Giải pháp duy trì câu lạc bộ Tiếng Anh trong nhà trường

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tuy nhiên, để duy trì được hoạt động của câu lạc bộ này trong nhà trường phổ thông và để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Từ công tác tổ chức, chương trình hành động cũng như các điều kiện khác phải được nhà trường, giáo viên hết sức lưu ý.

Phải có chương trình hành động khả thi

Để hình thành câu lạc bộ Tiếng Anh trong nhà trường, điều cơ bản đầu tiên, theo cô Nguyễn Phượng Linh, là phải có sự chỉ đạo, sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo và Ban giám hiệu nhà trường, kết hợp sự quyết tâm của giáo viên trong tổ bộ môn.

Tổ trưởng phải xây dựng cơ cấu tổ chức và chương trình hoạt động, trình lãnh đạo nhà trường để xem xét, bổ sung và ký duyệt. Trong tổ bộ môn phải có sự thống nhất, đồng tình về sự phân công và chương trình hành động. Nên xin ý kiến Ban giám hiệu ngay từ đầu năm chương trình hoạt động cả năm của câu lạc bộ.

Chương trình hoạt động của câu lạc bộ phải vừa sức với khả năng của học sinh theo từng khối lớp, chủ điểm của các hoạt động lời nói phải gần gũi với đời sống xung quanh, phải thực tế và bám sát chương trình học chính khóa.

Có thể tổ chức chương trình sinh hoạt định kỳ chia theo học kỳ, mỗi học kỳ tổ chức hai đợt (học kỳ I tổ chức vào cuối đợt thi đua 22/12 và đợt thi đua 20/11; học kỳ II, tổ chức cuối đợt thi đua 26/3, và đợt thi đua 1/5. Chương trình sinh hoạt định kỳ ban tổ chức phải xây dựng trước 20 ngày để có sự chuẩn bị chu đáo.

Một điều không kém phần quan trọng là sự kết hợp nhịp nhàng giữa rèn luyện chuyên môn và các hoạt động văn nghệ, trò chơi bổ trợ khác trong chương trình, cùng với sự lôi cuốn học sinh; thường xuyên thay đổi, cải tiến hoặc làm mới các hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu quả của câu lạc bộ.


Phải phát hành thẻ hội viên và phiếu theo dõi cho từng hội viên. Ban chủ nhiệm và các nhóm trưởng phải quản lý chặt chẽ thẻ hội viên và phiếu theo dõi. Việc tạo trang phục cho các thành viên câu lạc bộ cũng khiến học sinh hứng thú hơn. Ngoài ra, câu lạc bộ không thể thiếu quy chế hoạt động.

Trong sinh hoạt câu lạc bộ, ban tổ chức phải chú trọng đến mảng hình thức trang trí và phần âm nhạc, nhạc cụ cho từng chương trình.
Trong các chương trình hoạt động lớn mang tính chất trình diễn, nhất thiết phải mời lãnh đạo chuyên ngành, đoàn thể và phụ huynh học sinh tham dự để tìm kiếm sự ủng hộ về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Ngoài ra, để tăng cường sự hiểu biết, học tập lẫn nhau, ban tổ chức câu lạc bộ cần liên hệ mời đại biểu các câu lạc bộ của các trường gần tham dự; đồng thời tổ chức cho các em tham dự các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các đơn vị bạn nếu có thư mời.

Để duy trì hoạt động của câu lạc bộ có hiệu quả cần phải có hội phí. Hội phí xây dựng trên cơ sở tiền hội phí hằng tháng của hội viên và sự ủng hộ của Ban giám hiệu và các đoàn thể khác trong nhà trường. Việc thu, chi nguồn hội phí phải được công khai dân chủ. Toàn bộ các chương trình hoạt động và hình ảnh phải lưu giữ lại để giáo dục các thế hệ sau.

Lựa chọn thành viên phù hợp

Để phát triển câu lạc bộ, ngay công việc đầu tiên là chọn lựa học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 có niềm đam mê, yêu thích Tiếng Anh là thành viên của câu lạc bộ.

Để thu hút được nhiều em tham gia, kinh nghiệm của cô Nguyễn Phượng Linh phân công giáo viên Tiếng Anh trong tổ phụ trách từng lớp và trực tiếp cá nhân mình tranh thủ giờ sinh hoạt 15 phút đầu buổi, giờ chuyển tiết 5 phút, giờ ra chơi... để truyền thông và quảng bá cho học sinh hiểu mục đích, lợi ích của câu lạc bộ Tiếng Anh.

Sau khi tập hợp hội viên, có thể chia thành các nhóm: Nhóm theo 6 đối tượng lóp 6, 7, 8, 9 để thuận lợi tổ chức các cuộc thi mang tính tập thể, đồng thời tạo điều kiện cho các em hỗ trợ lẫn nhau trong sinh hoạt và học tập; nhóm theo từng khối lớp để tiện việc quản lý, triển khai các nội dung sinh hoạt và thu hội phí.

