Dạy Lịch sử - Địa lí lớp 4, 5 hiệu quả với “Lược đồ đa năng“

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tiết dạy Địa lý với "Lược đồ đa năng" tại Trường Tiểu học A Giao Thịnh


Lược đồ đa năng được thiết kế lớn để tất cả học sinh trong lớp dễ dàng quan sát và được làm bằng những vật liệu bền để sử dụng lâu dài trong nhiều năm.

Lược đồ được chia thành các tỉnh thành, các con sông, dãy núi lớn có từ tính để hút nam châm và được gắn bóng đèn led và bật sáng từng vùng khi cần.

Ngoài những bài có nội dung được thiết kế sẵn trên lược đồ lớn, còn có những bài mà nội dung cụ thể được làm rời và nội dung mỗi bài được cho vào một túi nhỏ. Dạy đến bài nào, giáo viên gắn nội dung bài đó vào lược đồ lớn (nhờ có nam châm hút).

Cách làm lược đồ lớn

Để mọi học sinh quan sát được, đọc được các chữ trên lược đồ khi đặt trên bục giảng, nên thiết kế kích thước lược đồ: 1,4m x 1m. Vật liệu là tấm mica trắng, các thanh nam châm, bóng đèn led, dây dẫn điện, băng dính, keo dán.

Cách làm như sau:

Bước 1: Trên lược đồ lớn là nước Việt Nam gồm phần biển và phần đất liền. Phần đất liền được chia thành các tỉnh thành, các con sông và dãy núi có liên quan đến các bài học (lưu ý là chỉ đưa hình ảnh còn tên của các con sông, dãy núi thì dạy đến đâu gắn đến đó để lược đồ thoáng và hấp dẫn với học sinh).

Lược đồ được in trên giấy đề can và dán lên tấm mica trắng (để khi bật bóng điện phía sau, lược đồ sẽ sáng rõ):



Bước 2: Phía sau gắn các bóng đèn led vào vị trí các tỉnh, thành phố, con sông, dãy núi cần giới thiệu.

Cụ thể, gắn bóng đèn led sau các thành phố sau: Thủ đô Hà Nội (dạy bài Thủ đô Hà Nội - Địa lí lớp 4); Thành phố Hải Phòng (dạy bài Thành phố Hải Phòng - Địa lí lớp 4); Thành phố Hồ Chí Minh (dạy bài Thành phố Hồ Chí Minh - Địa lí Lớp 4); Thành phố Cần Thơ (dạy bài Thành phố Cần Thơ - Địa lí lớp 4); Thành phố Huế (dạy bài Thành phố Huế - Địa lí lớp 4); Thành phố Đà Nẵng (dạy bài Thành phố Đà Nẵng - Địa lí lớp 4).

Gắn các bóng đèn led vào phía sau các con sông: Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long, sông Gianh để dạy các bài: Bài “Sông ngòi” (Địa lí lớp 5); Bài “Đồng bằng Bắc bộ”, “Đồng bằng Nam bộ” (Địa lí Lớp 4); Bài "Trịnh - Nguyễn phân tranh” (Lịch sử lớp 5); dãy núi: Gắn điện sau dãy Hoàng Liên Sơn để dạy bài "Dãy Hoàng Liên Sơn" (Địa lí lớp 4).

Lưu ý: Gắn nhiều bóng đèn led nhỏ vào một vị trí để tạo độ sáng cần thiết.

Bước 3: Lược đồ đa năng được gắn vào khung nhôm và đóng hộp (hộp có bề dày 10 cm) có cánh phía sau như cánh tủ để bảo vệ các bóng đèn.

Bên cạnh hộp gắn các công tắc điện để khi giới thiệu đến tỉnh, thành phố nào thì bật công tắc tương ứng với tỉnh, thành phố đó để khu vực đó sáng lên cho học sinh dễ nhìn.

Bước 4: Dùng keo gắn thanh nam châm phía mặt sau lược đồ để tạo lực hút khi gắn các lược đồ nhỏ và các biểu tượng vào lược đồ lớn.

Bước 5: Gắn lược đồ đa năng trên giá đỡ chắc chắn để đặt trên bục giảng khi dạy, dưới chân giá có gắn bánh xe để dễ di chuyển.

Cách làm các lược đồ nhỏ

Vật liệu: Dùng giấy đề can để in các lược đồ nhỏ, các biểu tượng và tên các con sông, địa danh, dãy núi. Các miếng tôn mỏng để khi gắn giấy đề can có in lược đồ lên nam châm của lược đồ lớn có thể hút được.

Cách làm: Với những bài Lịch sử - Địa lí lớp 4,5 cần dùng lược đồ, giáo viên chụp ảnh lược đồ trong SGK đưa vào photoshop phóng to, xử lí, tách rời các biểu tượng, các chữ viết, khi dạy đến đâu mới gắn vào lược đồ lớn đến đó để hấp dẫn cho học sinh.

Chú ý: Với những lược đồ nhỏ, khi dạy cần chồng khít lên một phần lược đồ lớn thì kích thước và hình dáng phải điều chỉnh bằng khít với phần đó của lược đồ lớn đã làm trước đó.

