Đổi mới sinh hoạt lớp bằng phương pháp tổ chức cuộc thi và đóng vai

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phương pháp tổ chức cuộc thi

Đây là phương pháp tổ chức sắp xếp học sinh (phân thành các đội nhỏ - nếu cần thiết) thi với nhau những nội dung mà giáo viên chủ nhiệm đưa ra theo một tiêu chí cụ thể.

Mục tiêu là tạo sự sự đoàn kết và giúp học sinh có cơ hội thể hiện tính cách, tài năng của mình. Đồng thời, kích thích sự hứng thú, giúp các em tiếp thu tích cực bài học.

Ngoài ra, còn rèn luyện cho các em kỹ năng sống (tùy thuộc vào cuộc thi giáo viên đặt ra) như: kĩ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác, kĩ năng đảm nhận trách nhiệm …

Để thực hiện phương pháp này, việc đầu tiên là giáo viên thông báo trước cho học sinh nội dung, thể lệ cuộc thi, rồi yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung, vật dụng cần thiết. Sau đó là tổ chức thi và tổng kết, trao giải.

Chẳng hạn: Vào tuần học của tháng 11, lớp sinh hoạt với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”. Tôi hướng dẫn cho lớp trưởng là người điều khiển trò chơi với yêu cầu: “Các bạn hãy nêu một câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn… về người Thầy giáo?”.

Lớp trưởng mời một học sinh trả lời. Học sinh trả lời xong có quyền mời 1 bạn khác ở tổ tiếp theo trả lời. Lần lượt theo hình thức như vậy.

Lưu ý: Không mời một học sinh 2 lần, học sinh tổ 1 chỉ định học sinh tổ 2, học sinh tổ 2 chỉ định học sinh tổ 3, học sinh tổ 3 chỉ định học sinh tổ 4, học sinh tổ 4 chỉ định học sinh tổ 1. Trò chơi cứ tiếp tục cho đến khi có tổ không trả lời được. Tổ thua cuộc sẽ hát một bài hát về thầy cô giáo.

Phương pháp đóng vai

Cô Phan Hồng Anh
Đây là phương pháp trong đó một số thành viên diễn thử tình huống như ở ngoài đời trước mặt tập thể lớp.
Sau đó các nhóm trao đổi dưới hướng dẫn của giáo viên để đưa ra cách xử lí tình huống.

Có thể mời một số thành viên trình diễn trước lớp nhằm minh họa cho cách xử lí tình huống.

Cũng giống như phương pháp tổ chức cuộc thi, ở phương pháp này mục tiêu cần đạt được là tăng sự đoàn kết giữa các bạn học sinh trong lớp; Kích thích sự hứng thú, tham gia tích cực của các em.

Đồng thời rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh (tùy thuộc vào tình huống giáo viên đặt ra) như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thể hiện sự cảm thông, kĩ năng ứng phó với căng thẳng và cảm xúc, kĩ năng thương lượng, kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, …

Theo đó, thực hiện phương pháp này, giáo viên chủ nhiệm chuẩn bị tình huống phù hợp với chủ đề; giới thiệu cho học sinh tình huống ngắn các em sẽ đóng vai.

Sau đó phân vai cho các học sinh có thể là xung phong hoặc chỉ định và trao đổi thảo luận với các em để làm rõ nhân vật, tình huống mình thể hiện. Giáo viên có thể giao cho học sinh từ giờ ra chơi để không mất thời gian trong giờ sinh hoạt lớp.

Trên cơ sở đó, các em học sinh suy nghĩ, chuẩn bị và diễn xuất. Các thành viên của các nhóm lên biểu diễn, cách xử lí tình huống. Cuối giờ giáo viên chủ nhiệm tổng kết, trao đổi gợi ý học sinh rút ra bài học.

Chẳng hạn: Vào tuần học của tháng 10, lớp sinh hoạt theo chủ đề “Tình bạn, tình bạn khác giới”. Giáo viên chủ nhiệm đưa ra tình huống: “Bạn biết được điều bí mật của mình đã bị người bạn thân thiết tiết lộ cho một bạn khác trong lớp. Người đó nói lại với bạn, bạn sẽ ứng xử như thế nào với người bạn đó và người bạn thân của mình?”.

Theo đó, tôi sắp xếp cho hai nhóm (mỗi nhóm 3 người) diễn tình huống, một nhóm là các học sinh nam, và một nhóm là các học sinh nữ. Sau khi các học sinh diễn tình huống, các bạn học sinh còn lại nhận xét, và bổ sung các ý kiếnc cho nhau. Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm tổng kết.

Có thể nói, đổi mới sinh hoạt lớp nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực, giúp đỡ lẫn nhau, loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, các tình huống và hoạt động hàng ngày.
Mặt khác, tạo cơ hội để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của học sinh và phát triển hài hòa về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top