Tạo hứng thú từ nội dung sinh hoạt phong phú, hấp dẫn

Người làm công tác tổ chức câu lạc bộ, ngoài việc củng cố và duy trì cơ cấu tổ chức nhất thiết phải có những cải tiến về nội dung và hình thức hoạt động của câu lạc bộ.

Bản thân cô Nguyễn Phượng Linh đã có nhiều trăn trở, suy nghĩ và đã hình thành các ý tưởng dưới đây:

Phải biết kết hợp 3 phân môn (Tiếng Anh, Nhạc, Họa) trong tổ chuyên môn, cụ thể hóa thành các hoạt động, lồng ghép vào các chương trình sinh hoạt của câu lạc bộ.

Giáo viên tiếng Anh kết hợp với giáo viên Âm nhạc tập các bài hát tiếng Anh hoặc các tiết mục văn nghệ khác cho học sinh, hội viên. Kết hợp với giáo viên mỹ thuật phụ trách phần trang trí, tổ chức thi vẽ hoặc giúp học sinh vẽ các tranh ảnh theo chủ đề yêu cầu của đợt sinh hoạt. Kết hợp với giáo viên nhạc tập các bài dân vũ, aerobic, nhịp điệu...

Nói chung phần kỹ thuật do các giáo viên chuyên môn phụ trách, phần nói tiếng Anh do các giáo viên tiếng Anh phụ trách, từ đó sẽ có sự gắn bó trách nhiệm và hoạt động nhịp nhàng trong tổ.

Nội dung và hình thức các hoạt động phải có sự thay đổi hoặc làm mới liên tục. Trình bày quan điểm theo các chủ đề, trả lời các câu hỏi phản biện dưới hình thức bốc thăm câu hỏi hoặc hái hoa dân chủ (hoạt động này câu lạc bộ đã thường xuyên hoạt động song ít phát huy tính sáng tạo và lôi cuốn người nghe);

Trình bày các kinh nghiệm học tập, trả lời các câu hỏi để chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên khác;

Trình bày lý thuyết có minh họa dẫn chứng về kiến thức môn học (như cách chia thì, từ loại, cấu trúc, mẫu câu….);

Đưa ra tình huống, tổ chức thi giữa các nhóm trong cùng một khối. Hoạt động này hết sức phong phú, gần gũi với các chủ đề trong chương trình chính khóa và rất thực dụng với các học sinh, tuy nhiên yêu cầu thực hiện các đơn vị lời nói phải phù hợp với đối tượng học sinh trong từng khối học.

Ban tổ chức không nên đặt nặng về kỹ năng ngôn ngữ mà nên chú trọng và phát huy về sự mạnh dạn, sử dụng được đơn vị lời nói có tính thông báo và sự linh hoạt sáng tạo của các em.

Cũng có thể tổ chức các cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề, giới thiệu, trình bày, bình luận, chất vấn bằng tiếng Anh (theo nhóm/ khối lớp); thi vẽ, viết bưu thiếp, thiệp mời, áp phich quảng cáo, thông báo (theo nhóm/ khối lớp);

Thi viết đoạn văn về cuộc sống xung quanh; thi viết thư, viết tường thuật, viết báo cáo; thi diễn kịch, thể hiện động tác, sắc thái tình cảm theo các bài đối thoại trong chương trình;

Thi phát hiện từ, cụm từ có trong bài khóa nào (dưới hình thức như trò chơi Âm nhạc); thi tìm từ có số lượng chữ cái và nội dung gợi ý (dưới hình thức như trò chơi Chiếc nón kỳ diệu);

Thi viết câu hoặc nói lại câu dạng “running dictation” (dưới hình thức như trò chơi Tam sao thất bản); thi đặt câu nhanh theo nhóm mỗi thành viên đưa ra một từ; thi xây dựng từ điển nhóm (viết từ đã học theo alphabet); thi giải thích thành ngữ, địa danh trong tranh (các địa danh có tranh trong sách giáo khoa);...

Ngoài hình thức tổ chức các cuộc thi ban tổ chức cần xây dựng các trò chơi mang tính tập thể như bingo, lucky number…

Ban tổ chức khi xây dựng chương trình cần có sự lồng ghép hợp lý giữa thuyết trình, tranh luận, các cuộc thi, trò chơi, tiết mục văn nghệ và các hoạt động giao lưu của các câu lạc bộ bạn để buổi sinh hoạt câu lạc bộ không bị nhàm chán, tăng thêm phần sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn mọi người.

Việc khen thưởng, tặng quà lưu niệm trong các buổi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết.
Ban tổ chức cũng cần có sự thay đổi về thiết kế sân khấu, cách xếp đặt, trang trí hội trường…

Trang phục, hóa trang cũng là điều cần lưu ý để tăng tính thẩm mỹ, tạo thêm sắc màu cho buổi sinh hoạt.

Việc cuối cùng là sau mỗi đợt sinh hoạt ban tổ chức nên họp để kiểm điểm trách nhiệm, công việc và rút ra các bài học kinh nghiệm.

Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top