Ví dụ: Lược đồ nhỏ về cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (Bài 8-Lịch sử 4) phải có kích cỡ bằng khít và hình dáng giống với khu vực miền Bắc của nước ta trên lược đồ lớn, để khi gắn vào sẽ chồng khít lên phần miền Bắc của lược đồ lớn.



Sau khi gắn chồng khít, ta được lược đồ mới sau:


Đối với những lược đồ nhỏ không gắn chồng khít lên một phần hay cả lược đồ lớn, phóng to sao cho dưới lớp học sinh cũng quan sát được và đặt vừa vào phần biển Đông trên lược đồ (tận dụng khoảng trống này khi không giới thiệu về biển).
Sau khi làm xong trên photoshop, giáo viên in ra giấy đề can. Dán giấy đề can lên các tấm tôn mỏng để khi dạy đến bài nào ta có thể đặt nó trong lược đồ lớn.

Dùng kéo cắt theo hình của lược đồ, các biểu tượng, các dòng chữ. Lược đồ nhỏ và các biểu tượng của mỗi bài sẽ đƣợc cho vào một túi nhỏ có gắn tên bài tiện cho việc sử dụng.

Cách sử dụng

Dùng Lược đồ đa năng để dạy hầu hết các bài Lịch sử - Địa lí lớp 4,5 (gồm 28 bài có lược đồ). Cụ thể: 13 bài Địa lý lớp 4; 8 bài Địa lý lớp 5; 4 bài Lịch sử lớp 4 ; 3 bài Lịch sử lớp 5.

Ngoài ra còn dùng để dạy các bài tập đọc từ lớp 1 đến lớp 5 có nói đến các địa danh của Việt Nam . Ví dụ bài “Nhớ Việt Bắc” của lớp 3, bài “Cao Bằng”, “Đất Cà Mau” của lớp 5.

Khi dạy về các tỉnh, thành phố, con sông hay dãy núi, dạy bài nào thì giáo viên bật công tắc điện sáng vùng đó để học sinh dễ xác định vị trí và xác định vùng đó giáp những tỉnh nào.

Nếu cần dạy phần chi tiết của thành phố, thì dùng lược đồ phóng to đặt sang bên cạnh để học sinh dễ quan sát.

Ví dụ, dạy bài Thủ đô Hà Nội, giáo viên tiến hành như sau: Giới thiệu thủ đô Hà Nội trên lược đồ lớn bằng cách bật điện sáng vùng đó để HS dễ dàng quan sát Hà Nội nằm ở đâu, giáp với các tỉnh nào. Sau đó đến phần tìm hiểu về những trung tâm kinh tế, văn hóa… của Hà Nội thì đặt lược đồ phóng to sang bên cạnh để HS dễ quan sát.



Với 10 bài Lịch sử và Địa lí lớp 4,5, nội dung bài đã được thiết kế sẵn trên lược đồ lớn, dạy dến bài nào, giáo viên giới thiệu nội dung liên quan đến bài đó.

Ví dụ, dạy bài 1 Địa lí 5 “Vị trí Việt Nam” đã có sẵn tên các nước láng giềng trên lược đồ để học sinh dễ dàng xác định Việt Nam giáp với những nước nào.

Dạy về biển Đông, bật điện sáng vùng biển, dạy bài "Đảo và các quần đảo" (Địa lý 4), đã có sẵn tên các đảo. Dạy bài “Các nước láng giềng của Việt Nam” (Địa 5), trên lược đồ đã thiết kế sẵn tên và thủ đô các nước đó với cỡ chữ lớn để học sinh quan sát.

Với 18 bài được thiết kế rời, dạy bài nào, giáo viên gắn nội dung bài đó lên lược đồ lớn đã được đính sẵn nam châm. Ví dụ: Giới thiệu sông nào thì gắn tên con sông đó vào lược đồ lớn. Tên các con sông đã được cắt rời. Các dãy núi tiến hành tương tự….).

Hay khi dạy bài 14, 15 môn Lịch sử lớp 5 “Chiến thắng Biên giới thu - đông 1950” và bài “Thu đông 1947 - Việt Bắc, mồ chôn giặc Pháp”, giáo viên chỉ vào lược đồ lớn khoanh vùng Việt Bắc gồm 6 tỉnh để HS xác định vị trí của khu Việt Bắc; sau đó, dùng lược đồ phóng to vùng Việt Bắc. Miêu tả diễn biến trận đánh đến đâu, giáo viên gắn mũi tên tấn công và rút lui đến đó.

Dạy bài 7 - Địa lý 4 “Hoạt động sản xuất của người dân Tây Nguyên”, giáo viên cho cả lớp quan sát lược đồ lớn để đọc tên các cao nguyên (chữ to thiết kế sẵn trên lược đồ HS quan sát rất dễ) và xác định các cao nguyên nằm ở miền Nam. Đến nội dung hoạt động sản xuất, gắn phần chú giải, gắn các biểu tượng để dạy.

Các biểu tượng đã được làm rời bằng miếng tôn mỏng như sau:


Để Lược đồ đa năng phát huy hết hiệu quả, hiệu phó phụ trách chuyên môn có thể sắp xếp thời khóa biểu môn Lịch sử - Địa lí lớp 4, 5 so le nhau để lược đồ đa năng được dùng cho tất cả các tiết của hai khối lớp trên.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top