Đừng chỉ nhận là “trọng tài” mà không thấy mình cần phải làm "cầu thủ"

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Hãy đánh giá công bằng và công tâm

Trong những ngày đầu năm mới 2016, có những trang báo lên tiếng về kết quả của đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT nước nhà. Nhưng nếu chỉ nói đến những cái chưa được, những điều không hài lòng theo quan điểm cá nhân mà không nói đến những cái được to lớn của ngành GD-ĐT đối với đất nước thì quả thật là bất công, và nếu không làm rõ trách nhiệm của xã hội đối với những điều không được này thì là không công bằng.

Đảng ta đã khẳng định những thắng lợi vĩ đại của 30 năm đổi mới đất nước đưa đất nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước phát triển mà bạn bè quốc tế cũng phải khâm phục.

Có ai mà không biết rằng hệ thống đường cao tốc của chúng ta nay có khác gì Hoa Kỳ, Châu Âu, sân bay, hải cảng, thành phố với những tòa nhà cao chọc trời lung linh ánh điện chẳng khác gì thế giới văn minh, hiện đại.

Điện khí hóa toàn quốc thành công, hệ thống thông tin của chúng ta chẳng kém gì của người Mỹ; lúa gạo của Việt Nam thừa xuất khẩu. Đại đa số con cháu chúng ta được đến học trong những ngôi trường khang trang; trường tranh tre, nứa lá đang đi vào dĩ vãng và học sinh sử dụng laptop như người lớn. Không ít gia đình chúng ta còn xài đồ dùng sang trọng chẳng kém gì ở nước ngoài, tăng trưởng ô tô cá nhân nhất khu vực...

Nhưng điều quan trọng hơn là hàng triệu con em của chúng ta ra nước ngoài du học đều học giỏi hơn sinh viên của những dân tộc văn minh nhất của thế giới, học sinh sinh viên của chúng ta đang làm rạng danh Tổ quốc bằng nhiều giải thi vô địch thế giới.

Thế những con người làm nên những điều kỳ diệu cho đất nước ấy là ai? Họ chính là sản phẩm thực thụ của GD&ĐT nước nhà.

Khi còn sống, bố tôi có lần nói rằng: Khi con ra đời cuộc sống của bố mẹ vẫn bình thường nhưng đến khi em thứ nhất, rồi em thứ hai của con ra đời, kinh tế gia đình rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, đến mức tưởng chừng không gượng được.

Dân số trong gia đình tôi mới tăng có 2,5 lần trong hoàn cảnh những năm 1960 mà đã vậy; thử hỏi một đất nước dân số sau 70 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng tới 4 lần, trong hoàn cảnh thế kỷ bùng nổ thông tin ai cũng biết tường tận về thế giới xung quanh và đều mong muốn cho mình, cho con cháu một cuộc sống như ở các nước phát triển thì việc đáp ứng những nhu cầu ấy còn khó khăn đến mức nào?

Dân số tăng quá nhanh, cơ sở hạ tầng còn chẳng theo kịp đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân đặc biệt là ở thành phố lớn, biết bao nhiêu vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh nhức nhối đã giải quyết được đâu, thế mà lại cứ đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải đổi mới trong một sớm, một chiều để đáp ứng ngay yêu cầu của người dân thì đó có phải là duy ý chí không?

Cái khó này tất nhiên đòi hỏi phải tìm được những “hiền tài” thật sự cho đất nước chứ không phải là đi trách “nhân tài” không về nước. Chúng ta đang không thiếu “hiền tài” nhưng ai là người sẽ tìm ra họ và dùng họ? Phải chăng đây chỉ là trách nhiệm của ngành GD&ĐT?

Thiếu tâm huyết, trách nhiệm, nhiều tiền vẫn có thể thất bại

Thực chất, giáo dục và đào tạo là món hàng xa xỉ nhất mà chỉ các nước giàu và có lịch sử hòa bình lâu dài mới đang làm được nhưng cũng vẫn chưa hoàn thiện. Học phí học 1 tín chỉ sau đại học ở Hoa Kỳ là 1.000 USD, trong khi học phí học chương trình kỹ thuật bằng tiếng Anh của ta chỉ bằng 1/40. Tất nhiên, đa số các thầy cô giáo của ngành không phải đều giỏi như của Hoa Kỳ nhưng những bươn trải với cuộc sống cũng là một lý do khiến họ chưa giỏi được.

Với con đường đang sửa, chỉ cần trực quan sinh động là ai cũng hiểu được và thông cảm với những người sửa đường. Tuy nhiên, đổi mới giáo dục và đào tạo lại khác. Nó không phải chỉ là trực quan sinh động mà chủ yếu là tư duy trừu tượng và thời gian để hoàn thành không thể tính bằng tháng, bằng năm như sửa đường mà là hàng chục, hàng vài chục năm.

Vì thế, tìm được người đồng cảm, chia sẻ ít lắm, khó lắm và chỉ cần hơi trục trặc một chút, mà làm lần đầu ai làm chẳng trục trặc, không ít người lại tự cho mình là trọng tài để phán xét, chê bôi... Một mầm mon mới nhú, chẳng được nâng niu, chăm sóc; thấy nó hơi gầy là không muốn ghi nhận thì sao có thể có cây mới, với sức sống mới được.

