Cuộc điện thoại gọi cô giáo giải cứu lúc nửa đêm

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nghe các em tâm sự, tôi đã khóc

Chị Ngân kể, khoa chị dạy gồm các ngành Luật, Công tác xã hội và Quản lý xã hội với 59% là SV nữ và hơn 60% là dân tộc thiểu số, không ít em chứng kiến mẹ bị bố đánh, bản thân chịu đánh đập đòn roi mà không biết rằng mình đang bị bạo lực gia đình. Chị thường “được” SV gọi lúc nửa đêm mong nhờ cô giáo giải cứu. Với chị, đó không là điều phiền hà; chị coi đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ của cô giáo mẹ hiền với các SV.

Chị Ngân vẫn nhớ về một nữ SV dân tộc Mông, học ngành Công tác xã hội, lấy chồng từ năm 16 tuổi. Khi đi học ĐH, em bị chồng và bố mẹ chồng đánh, không cho đi học. Khi em sinh con, bố mẹ chồng bắt con và nói rằng chỉ có một trong hai sự lựa chọn, một là đi học, hai là mất con.

Nhớ con, rối bời không biết cách giải quyết, nữ SV tìm đến cô giáo của mình tâm sự. Chị Ngân đã nhờ các học sinh cũ làm công an xã, phó bí thư huyện ủy ở nơi đó giúp đỡ để nữ SV được đưa con mình theo. Có sự can thiệp như vậy rồi nhưng khi về đón con, em vẫn bị gia đình chồng trói nhốt lại. May mắn là em đã kịp thời gọi điện cho chị Ngân và chị đã báo lại chính quyền nơi em ở, nhờ người giải cứu em.

Một buổi, chị Ngân dạy môn Công tác xã hội với người cao tuổi và ra đề bài: Trước khi làm một nhân viên công tác xã hội tốt các em hãy làm một người con tốt. Nếu đóng vai là nhân viên công tác xã hội, em sẽ làm gì cho bố và mẹ của em khi họ về già.

Lớp học đó có 63 SV thì chị Ngân nhận được 10 bài nói về nỗi khổ của bố hoặc mẹ khi bị bạo lực. Chị nhớ nhất trường hợp của SV Phạm Thị T, người dân tộc Tày ở huyện chợ Đồn, Bắc Kạn. T kể trên trang giấy khi bố bị nghiện đã đánh đập mẹ như thế nào. Gia đình T khó khăn về kinh tế, bản thân em cũng sống trong nỗi sợ hãi bị đánh đập, T không ở nhà được mà phải ở nhờ nhà bác. Ngay cả khi là SV năm thứ ba rồi, T cũng rất bối rối về tương lai và công việc sau này của mình.

Đọc 10 bài viết, vốn là người nhạy cảm, chị Ngân đã rơi nước mắt. Và chị đã gặp trực tiếp từng SV, tư vấn cho các em về mặt tâm lý. Với trường hợp của T, chị Ngân nhờ chính quyền xã và cả người thân trong gia đình cứu mẹ em thoát khỏi địa ngục, giúp đỡ để mẹ em có thể ly hôn được người chồng bạo lực. Sau đó, chị giúp hai mẹ con thuê phòng trọ, xin việc làm cho mẹ T để có thể nuôi T học xong mấy năm đại học. Hiện T đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định, sống cùng mẹ rất hạnh phúc.

Sáng kiến của nữ trưởng khoa


Vấn đề bình đẳng giới nếu chỉ giải quyết vấn đề chính sách chung chung sẽ không hiệu quả, cần có những hành động cụ thể và phải bắt đầu từ mẫu giáo, tiểu học, hình thành văn hóa từ nhỏ. Theo tôi, trong môi trường giáo dục bình đẳng giới, có lẽ không chỉ đại học mới làm mà cần dạy ngay từ bậc tiểu học, mẫu giáo.

TS Lê Thị Ngân - Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên)


Là người trực tiếp tham gia giải quyết các trường hợp của SV liên quan đến bạo lực gia đình, chứng kiến một số người thân đang bế tắc không biết làm thế nào để tự bảo vệ bản thân mình, chị Ngân rất xót xa. Khi được chọn tham gia khóa Học bổng ngắn hạn của Chính phủ Australia: “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, chị Ngân đã nuôi một quyết tâm là làm thế nào đó để cho mọi người có thể lên tiếng, không thỏa hiệp với hành động bạo lực gia đình. “Những người phụ nữ không nên và không bao giờ hôn đôi bàn tay đã vừa tát mình bởi vì nếu làm như vậy, mãi mãi họ không được hạnh phúc” – chị Ngân nhận định.

Dự án của chị Ngân là “Đảm bảo nội dung về các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới nằm trong giáo trình công tác xã hội tại Trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên và xây dựng liên kết và hợp tác mới giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ quan trọng và trường ĐH”. Sau một thời gian triển khai, dự án của chị Ngân đã gặt hái một số kết quả, trong đó thành công lớn nhất là có rất nhiều người tích cực tham gia. Chị đã mở một lớp tập huấn: Bạo lực gia đình, nhận thức và ứng phó, trong đó có các SV trong khoa. Trong lớp tập huấn đó, chị Ngân kết nối với 2 văn phòng luật sư để mọi người trợ giúp về mặt pháp lý, xử lý những tình huống bạo lực gia đình như thế nào.

Bên cạnh đó, chị kết nối với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên để chia sẻ với các SV về nhận thức và ứng phó với bạo lực gia đình. Trong 2 tuần khi chị đưa thông tin lên trang web của khoa, đặc biệt là các video về buổi tọa đàm, đã có gần 5.000 lượt người tham gia chia sẻ. Chị Ngân cũng đã đưa SV đến Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, thăm ngôi nhà bình yên để các em được biết trong thực tế có rất nhiều phụ nữ bị bạo hành đến mức không thể ở trong ngôi nhà của mình, phải tìm sự trợ giúp từ bên ngoài xã hội.

Hỏi chị mong muốn nhất điều gì từ dự án, chị Ngân chia sẻ: “Trên thực tế, buổi tọa đàm và thực hành đó chỉ là bước khởi đầu để thông điệp được lan tỏa. Các thầy cô giáo trong khoa và trong trường của tôi đều hiểu rằng những vấn đề này cần được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên để mọi người nhận thức và tự thay đổi mình. Nếu không tự bảo vệ thì không ai bảo vệ mình được. Đó là thông điệp tôi muốn lan tỏa trong dự án của mình”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top