Để giảng viên triển khai hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhấn mạnh vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang (Học viện Ngân hàng) cho rằng, để triển khai hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực ở Việt Nam, giảng viên cần nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp; tích cực hóa các hoạt động của sinh viên trước và trong giờ học; đồng thời lưu ý đến việc đánh giá kết quả học tập.

Giáo trình phải tạo điều kiện cho tự học

Theo dạy học tích cực, người học phải nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp nên giáo trình là công cụ không thể thiếu.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang, giáo trình phải được viết sao cho người học có thể tự học được. Trong giáo trình, chỉ nên đưa kiến thức cốt lõi, còn kiến thức nâng cao người học sẽ đọc ở tài liệu tham khảo.

Khi viết giáo trình, phải nắm vững mục tiêu của học phần, mục tiêu từng chương mới nêu bật được nội dung cần thiết và mới có cách viết phù hợp, đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, để giáo trình trở thành giáo trình tự học.

Đối với các môn thuộc chuyên ngành kế toán, tài chính..., thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang cho rằng, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành (làm bài tập).

Do vậy, cần xây dựng hệ thống bài tập đa dạng, từ cơ bản đến nâng cao để sinh viên có thể ứng dụng lý thuyết đã nghiên cứu từ mức thấp đến cao.

Tích cực hóa các hoạt động của sinh viên

Để việc đọc tài liệu của sinh viên có hiệu quả, thạc sĩ Giang gợi ý, giảng viên nên đưa ra trước các câu hỏi, yêu cầu sinh viên nghiên cứu tài liệu trả lời các câu hỏi đó. Việc làm này sẽ giúp sinh viên nghiên cứu một cách trọng tâm, đúng mục tiêu của bài học.

Đối với môn học có bài tập, khi lên lớp, giảng viên yêu cầu sinh viên trình bài lại các vấn đề đã nghiên cứu để kiểm tra mức độ hiểu bài (trả lời câu hỏi đã cho trước). Khuyến khích sinh viên trình bày vấn đề dựa vào ý hiểu, tránh nói lại các vấn đề của bài học như thuộc lòng.

Sau đó, giảng viên giải thích lại vấn đề sinh viên hiểu chưa đúng và giải đáp thắc mắc nếu có. Nếu đủ điều kiện, giảng viên có thể tổ chức thảo luận ngắn để làm rõ vấn đề.

Để thúc đẩy sinh viên hăng hái tham gia học tập (trình bày, phát biểu ý kiến, chữa bài tập), thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang chia sẻ kinh nghiệm, nên cho điểm khuyến khích đối với sinh viên tích cực học tập; cho điểm phạt nếu sinh viên không chuẩn bị bài...

Đầu tư công tác ra đề thi, thang điểm

Đánh giá kết quả học tập của sinh viên ở mỗi học phần cần đạt hai mục tiêu, đó là: Đo lường kết quả học tập của sinh viên để phân loại học tập và giúp sinh viên học tốt hơn.

Muốn vậy, thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang cho biết, công tác ra đề kiểm tra, đề thi và thang điểm phải được đầu tư tốt.

Cụ thể, khi ra đề cần dựa vào chuẩn đầu ra đã xây dựng cho từng học phần. Nên hạn chế kiểm tra ghi nhớ đơn thuần; chú trọng kỹ năng tổng hợp, phân tích và thực hành của sinh viên.

"Chẳng hạn, đối với phần bài tập, đề thi được ra theo số báo danh trong phòng thi, đa dạng hóa câu hỏi. Như vậy, mỗi sinh viên sẽ có một đáp án và cách làm khác nhau.

Cách ra đề này hạn chế được tình trạng sinh viên copy bài của nhau, đòi hỏi sinh viên phải làm bài tập mới biết cách làm bài kiểm tra, bài thi. Đề thi hoặc đề kiểm tra cũng không nên ra quá khó hoặc quá dễ..." - Thạc sĩ Giang gợi ý.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top