Đề thi môn Sinh học sắp xếp theo thang bậc kiến thức

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đề thi hay, không quá lạ

Cô Trần Thị Bích Thảo – giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nhận xét:

Phạm vi đề thi: Nội dung đề hoàn toàn đúng với phổ kiến thức và cấu trúc trong chương trình lớp 12 và 11 theo đúng tỷ lệ số câu như đề tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố.

Đề có sự sắp xếp từ dễ đến khó, bám sát theo đúng ma trận kiến thức, tạo tâm lý thoải mái và thuận lợi cho học sinh làm bài.

Về độ phân hóa: Sự phân hóa mức độ câu hỏi tương đối rõ ràng. Khoảng 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 40% câu hỏi còn lại ở mức độ phân hóa học sinh khá giỏi tăng dần, đặc biệt có khoảng 10% câu hỏi ở mức độ vận dụng cao hơn hẳn để phân loại, giúp các trường đại học lựa chọn thí sinh.

Những câu hỏi vận dụng cao thường rơi vào phần: quy luật di truyền, di truyền người, di truyền quần thể.

Một số câu có liên hệ thực tiễn cuộc sống, như câu 118 về di truyền nhóm máu; câu 106 về hệ tuần hoàn của người; câu 101 về chu trình ni-tơ trong khí quyển…

Một điểm cộng cho đề Sinh học năm nay là có câu thực hành thuộc kiến thức Sinh học lớp 11.

Nhận xét chung: đề năm nay rất hay, không quá lạ với học sinh, không khó để học sinh đạt được 7-8; song để đạt 9-10 điểm, yêu cầu học sinh phải có thêm về tư duy tổng hợp, ngoài kiến thức cần có kĩ năng làm bài tốt. Dự kiến năm nay sẽ có ít cả điểm 10 và điểm liệt môn Sinh học. Thảo Đan (ghi)



Sẽ ít thí sinh được 10 môn Sinh học

Đó là nhận định của cô Nguyễn Thanh Huyền – Tổ trưởng tổ chuyên môn, Trường THPT Phù Ninh (Phú Thọ).

Theo cô, nhìn chung cấu trúc đề thi Sinh học năm nay đúng theo đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó giúp học sinh ổn định về mặt tâm lý khi làm bài.

Nội dung kiến thức ở lớp 11 chiếm 20%, tập chung ở chương I: Chuyển hóa vật chất và năng lượng và có một câu hỏi thực hành khá hay liên quan đến kiến thức thực tế.

Còn lại 80% kiến thức lớp 12, các câu hỏi khó tập trung chủ yếu ở phần các quy luật di truyền. Tuy nhiên, so với năm trước, đề năm nay khá dài, số lượng câu hỏi nhận định nhiều (từ câu 101 đến 120), nên dự kiến số học sinh được điểm 10 sẽ ít hơn năm trước. Lập Phương (ghi)

Câu hỏi gần như phủ kín chương trình lớp 12

Thầy Nguyễn Duy Khánh – Giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ – nhận định về đề thi Sinh học, kỳ thi THPT quốc gia 2018:

Tỉ lệ phân bố 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao trong đề thi minh họa lần lượt là: 15%, 32,5%, 27,5% và 25%. Theo đó, so với năm 2017, đề thi môn Sinh học lần này có độ khó tăng vọt với 25% câu vận dụng cao (8 câu). Một số câu ở mức độ vận dụng tuy không quá khó nhưng có những phần kiến thức học sinh rất dễ nhầm lẫn dẫn đến mất thời gian cho những câu mức vận dụng cao. 20/40 câu trong đề là câu đếm mệnh đề (mỗi câu có 4 nhận định đúng/sai tương ứng với 4 câu hỏi/bài tập).

Về nội dung đề thi: Đúng theo thông báo của Bộ GD&ĐT đã công bố trước đây, kiến thức trong đề phân bố theo tỉ lệ: 80% thuộc chương trình Sinh học 12 (32 câu) và 20% thuộc chương trình Sinh học 11 (8 câu).

Về kiến thức Sinh học 12, vẫn như các năm trước, các câu hỏi vẫn hầu như phủ kín toàn bộ chương trình. Hai chương chiếm số lượng câu hỏi nhiều nhất vẫn là “Tính quy luật của hiện tượng di truyền” và “Cơ chế di truyền và biến dị” Các câu hỏi dễ lấy điểm tập trung chủ yếu ở phần “Hệ sinh thái, sinh quyển và bảo vệ môi trường”, phần “Tiến hóa” và chương “Cơ chế di truyền và biến dị”.

Trong khi đó, các câu hỏi vận dụng cao tập trung chủ yếu trong chương “Tính quy luật của hiện tượng di truyền”. Một câu phả hệ trong đề (thuộc chương V Di truyền học người) thường rất khó thì trong đề thi năm nay cũng như đề thi tham khảo 2018 tương đối nhẹ nhàng với các em khá và giỏi.

Về kiến thức Sinh học 11, trong đề tham khảo lần này, các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11 chỉ rơi vào phần kiến thức của chương I “Chuyển hóa vật chất và năng lượng”. Phần lớp 11 có 1 câu hỏi thực hành rất hay, gắn với kiến thức thực tiễn và đời sống.

Với các em học sinh chỉ thi môn Sinh học để xét tốt nghiệp THPT thì việc bám sát sách giáo khoa và kiến thức giảng viên giảng dạy trên lớp thì có thể đạt yêu cầu.

Với học sinh cần đạt từ 5-7 điểm thì đề này không gây “sốc” như các thông tin đại chúng truyền thông thời gian gần đây. Với những học sinh khá giỏi, để đạt từ trên 7 đến 9 điểm thì cần phải có tốc độ làm bài rất nhanh và chính xác.

Đề thi khá dài và có một số câu hỏi mang tính “bẫy” học sinh sẽ khiến các em mất thời gian để phân vân các nhận định đúng sai. Nếu các em làm chắc chắn 32 câu đầu trong khoảng 20-25 phút thì sẽ đạt điểm rất cao. Với mức độ đề khó ở tất cả các môn nói chung và đề thi tổ hợp nói riêng, số học sinh đạt điểm 10 năm nay sẽ không nhiều như năm 2017.

Việc kiểm tra khảo sát chất lượng của Sở GD&ĐT cho học sinh toàn tỉnh 2 lần đã đạt hiệu quả rất cao. Các giáo viên cốt cán được triệu tập để phân tích đề tham khảo 2018 các môn để từ đó xây dựng khung ma trận, phân tích hướng ra đề để giúp định hướng cho các giáo viên và học sinh toàn tỉnh chủ động giảng dạy và ôn tập.

Các trường đã thực hiện đúng chủ trương của Sở GD&ĐT, tăng cường kiểm tra đánh giá thường xuyên các học sinh và tích cực phân hóa sâu các lớp bồi dưỡng để phân loại các đối tượng học sinh khác nhau theo năng lực. Lập Phương (ghi)
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top