Để học sinh không ngại học Làm văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Một trong những nguyên nhân khiến học sinh ngại làm văn, thậm chí mỗi khi chuẩn bị đến giờ làm văn là cảm thấy nặng nề như sắp phải “chịu đòn tra tấn”, theo cô Hoàng Thị Hà - Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc I (Thanh Hóa) là ở đề văn.


Đề vừa lạ, vừa quen

Khi trò phải ngồi cắn bút trước một đề văn vừa dài vừa khó, nặng về tái hiện kiến thức, không kích thích hứng thú làm bài thì khó có thể đòi hỏi một bài văn hay.

Vì vậy, cô Hà cho rằng, cần đổi mới cách ra đề, lưu tâm loại đề mở để học sinh được phát huy cá tính sáng tạo. Dù khó khăn nhưng nên cố gắng ra đề sao cho vừa lạ vừa quen, vừa chất văn lại có thể phân hóa được đối tượng và gắn với thực tiễn ở trường, ở lớp.

Ví dụ như một số đề sau:

Đề 1: Em nghĩ gì về phong trào chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ở trường, lớp em?

Đề 2: Dân gian có câu: “Ở hiền gặp lành”. Nhưng nhà văn Nam Cao lại cho rằng: “hiền” chỉ kém “hèn” một chữ “i” thôi! Em suy nghĩ gì về điều này?

Đề 3: Trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã miêu tả Thị Nở là một người đàn bà vừa xấu, vừa nghèo, vừa dở hơi lại có dòng giống mả hủi. Vậy mà có người lại cho rằng Thị là người thông minh, nhân hậu, đẹp nhất làng Vũ Đại. Suy nghĩ của em về những ý kiến trên.

Đề 4: Cùng nói về cái đói, cái nghèo nhưng ở Vợ nhặt của Kim Lân, ta thấy cái đói đã se duyên cho một mối tình, cái nghèo lại làm nên điều kì diệu. Còn ở Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, ta lại thấy cái nghèo sẽ sinh ra tội ác và là căn nguyên của thói xấu. Vì sao vậy?

Cô Hà cho rằng, dù những đề trên đây có thể chưa được coi là những đề văn hay, nhưng phần nào cũng khiến học sinh không chán nản, uể oải, có hứng thú làm bài và bộc lộ cá tính, năng lực đọc hiểu của bản thân.

Để giờ luyện tập không biến thành giờ “nhàn”

Liên quan đến nhóm bài luyện tập, rèn kĩ năng, cô Hoàng Thị Hà cho biết, đây là nhóm bài có chức năng củng cố lại những lí thuyết đã được học và rèn luyện kĩ năng làm văn cho các em. Vì vậy, kết cấu của bài học thuộc nhóm này thường ở dạng bài tập.

Với quan điểm làm sao để vô hiệu hóa bệnh lười, lệ thuộc sách bài tập có sẵn lời giải của học sinh và tránh lí thuyết viển vông, tăng cường tính thực hành, không biến thành giờ “nhàn”, cô Hà đã thực hiện bằng cách sau đây:

Hướng dẫn học sinh phân nhóm các kiểu, dạng bài tập trong sách giáo khoa và gợi dẫn các em thực hành giải một phần hoặc một bài trong số đó. Các bài tập còn lại các em sẽ tự giải quyết.

Thời gian còn lại, giáo viên tạo ra những bài tập tương tự từ sản phẩm của học sinh ở các bài viết.

Ở phần này, học sinh háo hức hơn vì bài tâp mới mẻ nhưng gần gũi khác với những ví dụ khô cứng mang tính “hàn lâm” ở sách giáo khoa.

Chẳng hạn như tiết 102 Luyện tập về cách tránh lỗi diễn đạt có nhiều khả năng hiểu khác nhau, tiết 118 Luyện tập về cách tránh một số lỗi lôgic (Ngữ văn 12, Nâng cao, tập 2) ngoài những bài tập trong sách giáo khoa thì các bài làm văn của các em là những bài tập sinh động, thiết thực.

Bí quyết tránh nặng nề với nhóm bài tổng kết và ôn tập

Nhóm bài tổng kết, ôn tập có nhiệm vụ ôn tập, củng cố lại toàn bộ kiến thức về làm văn trong một năm học.

Để tránh nặng nề, khô khan và tạo hứng thú cho học trò, cô Hoàng Thị Hà cho biết, mình thường soạn bộ câu hỏi ôn tập và tổ chức lớp dưới hình thức trò chơi theo kiểu “Đường lên đỉnh Olympia”.

Lớp sẽ được chia thành các nhóm, cá nhân của các nhóm sẽ lần lượt lên bắt thăm câu hỏi, mỗi lượt câu hỏi cho các thành viên phải tương đương nhau về độ khó, dễ.

Cuối buổi tổng kết, tổ nào trả lời đúng được nhiều câu hỏi hơn sẽ được nhận một phần quà. Quà có khi chỉ rất nhỏ nhưng tuổi trẻ có tính “ganh đua” nên khiến các thành viên đều hết sức cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất để không ảnh hưởng đến đồng đội.

Với cách học mà chơi, chơi mà học như vậy, tôi thấy tiết ôn tập sinh động và hiệu quả hơn.

Với những lớp học theo khối C, D, tôi cho các em ôn tập theo từng mảng vấn đề và trình bày trước lớp. Sau đó sơ đồ hóa theo bản đồ tư duy để các em khắc sâu nhớ kĩ.

Dù áp dụng theo cách nào đi nữa, cô Hà cho rằng, cũng nên luôn ưu tiên để học sinh được làm việc nhiều nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.


Sau quá trình tìm tòi, áp dụng các cách dạy Làm văn mà các chuyên gia nghiên cứu hướng dẫn và thực tiễn công tác giảng dạy tôi nhận thấy quá trình dạy học Làm văn cần lưu ý:

Thứ nhất, về mục đích phải giúp cho học sinh phân loại được các phương thức biểu đạt, các kiểu văn bản, các dạng văn bản, các thao tác nghị luận… để từ đó biết suy nghĩ và diễn đạt, trình bày suy nghĩ trước một vấn đề.

Thứ hai, về vai trò của thầy: Giáo viên tuyệt đối không làm thay, chỉ là người tổ chức hướng dẫn, hướng tới người học và dạy cách thức, hình thành phương pháp học.

Thứ ba là phải đảm bảo tính dân chủ, tránh áp đặt, ban phát chân lí một chiều, khuyến khích được trí tuệ tập thể, tinh thần hợp tác, làm việc theo nhóm.

Thứ tư là luôn ghi nhớ sáu điểm quan trọng trong phương pháp dạy học làm văn: Nguyên tắc tích hợp - Ưu tiên thực hành - dạy cách nghĩ và thể hiện suy nghĩ - tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại - đa dạng hóa các hình thức luyện tập – linh hoạt và sáng tạo trong các khâu lên lớp.

Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top