Chuyên gia GD Australia và hơn 200 ngày đồng hành cùng thầy cô các trường ĐH vùng Tây Bắc

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chuyên gia giáo dục Tami Harriot cùng các học viên đến từ ĐH Thái Nguyên trong một buổi làm việc nhóm


Hơn 200 ngày cùng đồng hành chia sẻ kiến thức, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp khi vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn nhà trường, chuyên gia giáo dục đến từ Australia rất ấn tượng với các học viên đặc biệt này.

* Thưa bà, là người theo sát hai khóa học nâng cao về lãnh đạo,quản trị và lập kế hoạch chiến lược do Aus4Skills tổ chức, bà đánh giá thế nào về việc tiếp thu và vận dụng những kiến thức được học trong khóa học vào thực tiễn của các cán bộ lãnh đạo và học viên từ các trường ĐH miền núi phía Bắc?

- Trước khi đến với khóa học, các học viên đều đã có kiến thức về lãnh đạo, về quản trị và lập kế hoạch trong trường đại học. Khi tham gia khóa học, các học viên được cập nhật kiến thức và thông tin. Với những cơ chế đã có sẵn ở Việt Nam, chúng tôi cùng các học viên tìm ra cách thức để những kiến thức và kỹ năng này được vận dụng vào thực tiễn.

Hiện các học viên đang ở những bước ban đầu trong việc áp dụng những kiến thức và kỹ năng được học vào thực tiễn. Trong quá trình triển khai, tôi nhận thấy các học viên có bước tiến trong việc tiếp nhận các kiến thức đã học và dần dần đã có những thay đổi về nhận thức, những khái niệm về giá trị cũng như về trách nhiệm và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình triển khai các hoạt động lãnh đạo của nhà trường. Và đặc biệt, các học viên có thể dùng kiến thức, kỹ năng được học này để lôi cuốn các cộng sự của mình trong quá trình xây dựng đổi mới ở đơn vị.

Đồng hành cùng các học viên từ tháng 11/2017 đến nay, tôi nhìn thấy sự tiến bộ của từng học viên trong việc áp dụng những kiến thức, kỹ năng ở vị trí công tác họ đang làm. Họ tự tin hơn rất nhiều trong các văn bản chỉ đạo và công việc hàng ngày để có thể hướng dẫn các đồng nghiệp trong quá trình đổi mới.

Trong những bước đi tiếp theo, các học viên vẫn cần sự hỗ trợ để có được môi trường thuận lợi nhất cho những kiến thức, kỹ năng đã học thể hiện trong thực tiễn. Điều này cần có thời gian, và tôi hoàn toàn tin tưởng các học viên có thể đạt được mục tiêu của mình trong thời gian tới, kiến tạo lại cơ chế tổ chức của mình, không chỉ điều chỉnh bản thân mà còn dẫn dắt các đồng nghiệp theo một hướng đi chung.


Bà Tami Harriot – Quản lý Dự án toàn cầu về phát triển, Ban Phát triển Quốc tế ĐH Sunshine Coast (Ausstralia)

* Đồng hành cùng các học viên từ tháng 11/2017 đến nay, điều gì khiến bà ấn tượng nhất về các học viên là các cán bộ lãnh đạo và giảng viên các trường đại học?

- Với tôi, tất cả các giây phút được hỗ trợ mọi người đều đáng nhớ! Tôi thấy sự thay đổi rất tích cực từ các học viên, họ tự tin bày tỏ những mong muốn của mình, cởi mở trong trao đổi, tiếp cận những cái mới. Quan điểm và phương pháp của chúng tôi là khuyến khích các học viên đặt một hàng gạch, dần dần sẽ tạo được lối ra.

Tôi ấn tượng với thầy Vũ Trọng Lưỡng – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Tây Bắc! Ngay từ ngày đầu tiên khi gặp tôi, nghe những nội dung chuyên gia trình bày, thầy đã nói: Cái này Việt Nam không làm được đâu! Thế nhưng đến ngày hôm nay, thầy đã khẳng định: Bây giờ tôi thấy những điều này có thể thay đổi được!

Và tôi nhận ra thầy đã thay đổi theo chiều hướng rất tích cực, tự tin hơn, mở rộng tầm nhìn… Sức mạnh của sự thay đổi đấy không chỉ cho một cá nhân mà còn ảnh hưởng sang các đồng nghiệp. Đối với những người tham gia chương trình, đây chính là phần thưởng vô cùng quý giá!

* Sau khi kết thúc khóa học, nếu cần sự tư vấn, hỗ trợ trong quá trình vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, bà và các chuyên gia của chương trình có tiếp tục đồng hành với các học viên và nhà trường?

- Chắc chắn rồi, đây là cam kết của chúng tôi. Phòng Hợp tác quốc tế của Trường ĐH Sunshine Coast đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với từng trường đại học có cán bộ, giảng viên tham gia khóa học, đó cũng là cơ sở đảm bảo các hỗ trợ hợp tác giữa trường USC và các trường. Và không chỉ liên lạc và hợp tác với USC, chúng tôi sẽ là cầu nối để các đơn vị khác ở Australia chung tay phối hợp, hỗ trợ các nhà trường đại học Việt Nam đổi mới.

Chúng tôi cũng đang xây dựng một nội dung “Thế nào là một trường đại học hiệu quả?”, hiện đã hoàn thiện về khung chương trình. Tôi cho rằng đây cũng là một nội dung cần thiết để đảm bảo chất lượng mà tất cả các trường đại học cần xem xét.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!


Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) tổ chức các khóa học giúp nâng cao số lượng và chất lượng trong giáo dục và nghiên cứu, cũng như năng lực của ĐH Thái Nguyên, trường ĐH Nông Lâm – ĐH Thái Nguyên và trường ĐH Tây Bắc, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực miền núi Tây Bắc, đồng thời giúp thiết lập các chương trình hợp tác với các tổ chức giáo dục của Australia.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top