Cố lên, Việt Nam quê hương ơi!

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đất nước cần chúng ta “sống khác”

Cô Nguyễn Thị Sâm- Giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Chăm Pa Sắc - Lào đã có thâm niên 8 năm (liên tục từ 2012 đến nay) cho biết: Hiện nay, Ở Lào đã có nhiều ca nhiễm bệnh Covid-19 (đến ngày 2/4 có 10 ca dương tính). Các bạn ở các tỉnh phía Nam Lào đều đã về nước hết cả, dù Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã thông báo trong thời điểm hiện nay, tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam.

Cô Sâm chia sẻ: “Tại tỉnh Chăm Pa Sắc, chỉ còn duy nhất mình cô là giáo viên còn ở lại. Có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi lắm, nhưng mình cố gắng tự trấn an mình. Mình nghĩ mình phải "sống khác" thì mới vượt được lên hoàn cảnh và giai đoạn dịch này”. Từ tâm trạng ấy, cô Sâm đã viết tản văn “Sống khác” ghi lại những cảm xúc xa nhà trong mùa dịch; Cô viết:

“Sống khác” trong đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu không chỉ là tiết kiệm, nhẫn nại, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, hạn chế tiếp xúc, ở yên khi cả trái đất cần mà “Sống khác” còn là Dũng cảm và Tin tưởng.


Giáo viên người Việt cùng học sinh tỉnh Hủa Phăn, Lào trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

“Nhà chỉ có hai mẹ con, đều là phận nữ nhi, lại đang ở xa nhau, mẹ 1 mình 1 kí túc xá ở Chăm Pa Sắc (Lào), con 1 mình 1 nhà ở Đà Nẵng (Việt Nam) nên mẹ lo cho con, con lo cho mẹ, lo lắm lắm luôn ấy. Mẹ muốn về Việt Nam để chăm sóc cho con. Con muốn đi sang Lào để giúp đỡ mẹ. Vì con nói “Mẹ là nguời cuồng việc nên giai đoạn không lên lớp thì mẹ sẽ dễ bị trầm cảm”.

Có đêm, mẹ con gọi cho nhau gần 4 tiếng đồng hồ liên tục chỉ để bàn “đi/ ở/ về”. Mẹ vốn bình đẳng với con nhưng đến cuối cuộc gọi, mẹ lấy quyền “làm mẹ” ra để chốt hạ “Không đi/ về gì nhé con"! Ở yên khi cả 2 nuớc Việt - Lào đều cần hai mẹ con ta ở yên. Dũng cảm lên, hai mẹ con ta ơi! Kể từ đó, hai mẹ con gọi điện không còn bàn đến “đi/ về” nữa mà chỉ bàn đến “ở” sao cho bình an trong đại dịch theo những gì Bộ Y tế đã chỉ dẫn.

“Chống dịch như chống giặc” nhưng có nhìn thấy con Corona như nhìn thấy giặc đâu. Thành ra, “phòng”, “tránh”, “chống” lần này đều khó khăn lắm lắm ấy… Trong không gian tĩnh lặng, bao xung quanh là nắng, gió Lào, trong kí túc xá cách xa thủ đô Viêng chăn khoảng 700 km, có 1 trái tim tràn ngập niềm tin và hy vọng. Tin là ta sẽ thắng. Hy vọng là những điều tốt đẹp sẽ đến. Không tin ảo và hy vọng hão vì ta có truyền thống đánh thắng giặc từ biết bao đời trước rồi. Nên nay cứ kế thừa và phát triển truyền thống đó ắt sẽ đi đến thắng lợi!"

Cố lên, Việt Nam quê hương ơi!


Cô Bùi Thị Hiếu - Giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại tỉnh Hủa Phăn, Lào

Cô Bùi Thị Hiếu - giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại tỉnh Hủa Phăn, Lào thư về cho biết: mình quê ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa, cách suối cá thần 30km. Cô và các giáo viên nhận công tác tại Lào đến nay đã là cuối nhiệm kì hai năm, cuối tháng 5 này là hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc sống bên này về cơ bản còn rất nhiều khó khăn bởi giáo viên xa nhà, nước bạn còn nhiều thiếu thốn.

