Chú ý kênh hình trong ôn tập Sinh học thi THPT quốc gia

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thường xuyên kiểm tra bài cũ dưới hình trắc nghiệm

Theo thầy Nguyễn Văn Định, bất cứ thay đổi hình thức thi và kiểm tra đánh giá cũng ảnh hưởng đến cách dạy của giáo viên và các học của học sinh.

Với cấu trúc đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD&ĐT công bố, kiến thức hoàn toàn tập trung ở chương trình lớp 12, bám sát sách giáo khoa hiện hành.

Từ thay đổi này, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng: Giáo viên bộ môn khi soạn giảng nên bám sát sách giáo khoa 12, khai thác kỹ các nội dung trong sách.

Đặc biệt chú ý khai thác và phân tích kỹ các kênh hình trong sách giáo khoa. Hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, hệ thống kiến thức từng phần, từng chương và những nội dung có liên quan.

“Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh, học sinh đã quen với hình thức thi trắc nghiệm. Bởi vậy, giáo viên cần chú ý cung cấp kiến thức, soạn đề bám sát theo nội dung lớp 12.

Các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, giáo viên cần giúp học sinh quen với hình thức thi 100% trắc nghiệm, đầu tư soạn câu hỏi trắc nghiệm, bám sát chương trình, tăng cường khả năng luyện đề và làm đề theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Với Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, theo tôi phải có kế hoạch soạn giảng, ra đề, cho học sinh làm thường xuyên. Thống kê và rút kinh nghiệm sau mỗi lần kiểm tra để có hướng xử lý, điều chỉnh cách dạy và học cho hợp lý. Cùng với đó, cho học sinh chọn môn thi trước và sắp xếp lớp ôn hợp lý” – Thầy Nguyễn Văn Định chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Sinh học sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, thầy Nguyễn Văn Định cho biết mình luôn giúp học sinh nắm kĩ kiến thức cơ bản để có thể làm đúng tất cả những câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

Ôn tập học sinh thường xuyên (1 tiết ôn/tuần – tùy môn và tùy điều kiện của từng trường) để giúp học sinh khắc sâu kiến thức.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra bài cũ dưới hình trắc nghiệm để học sinh quen dần (yêu cầu học sinh giải thích sự lựa chọn).

Đề ôn luyện phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, giảm tải và sác giáo khoa 12 hiện hành. Đề phải đầy đủ các mức độ đúng như đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Ôn luyện từng chủ đề, từng chương, hệ thống kiến thức dạng sơ đồ giúp các em học sinh hiểu và nắm bài một cách logic.

Thầy Định cũng luôn chú ý tăng cường khai thác kênh hình sách giáo khoa trong việc ra câu hỏi trắc nghiệm. Khi sửa đề cho học sinh, không chỉ cung cấp đáp án đúng mà còn phân tích tại sao đáp án đó sai, đáp án đó đúng cho học sinh nắm.

Cần xem trọng tất cả kiến thức trong sách giáo khoa

Lưu ý gì với học sinh trong cách học, ôn tập để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng, học sinh cần tự học ở nhà để có thể nắm vững lý thuyết mới có thể vận dụng trả lời câu trắc nghiệm.

Ngoài kiến thức giáo viên cung cấp trên lớp, học sinh nên ghi nhận và tìm hiểu kiến thức bổ trợ liên quan.

Học sinh cần bám sát sách giáo khoa, nên đọc tất cả các nội dung trong sách giáo khoa. Nghiên cứu kỹ các kênh hình trong sách giáo khoa 12.

Thầy Định cũng lưu ý: Kiến thức trong đề trắc nghiệm rất rộng do đó học sinh cần xem trọng tất cả các kiến thức, không được học lệch. Học sinh cần tự tìm bài tập làm thêm (trên mạng) bên cạnh bài tập giáo viên cho. Trong quá trình luyện đề trên lớp, ngoài việc học và ghi nhớ về kiến thức, học sinh cần luyện kỹ năng làm trắc nghiệm.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top