỗi tuần, nhà trường nên quy định số giờ làm việc cụ thể cho từng giảng viên như sau: 2 ngày giảng dạy, 2 ngày nghiên cứu khoa học, 1 ngày làm việc thực tế tại các doanh nghiệp du lịch.

Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các giảng viên có nhiều sáng kiến trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Mỗi kỳ học lấy ý kiến sinh viên đối với chất lượng giảng dạy của giảng viên. Đối với giảng viên nào có tỷ lệ phàn nàn về công tác giảng dạy trên 50% thì phải có hình thức cảnh báo, nếu quá 3 lần thì đình chỉ giảng dạy, chuyển công tác khác.

Nâng cao chuyên môn đội ngũ thẩm định, giám sát viên về đào tạo du lịch, định kỳ mỗi năm 2 lần sẽ thực hiện đánh giá toàn bộ các cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các giảng viên, chuyên gia trình độ cao đã được đào tạo ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy.

Tăng cường liên kết, hợp tác

Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, tổ chức các khóa đào tạo dài - ngắn hạn để các giảng viên có điều kiện học hỏi ở các nước văn minh, phát triển.

Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và bồi dưỡng cho người học, tạo điều kiện để người học có điều kiện cọ xát và trải nghiệm thực tế cũng như mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.

Muốn vậy, mối quan hệ giữa các giảng viên bộ môn cần mở rộng và duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.

Tăng cường mối quan hệ với các cựu sinh viên thành đạt để có được sự hỗ trợ đối với sinh viên trong và sau khi tốt nghiệp.

Xây dựng kênh phản hồi từ các sinh viên sau khi ra trường để có thông tin về chất lượng đào tạo, đồng thời điều chỉnh và tìm hướng đối với giải pháp quản lý dạy - học.

Tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các khoa chuyên ngành du lịch và gia đình sinh viên, định kỳ gửi kết quả học tập của sinh viên về gia đình để bố mẹ họ nắm bắt được tình hình học tập của con cái để có những định hướng và điều chỉnh kịp thời.

Hỗ trợ từ các cơ quan chức năng

Tất cả những giải pháp ở trên để có thể thực hiện được và hiệu quả thì không thể thiếu sự đầu tư và định hướng đúng đắn từ các cơ quan chức năng có liên quan: Chính phủ, Tổng cục du lịch, các sở du lịch…


Bài trao đổi tóm lược từ bài viết của Ths. Phạm Thị Hải Yến - Giảng viên Khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top