Dạy tích hợp môn Toán và các môn KHTN: Kinh nghiệm chỉ đạo từ địa phương miền núi

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Môn Toán và các môn khoa học tự nhiên có tính logic rất cao và gắn liền với thực tiễn rất nhiều. Do đó không khó để giáo viên có thể thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp.


“Nhiều người nhận xét, môn Toán và các môn khoa học tự nhiên rất khó để thực hiện dạy tích hợp theo hướng phát triển năng lực cá nhân của học sinh. Tôi không tán thành ý kiến này, bởi ở những môn học trên có tính logic rất cao và gắn liền với thực tiễn rất nhiều.

Do đó không khó để giáo viên có thể thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp”. Đó là chia sẻ của ông Phạm Duy Thắng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Lai Châu).

Xây dựng trường điển hình

Ông Thắng cho biết, để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên theo hướng tích hợp nhằm phát huy năng lực của học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã có văn bản hướng dẫn chi tiết và tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán của các trường trên địa bàn. Những giáo viên cốt cán này sẽ có nhiệm vụ truyền đạt lại cho các giáo viên khác trong trường hoặc cụm trường của mình.

Sở cũng đã xây dựng trường điển hình về dạy tích hợp nói chung, trong đó có môn Toán và các môn khoa học tự nhiên nói riêng. Những trường điển hình này sẽ có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm cho các trường khác trong toàn tỉnh.

“Quan điểm của chúng tôi là, dạy tích hợp không nằm ngoài mục đích là nâng cao kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông và phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.

Đồng thời vẫn phải đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học cũng như các hoạt động giáo dục khác. Mặt khác phải đảm bảo tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục trong mỗi năm học không ít hơn thời lượng quy định trong chương trình hiện hành” - ông Thắng cho hay.

Dạy tích hợp không khó

Theo ông Phạm Duy Thắng, không khó để dạy tích hợp đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên. Giáo viên có thể điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong chương trình hiện hành và xây dựng kế hoạch giáo dục mới ở từng môn học, hoạt động giáo dục.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các trường phải xây dựng được các chủ đề tích hợp liên môn thuộc lĩnh vực Toán và các môn khoa học tự nhiên. Đồng thời yêu cầu các trường phải tổ chức cho các tổ/nhóm thuộc các môn này thảo luận, đề xuất về nội dung dạy học và kế hoạch dạy học và phân phối chương trình môn học. Qua đó nhằm phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần sáng tạo của các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy” - ông Thắng trao đổi.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn phải là giáo viên chủ động đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, giáo viên phải biết vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục tích cực theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh.

“Đây cũng chính là điều mà chúng tôi quan tâm và đang chỉ đạo các trường tổ chức dạy học theo phương pháp tích hợp như trên. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường phải đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Cụ thể kiểm tra, đánh giá không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng hay không” - ông Thắng chia sẻ.

Với môn Toán, hoặc môn Vật lý, các tiết học giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng của mình. Hoặc khi cho học sinh làm bài tập, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thực hiện dưới hình thức trò chơi. Ví dụ như đối với tiết thực hành môn Hình học. Giáo viên có thể tổ chức trò chơi ghép hình thành một địa danh nào đó của tỉnh Lai Châu.

Giáo viên chuẩn bị các miếng ghép bằng xốp, hoặc bằng giấy tùy từng điều kiện thực tế rồi chia thành các nhóm học sinh. Sau đó tổ chức cho các em ghép các miếng ghép đó theo địa danh đã được định sẵn. Nhóm nào ghép với thời gian ngắn nhất sẽ giành chiến thắng.

Với cách tổ chức tiết học như vậy, giáo viên không những đã tích hợp được các nội dung kiến thức về Địa lý, Vật lý và văn hóa địa phương vào bài học mà còn giáo dục cho các em về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và phát huy được năng lực, phẩm chất của từng cá nhân học sinh. Qua đó, giáo viên vẫn có thể đánh giá nhận xét học sinh theo 3 cấp độ đó là: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Đổi mới quản lý hoạt động dạy học

Hiện Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên nói chung và giáo viên dạy Toán cũng như là các môn khoa học tự nhiên nói riêng tích cực, chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý các trường cần tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học.

Chúng tôi cũng yêu cầu các trường tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Khuyến khích các trường ghi hình các tiết dạy và các cuộc họp, thảo luận, rút kinh nghiệm để làm tư liệu chia sẻ cho đông đảo giáo viên trong và ngoài nhà trường tham khảo” - ông Thắng trao đổi.

Sở GD&ĐT Lai Châu đã tổ chức cho giáo viên tham gia các cuộc thi như: “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn” và cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp”; “Giáo viên sáng tạo trên nền công nghệ thông tin”... Đây chính là những sân chơi trí tuệ và mang lại cho giáo viên những kinh nghiệm hay, bài học quý trong quá trình giảng dạy.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top