Đề thi minh họa môn Giáo dục công dân: Không thể học tủ, học lệch

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chất lượng đề tốt, phân hóa rõ, nhiều câu hỏi vận dụng

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Liên - Tổ trưởng Tổ Giáo dục công dân (Trường THPT Tháp Mười, Đồng Tháp) – đề bao trọn kiến thức GDCD lớp 12; có chất lượng tốt, độ phân hóa rõ, có nhiều câu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, vừa sức để xét tốt nghiệp cho thí sinh đại trà, vừa đảm bảo độ phân hóa cho các trường có xét tuyển bằng điểm thi môn này.

Tình huống tập trung nhiều vào bài 2 (2 câu), bài 3 (2 câu) bài 4 (1 câu), bài 6 (3 câu), bài 7 (3 câu) và bài 8 (2 câu).

Phân tích cấu trúc đề thi, cô Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết: Đề có 28 câu hỏi lý thuyết (chiếm 70 %); câu hỏi tình huống - cấu trúc về mức độ kiến thức, tỉ lệ câu hỏi nhận biết - thông hiểu - vận dụng thấp - vận dụng cao lần lượt là 40% - 30% - 20% - 10%.

Nội dung kiến thức phân bố đều trong các chuyên đề, trong đó trọng tâm vào các chuyên đề sau:

Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội (7 câu); Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản (7 câu); Bài 7: Công dân với các quyền dân chủ (6 câu); Bài 8: Pháp luật với sự phát triển của công dân (6 câu)

Nhận định của cô Nguyễn Thị Hồng Liên: So với đề thi minh họa lần 1, lần 2, đề thử nghiệm có một số sự thay đổi trong cấu trúc từng chuyên đề, tuy nhiên tỉ lệ chung giữa các mức độ kiến thức không có thay đổi nhiều.

Các câu hỏi trong đề thi đã đưa vào nhiều tình huống thực tế, học sinh không chỉ dùng kiến thức đã học để giải quyết mà có thể căn cứ vào tình hình thực tế đề trả lời câu hỏi.

Tuy đề thi có một số chuyên đề có số lượng câu hỏi nhiều, nhưng không phải vì thế mà học sinh chủ quan, lơ là, bỏ qua những chuyên đề khác.

Đề thi có độ phủ kiến thức trên tất cả các chuyên đề được học, vì vậy học sinh cần học toàn bộ, nắm kiến thức đồng đều để có thể giải quyết những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Về tình huống, hệ thống các bài tập đưa ra theo phân phối chương trình. Học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản đã học và vận dụng tốt các phương pháp lập luận chọn đáp án đúng.

“Điểm khác biệt lớn nhất của đề thi lần này so với đề thi các môn thi trắc nghiệm những năm trước là các câu hỏi được sắp xếp theo trật tự từ lần lượt từ dễ đến khó ở tất cả các mã đề (đối với môn ngoại ngữ có tính đặc thù riêng nên việc sắp xếp cấp độ của các câu hỏi thi sẽ được bố trí tối ưu nhất theo quy luật trên).

Việc sắp xếp câu hỏi như vậy sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh, các em làm bài thi theo tuần tự câu hỏi trong đề mà không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề thi và tạo cảm hứng cho các em làm trong quá trình làm bài thi; điều này cũng sẽ đánh giá sát thực hơn nữa với năng lực của các thí sinh” – Cô Nguyễn Thị Hồng Liên đưa ra đánh giá chung.

Gợi ý cách học hiệu quả

Gợi ý cách học môn GDCD thi trắc nghiệm đạt kết quả tốt, cô Nguyễn Thị Hồng Liên chia sẻ:

Học sinh phải học hết chương trình lớp 12, với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời và có duy nhất 1 phương án trả lời đúng.

Đề thi có câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học 2017.

Nội dung đề thi trắc nghiệm nằm trong tất cả các bài học (trừ các bài và những nội dung giảm tải) ở lớp 12. Giáo viên và học sinh sẽ phải dạy và học đầy đủ tất cả các bài, các nội dung trong Chương trình GDCD lớp 12.

Để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa, mà điều quan trọng là biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội.

Ngược lại, nếu học sinh học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt. “Tôi nghĩ, đây là điểm mới, tích cực của môn GDCD trong xu thế đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay” – Cô Liên nhận định.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Hồng Liên, học sinh không nên quá lo lắng. Đặc thù của môn GDCD là có nội dung gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội. Trong đề thi sẽ có 40% câu hỏi vận dụng bậc thấp và vận dụng bậc cao.

Để làm được những câu hỏi này, giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực hơn như vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.


"Với việc đưa Giáo dục công dân thành môn thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ thí sinh mà toàn xã hội đã có cái nhìn khác đối với môn học này. Giáo viên không còn dạy mang tính đối phó, học sinh không còn coi đây là môn phụ, xã hội đồng tình trước quyết định đúng đắn của Bộ GD&ĐT" - Cô Nguyễn Thị Hồng Liên.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top