Cái cần nhất cho đổi mới ngày nay không phải chỉ là tiền, là chế độ cho giáo viên như nhiều người đang tư duy mà là phải đổi mới sự bảo thủ, trì trệ cả về tư tưởng, kiến thức của thầy cô và thắp lại ngọn lửa tâm huyết, trách nhiệm trong trái tim của mọi người. Ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể thành công, có tiền và nhiều tiền vẫn có thể đem lại thất bại đáng tiếc.

Xã hội mong mỏi giáo dục và đào tạo dạy dỗ con mình nên người. Nhưng khác với ngày xưa, cha mẹ chỉ biết động viên, khen thưởng con khi con đạt được thành tích. Nhân văn hơn, thiếu niên, nhi đồng ngày ấy thấy bạn giỏi hơn thì chỉ có một con đường cố gắng học hành, phấn đấu để bằng bạn, bằng bè.

Còn ngày nay, cha mẹ hầu như ai cũng chỉ muốn con mình phải thông minh hơn, phải giỏi hơn con người khác nhưng con đường để đạt mục tiêu thì thực chất lại biến con mình trở nên con người của chủ nghĩa cá nhân ngay từ tuổi học trò, phá đi của nhân cách tự nhiên của tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Nhờ thầy cô dạy thêm, kèm thêm để con mình giỏi hơn con người khác, chạy điểm để con mình điểm cao hơn. Người này cho con học thêm, người khác lại muốn cho con học thêm nhiều hơn để giỏi hơn. Cứ thế xã hội tự đẩy con, cháu mình vào tình trạng học tập quá tải chứ đâu phải chỉ là lỗi ngành Giáo dục.

Cứ thế, xã hội làm cho từ tuổi học trò, học sinh đã có tư tưởng học, rèn luyện không quan trọng vì đã có cha mẹ lo. Thật là bất công, xã hội lại đổ lỗi này cho ngành Giáo dục lần nữa.

Có phải tính hiếu kỳ đã thay cho tinh thần dân tộc?

Điều cuối cùng, ảnh hưởng rất lớn đến đổi mới giáo dục và đào tạo đó là sự phát ngôn tùy tiện của không ít người và một số báo chí. Tuyển sinh 2015 là một thắng lợi to lớn của ngành Giáo dục, thể hiện quan điểm nhân văn “Tất cả vì học sinh thân yêu” và chia sẻ với những nỗi lo toan vất vả của những người dân nghèo.

Một chút trục trặc về tin học, một vài bức xúc đã bị thổi phồng và làm ầm ĩ cả xã hội lên. Ai có thể công bố và có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật là: Có bao nhiêu phần trăm người dân, thí sinh bức xúc và có bao nhiêu phần trăm là hài lòng? Có bao nhiêu phần trăm thầy cô giáo của ngành bức xúc hoặc hài lòng? Với quan điểm của một nhà giáo, một nhà khoa học, tôi khẳng định hài lòng chiếm đa số.

Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ để biết kiểu ủng hộ của xã hội qua internet và facebook. Chiều 30/12/2015, bạn tôi đưa hình ảnh của tôi chơi đàn và hát bài hát do tôi sáng tác lên facebook cho vui. Chỉ sau 2 ngày, hơn 6.300 lượt người truy cập vào video này.

Cũng vẫn bạn tôi, đưa hình ảnh con gái tôi đứng dưới lá cờ Tổ quốc trên đất Mỹ với hai lời dạy của tôi: "Dù làm bất cứ việc gì, dù ở bất cứ nơi đâu, con hãy nhớ rằng: Con là người Việt Nam và con phải có trách nhiệm đối với Tổ quốc của mình; đừng để bất cứ ai coi thường người Việt Nam, nhưng hãy nhớ rằng để họ không coi thường thì phải bằng việc làm chứ không phải bằng lời nói". Nhưng kết quả về khán giả, hầu như chẳng mấy ai quan tâm.

Có phải tính hiếu kỳ của không ít người trẻ tuổi đã thay cho tinh thần dân tộc rồi hay không? Vì vậy, nếu đã nói trên báo chí là phải chính xác không nên dùng những cụm từ “rất nhiều”, “đông lắm”, “bức xúc” ... mà phải xem xét kỹ thái độ của người phát ngôn có vì tổ quốc, vì sự nghiệp giáo dục của Đảng hay vì cái tôi của họ.

Dù sao và thế nào chúng ta cũng vẫn phải đổi mới giáo dục và đào tạo theo quan điểm, đường lối của Đảng dù cho thực tế xã hội ngày nay đa số luôn tự nhận mình là trọng tài và hầu như chẳng ai thấy mình cần phải làm cầu thủ cả. Bởi vì, nếu không đổi mới chúng ta sẽ tụt hậu mà tụt hậu sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ cho đất nước.

Những nhà lãnh đạo, những Đảng viên cộng sản, những công dân, những nhà giáo hãy gạt bớt cái tôi của mình đi một chút thôi các thế hệ mai sau sẽ được nhờ và sẽ biết ơn các bậc tiền bối mãi mãi.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top