Con đường tơ lụa (phần 2)

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#1
Con đường tơ lụa (phần 2)
Phù điêu tượng đồng "Mã đạp phi yến"trên lối đi chính của công viên Tửu Tuyền. Ảnh: Lê Quang / Tuổi Trẻ.
Từ nhà ga Tây An ồn ào, náo nhiệt, chuyến tàu K591 đưa chúng tôi đi vào dải đất yết hầu nối liền Trung nguyên với Tây vực, mang tên hành lang Hà Tây (hay còn gọi là hành lang Cam Túc).

Bữa trưa trên toa nhà ăn tiện nghi và lịch sự là một đĩa thịt bò xào với khoai tây nấu theo kiểu vùng cao, giá 25 tệ (2.200 đồng/tệ), lạ miệng nên khó ăn. Nhưng đổi lại, được chiêu đãi một bữa tiệc phong cảnh Đại Tây Bắc hùng vĩ qua cửa kính tàu lửa.
Lúc này, trời trưa sáng nắng nhưng nhiệt độ bên ngoài chỉ hơn 10OC. Đường đèo quanh co chạy theo những taluy đá khổng lồ hoặc băng qua những chiếc cầu bêtông cao ngất. Có lúc tàu xuyên núi liên tục, chỉ vài phút lại hầm nối hầm. Nhà cửa hiếm thấy, trừ vài thị trấn nhỏ với những chung cư hình hộp đơn giản, cũ kỹ, hoặc những căn nhà gạch nâu, mái ngói thấp và những đụn cỏ chất cao ngang mái nhà. Ngạc nhiên khi thấy trên sườn núi những gian nhà đục âm vào đá, trần hình vòm, hỏi ra mới biết đó là dãy nhà kho chứa hàng hóa, lương thực.
Ấn tượng hơn là rất nhiều công trình mở đường, dựng cầu, khai khoáng, truyền tải điện... ngổn ngang gạch đá, loang loáng sắt thép giữa núi đồi hoang vắng, tỏ rõ quyết tâm "đại khai phá miền Tây" của người Trung Quốc.
Hành lang Hà Tây là một dải đất hẹp và dài khoảng 1.200km, rộng chừng 100km, được người xưa mô tả như thơ: "Bắc thông sa mạc, Nam vọng Kỳ Liên, Đông nghinh Hoa Nhạc, Tây đạt Y Ngô" Nghĩa là nó bắt đầu từ Hoa Sơn, phía đông thành phố Tây An (Thiểm Tây), chạy dọc theo suốt tỉnh Cam Túc đến tận Y Ngô (tức Hợp Mật, tỉnh Tân Cương) theo hướng đông nam - tây bắc.
Đi giữa một bên (phía bắc) nhìn ra mênh mông biển cát, với các sa mạc Tenggeli, Badain Jaran thuộc hệ thống sa mạc Gobi thông ra Nội Mông; với một bên (phía nam) là dãy núi tuyết Kỳ Liên Sơn chạy dài như bất tận. Xem ra chính thiên nhiên đã mở sẵn một lối đi cho con đường tơ lụa chọn lấy mà nên dạng nên hình.
Khi tàu dừng tại nhà ga Lan Châu, chúng tôi có đúng 10 phút đặt mấy bước chân mình lên thủ phủ của Cam Túc trong cái rét thở ra khói để kỷ niệm một lần qua đây! Tiếc là vì trời tối nên chúng tôi không chứng kiến được giây phút vượt qua Hoàng Hà, con sông khởi nguyên của nền văn hóa Trung Hoa.
Lý Bạch trong bài thơ ngũ ngôn"Tái hạ khúc" (Khúc hát dưới quan ải, gồm sáu khúc) đã dành hẳn một khúc để ca ngợi Hoắc Khứ Bệnh, một danh tướng thời Tây Hán: "Ngựa bay như gió vút/ Quất roi rời Vị kiều/ Giương cung biệt trăng Hán/ Tên cứng nhắm giặc liều/ Trận xong sao trời tắt/ Doanh vắng khói sương veo/ Gác lân ghi hình tích/ Là quan Hoắc Phiêu Diêu" (Ngô Văn Phú dịch).