Cô Hiếu cho biết: “Các bạn Lào là những người hiền hoà, thân thiện. Học sinh ngoan, nhiều em cũng rất thông minh. Giáo viên như cô Hiếu được địa phương và trường sở tại quan tâm, giúp đỡ. Vì vậy, cô cảm thấy rất gắn bó với nơi đây - mảnh đất Sầm Nưa xinh đẹp! Và vì thế, khó khăn rồi cũng qua đi nhẹ nhàng hơn.

“Ở đây, các anh chị em dù mỗi người một nơi nhưng luôn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Và yêu thương như những người trong gia đình”- Cô Hiếu viết.


Cô Bùi Thị Hiếu cùng các học trò trên lớp. Ảnh: NVCC

“Tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày một phức tạp. Các anh chị có zalo nhóm nên tình hình được trao đổi, thông tin liên tục. Ở bên này, mọi người nín thở theo dõi tình hình quê nhà chống dịch. Cứ một người mắc là mọi người lại lo lắng hơn.... Thương Tổ quốc, bà con, gia đình...”;

Cô chia sẻ: “Thực tế bên này có phần may mắn hơn là dịch bệnh đến chậm. Tới hôm nay mới chục người bị nhiễm bệnh. Nhưng cách đây hai tuần, Bộ giáo dục Lào đã quyết định đóng cửa tất cả trường học nên các thầy cô cũng được nghỉ. Tuy nhiên, các anh chị em Chuyên viên Tiếng việt - Đại sứ quán Việt Nam tại Lào hưởng ứng lời kêu gọi "Yêu nước phải nằm yên". Hơn ai hết, mọi người hiểu rõ sứ mệnh của mình bên nước bạn và trách nhiệm với Tổ quốc. Mọi người, giáo viên đều ở lại sở tại vừa để thể hiện tình đoàn kết chống dịch cùng bạn vừa không trở thành gánh nặng cho đất nước lúc này”! Do vậy, cô Hiếu đã sáng tác bài thơ “Cố lên - Việt Nam quê hương ơi!”

Cố lên - Việt Nam quê hương ơi!

Chúng tôi - Những giáo viên gieo chữ trong lòng nước bạn

Với tình yêu tiếng Việt vô hạn

Gắn chặt hơn tình Lào - Việt sắt son

Gieo chữ sắp được hai năm tròn

Nhiệm vụ được giao luôn hoàn thành xuất sắc

Dù trường ở phía Nam hay Bắc

Ở miền xa hay giữa ánh đèn thành phố

Nay Corona gieo rắc đại dịch

Khắp 5 châu 4 bể địa cầu

Cướp đi hàng vạn mạng chúng sinh

Đất nước đang oằn mình “chống giặc”

Ở đất Lào chúng tôi cũng thấu cảm

Ơn Đảng đã sớm tăng cường giải pháp

Cứu nhân dân thoát đại dịch tử thần

Ơn đội ngũ chuyên cần vì dân vì nước

Những bác sĩ giàu lòng ái quốc

Anh bộ đội cụ Hồ tận tụy chăm sóc nhân dân

Cách ly dân khỏi virus diệt vong

Nhà giáo gieo chữ trên đất bạn Lào

Trước đại dịch lòng nặng mối tâm tư

Trường học thời xa, nước nhà còn thiếu thốn

Lương thường chậm, nhiều đêm nằm bệnh

Thương về mẹ già, thương con nhỏ lên ba ...

Nhưng giờ chúng tôi chẳng kêu ca

Vì thương quá đồng bào ta chống dịch!

May mắn thay ba tháng rồi kì tích

Chưa một ai mất mạng trước tử thần.

Bạn có thể là những con dân

Hay đến quê hương tôi từ xứ sở xa xôi

Đều được yêu thương, che chở

Bạn sẽ an toàn về với mái nhà riêng.

Chúng tôi tin rằng truyền thống Tổ quốc thiêng

Đoàn kết, yêu thương muôn đời là sức mạnh

Khi Đảng cùng dân chung tay chung sức

Kẻ thù nào rồi cũng thất bại mà thôi!

Chúng tôi ở đây bên nước bạn xa xôi

Nơi điều kiện còn rất nhiều thiếu thốn

Nhưng tình yêu nước trong tim đủ lớn

Sát cánh bên nhau qua cơn hỗn độn này!!!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top