Để môn Lịch sử là sự lựa chọn của HS

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chuyện dạy Lịch sử

Không phải từ bây giờ mà đã từ rất lâu, giáo viên Lịch sử ở trường THPT bằng những nỗ lực cố gắng của chính họ và định hướng của nhóm – tổ chuyên môn, nhà trường nên việc dạy học Lịch sử đã có nhiều thay đổi.

Từ việc sắp xếp nội dung sách giáo khoa sao cho sinh động, HS dễ hiểu, dễ nhớ; phương pháp sử dụng phù hợp với từng loại bài, cho đến việc tổ chức những hoạt động tham quan bảo tàng, sưu tầm địa chỉ đỏ, thuyết trình.... đều được coi trọng.

Tùy điều kiện và chất lượng của từng trường mà việc thực hiện đến đâu, như thế nào, nhiều hay ít, kết quả đạt được là tích cực hay là chưa như mong muốn..., thì mẫu số chung vẫn là các nhà trường THPT đều đã làm - đang làm - sẽ làm, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Cũng cần nói thêm, chỉ thay đổi riêng của giáo dục phổ thông sẽ là chưa đủ, cùng với đó cần có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể khác.

Chỉ bình quân 1,5 tiết/ tuần với ban cơ bản – THPT của môn Lịch sử, ngoài giờ học chính khóa ấy thì nào là sách báo, phim ảnh rồi cơ hội tìm kiếm – thăng tiến trong nghề nghiệp..., lịch sử được yêu cầu nắm bắt đến đâu, vận dụng như thế nào, trách nhiệm này ngoài tầm tay với của GD-ĐT.

HS yêu thích môn Lịch sử

Một HS phổ thông yêu thích môn học này hay môn học khác là chuyện bình thường. Người thầy truyền thụ bài giảng linh hoạt, sáng tạo, HS tích cực, nắm vững nội dung bài học, biết vận dụng luôn là mục tiêu được hướng đến qua bài dạy.

Điều đó không đồng nghĩa với việc khi mục tiêu này được vận dụng một cách tốt đẹp thì HS sẽ yêu thích môn học đó.Bao nhiêu HS yêu thích môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh... trong trường THPT hiện nay?

Học thì em nào cũng phải chăm, nhưng yêu thích thì không nhiều lắm. Dạy học – yêu thích một môn học nào đó, nội hàm của nó tuy có những điểm bổ trợ cho nhau nhưng có những điểm khác biệt.

Dạy học là điều kiện cần để HS yêu thích môn học – không phải là điều kiện đủ. Cho rằng dạy học và yêu thích là nguyên nhân và kết quả, từ thực tế hiện nay đưa ra những kết luận về dạy và học Lịch sử trong trường THPT, rồi đánh giá cả chương trình – sách giáo khoa – giáo viên dạy Lịch sử thì thật là vội vàng, nhận định có phần chủ quan, thiếu thực tiễn, thiếu một nghiên cứu đầy đủ - chính xác.

Chọn thi môn Lịch sử

Yêu thích môn học và chọn môn học đó trong Kỳ thi THPT quốc gia là hai vấn đề khác nhau. Chọn môn thi tùy thuộc vào năng lực, sở trường, ước mơ, truyền thống gia đình, kế hoạch khởi nghiệp...

Những điều này thì việc yêu thích bộ môn học chưa hẳn là nhân tố quyết định. Hơn thế, trong các tổ hợp môn thi được dùng để xét tuyển vào ĐH – CĐ trong hai năm gần đây, môn Lịch sử đã được đưa vào, nhưng chưa nhiều.

Trong khi đó, rất nhiều ngành nghề sử dụng các môn học Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh để xét tuyển. Thực tế này sẽ dẫn đến việc ít HS chọn môn Lịch sử trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới là lẽ đương nhiên.

Lịch sử cùng những môn học khác trong nhà trường phổ thông là nền tảng giúp HS phát triển phẩm cách. Nhà trường cùng xã hội đào tạo lớp trẻ năng động, sáng tạo, hiểu biết về đất nước – con người – thế giới tự nhiên và xã hội bằng thế giới quan khoa học.

Vì thế, câu chuyện tỷ lệ HS chọn thi môn Lịch sử cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp đến còn thấp, cần có cái nhìn toàn diện, thân thiện. Thiết nghĩ, vấn đề cốt lõi, cần bàn, cần đổi mới không chỉ đối với môn Lịch sử mà là tất cả các môn học trong nhà trường phổ thông nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top