Công tích và tên tuổi Hoắc Phiêu Kỵ đại tướng quân gắn liền với hành lang Hà Tây. Ông nhiều lần cầm quân qua đây chiến đấu chống giặc Hung Nô, lập đại chiến công, khiến "Hung Nô phải chạy trốn xa, toàn vùng nam sa mạc không còn vương triều", một thời kỳ dài loại bỏ nạn can qua cho vùng đất này. Khi ông mất (lúc chỉ mới 24 tuổi), Hán Vũ Đế cho xây lăng mộ ông theo kiến trúc giống như dãy núi Kỳ Liên.
Nơi đây lưu dấu Hoắc Khứ Bệnh bằng một địa danh: Tửu Tuyền. Chúng tôi thuê một chuyến xe để tìm về thành phố Tửu Tuyền. Khi xe đi ngang vòng xoay trung tâm, chúng tôi đành tiếc rẻ chỉ nhìn từ xa "Tửu Tuyền chung cổ lầu", vì lúc này cái tháp chuông trống nổi tiếng ấy đang phải rào chắn lại để trùng tu. Đổi lại, chúng tôi có thêm thời gian để thăm thú công viên "Tây Hán Tửu Tuyền thắng tích".
Trên trục đường chính của công viên, dưới chân du khách là bức phù điêu đắp nổi thể hiện tượng đồng nổi tiếng "Mã đạp phi yến", được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc cổ đại, đã đưa vào sách Trung Quốc nhất tuyệt. Tượng được tìm thấy năm 1976 trong một ngôi mộ cổ ở Võ Uy (Cam Túc), còn chúng tôi sau đó tìm thấy nó ở khắp nơi với nhiều kích cỡ, giá cả, chất liệu khác nhau tại đủ loại tiệm, sạp, quầy bán đồ lưu niệm tại Cam Túc!
Tượng đài Hoắc Khứ Bệnh hòa nước suối cùng binh lính uống rượu vua ban, tại công viên Tửu Tuyền. Ảnh: D.Trường / Tuổi Trẻ.
Linh hồn cùa công viên này là dòng suối ngọt chảy ra một giếng mang tên Tửu Tuyền (suối rượu). Tương truyền rằng chính nơi này hơn 2.000 năm trước, Hoắc Khứ Bệnh khi nhận được rượu vua ban thưởng đã hòa rượu xuống để chia đều cho binh sĩ cùng hưởng lộc vua, theo kiểu "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào". Người ta đã dựng một quần thể tượng đài hoành tráng theo hình vòng cung, ôm lấy một bên hồ rộng dẫn nước từ dòng Tửu Tuyền, tái hiện chuyện xưa bằng đá thật ấn tượng.
Nhưng điều làm say lòng du khách chính là nghệ thuật lâm viên, biến di tích lịch sử này thành một công viên tuyệt đẹp. Có cây dương, cây liễu hơn 300 tuổi trầm mặc suy tư. Có một dải tùng xanh thẫm soi rõ xuống hồ sức chịu đựng giữa giá rét. Và những thảm lá vàng của cây quốc hoài trên nền cỏ xanh đang rộn lên tiếng thu theo mỗi bước chân tình nhân chạm lên cỏ lá! Đúng là một bức thư họa làm mềm lòng khách phương xa hơn mọi thứ rượu nào trên đời mà tôi đã gặp.
Lối ra công viên lại là của nghệ thuật kinh doanh, vì dẫn đến một cửa hàng bán một loại ly uống rượu nổi tiếng: "Tửu Tuyền dạ quang bôi", một sản phẩm thủ công làm từ một loại đá ngọc của Kỳ Liên Sơn. Ly mỏng như giấy, trong như gương, ánh trăng đêm có thể soi vào trong rượu. Dù cô bán hàng cười tươi như hoa, cầm nam châm hút ly để chứng tỏ đá thật, ngọc thật, nhưng nỗi lo hàng giả vẫn canh cánh bên lòng. Vậy mà, trong hành lý của tôi mang về, rốt cuộc cũng có mấy bộ ly này. Vì rằng, sao mà quên được bài Lương Châu từ của Vương Hàn: "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi..."
 

Bình luận bằng Facebook

Top