Cô giáo đánh giá học sinh bằng hình thức “ghế nóng”

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô Nguyễn Thị Hòa cho biết: Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, để tiến hành đánh giá HS, cô thường tổ chức theo hình thức “ghế nóng”. Theo đó, cô lần lượt cho từng HS lên ngồi ở vị trí trang trọng nhất trong lớp. Các bạn trong lớp chuẩn bị sẵn những mảnh giấy vuông vắn, xinh xắn. Cả lớp hướng về phía bạn và viết những gì mình thấy hài lòng về bạn và những mong muốn bạn cần thay đổi.

Những mảnh giấy nhận xét của từng HS được cô ghim lại gọn gàng, cẩn thận và là những món quà bất ngờ gửi tới cha mẹ các em trong buổi họp phụ huynh. Nhờ vậy, phụ huynh hiểu thêm về con mình và có biện pháp giáo dục con hiệu quả hơn... “Điều quan trọng là HS cảm thấy rất vui khi nhận được những lời khen cũng như những góp ý từ các bạn của mình. Các em cũng rất hạnh phúc vì cảm thấy mình được tôn trọng” - cô Hòa chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Hòa còn sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động thu nhận thông tin hai chiều. Cô chia sẻ: Để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của HS trong lớp, cô đã tổ chức một cách khéo léo để các em được nêu lên ý kiến, mong muốn của mình đối với cô giáo chủ nhiệm một cách thoải mái, vô tư nhất. Cô cũng ngồi vào “ghế nóng” như học trò của mình. Bằng hình thức này, cô đã hiểu học trò hơn và cũng thấy được những nhược điểm mà mình cần khắc phục, để hoàn thiện hơn nữa.

“Trong thời gian tới, tôi có ý tưởng sẽ phối hợp với các GV bộ môn trong lớp, để họ cũng ngồi vào “ghế nóng”. Qua đây, mỗi GV sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của HS, để hoàn thiện mình hơn và để cùng nhau xây dựng một lớp học thực sự hạnh phúc” – cô Hòa cho biết thêm.

Ngoài ra, cô Hòa đã có những sáng tạo trong cách tổ chức các tiết học, tạo tâm lý thoải mái và tiếp thêm động lực cho HS trong mỗi giờ học. Với phương châm “Mỗi giờ học là một giờ vui”, vì vậy cô thường tổ chức các hoạt động: Học mà chơi, chơi mà học, qua đó học sinh không bị nhàm chán và áp lực mỗi khi đến lớp. Để tạo động lực học tập cho học trò, cô đã tìm cách biến mỗi giờ học thành một cuộc chơi, một cuộc thi tài. Các em đua nhau làm và còn đốc thúc nhau trong nhóm, tạo ra tinh thần đồng đội, khí thế hăng say trong học tập.

Bên cạnh đó, cô Hòa luôn trăn trở, tìm tòi phương pháp bồi dưỡng GV trẻ để đạt hiệu quả tốt nhất. Những phương pháp dạy học mới hiện đại, các kỹ thuật lên lớp để tạo sự hứng thú, tích cực cho HS, kỹ thuật hút các em vào bài giảng, kỹ thuật tương tác giữa cô và trò, kỹ thuật rèn chữ viết đẹp, cách thức xây dựng lớp học hạnh phúc... đều được cô chia sẻ nhiệt tình. Nhờ đó, đội ngũ GV trẻ của nhà trường đã từng bước trưởng thành trong chuyên môn, cũng như trong ứng xử sư phạm.

Trong công tác giảng dạy, cô cũng luôn hết lòng vì học trò. Cô luôn quan tâm tới mọi đối tượng trong lớp và đặc biệt bồi dưỡng các em có năng khiếu. Khi phát hiện những HS có khả năng học tập tốt, cô lên kế hoạch, tự biên soạn thêm tài liệu phù hợp để giảng dạy nhằm phát huy tốt nhất khả năng vốn có của các em. Đó là những lý do vì sao cô Hòa luôn được các thế hệ học trò và đồng nghiệp tin yêu, kính trọng.


Với những kinh nghiệm của mình, cô Hòa đã truyền cảm hứng và hỗ trợ rất nhiều đồng nghiệp trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và thành phố. Nhờ đó, 7 năm liền, Trường Tiểu học Tân Lập đều có giáo viên đoạt giải Nhất, Nhì hội thi giáo viên giỏi cấp huyện và cấp thành phố.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top