Chiêu soạn giáo án môn Giáo dục công dân hấp dẫn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô Nguyễn Thị Mận - Trường THCS Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) và học sinh trong giờ học


Cô Nguyễn Thị Mận - Trường THCS Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) – cho biết: Thực tế, có 2 cách nghĩ về việc soạn giáo án. Có giáo viên soạn giáo án tỉ mỉ, đầy đủ vì cho rằng chuẩn bị là khâu quan trọng. Có giáo viên soạn qua loa đại khái, vì cho rằng, lên lớp là khâu quyết định.

Để có giờ dạy tốt cần có nhiều yếu tố, trong đó có khâu soạn giáo án. Giáo án đạt yêu cầu là giáo án thể hiện đầy đủ các bước lên lớp, các phương pháp, phương tiện dạy học, cách thức tổ chức thực hiện và hướng tới mọi đối tượng học sinh.

Cô Nguyễn Thị Mận ví dụ, ở khâu kiểm tra bài cũ, giáo viên cần kiểm tra cả kiến thức lẫn kĩ năng, kiểm tra dưới nhiều hình thức , nhiều thời điểm, kiểm tra cá nhân hoặc tổ nhóm…

Người giáo viên khi soạn giáo án đã phải nghiên cứu đầy đủ nội dung, đặt ra nhiều tình huống khác nhau để khai thác nội dung. Hệ thống câu hỏi trong giáo án cần được nghiên cứu khoa học. Các câu hỏi liên hệ thực tế cũng cần xác định rõ các cấp độ.

Cấp độ thấp là những câu hỏi liên hệ việc bản thân và những người xung quanh thực hiện chuẩn mực. Cấp độ cao là giải quyết các tình huống và định hướng cách ứng xử phù hợp với bản thân, gia đình và xã hội.

Trong khi soạn giáo án, giáo viên đã hình dung được toàn bộ diễn biến của quá trình dạy học và định hướng kết quả đạt được sau tiết dạy. Các bước trong từng bài là giống nhau nhưng ở mỗi bài khác nhau, giáo viên cần linh hoạt, mềm dẻo trong cách khai thác kiến thức tránh đơn điệu, nhàm chán.

Nếu giáo án sơ sài, khi lên lớp giáo viên sẽ bị động, có nhiều tình huống, nhiều vấn đề không được giải quyết thỏa đáng, tiết học sẽ không đạt được hiệu quả, các chuẩn mực không được học sinh nhận thức thấu đáo ảnh hưởng đến việc liên hệ và rèn luyện phẩm chất của học sinh.

Đặc biệt, phần liên hệ thực tế của học sinh trong mỗi tiết dạy, giáo viên phải cụ thể hóa trong giáo án bằng câu hỏi liên hệ, định hướng cách giải quyết cụ thể. Tránh cách soạn chung chung kiểu phần này học sinh liên hệ. Bởi có những nội dung kiến thức, nhất là nội dung pháp luật, bản thân giáo viên cũng phải tham khảo nhiều tài liệu mới hiểu cặn kẽ.

Lấy ví dụ cụ thể ở Bài 12: Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, cô Nguyễn Thị Mận cho rằng, để cụ thể hóa ý nghĩa của quyền của trẻ em, giáo viên sử dụng tình huống:

Hòa là một bé trai 11 tuổi, cha mẹ em đã chết vì một tai nạn bất ngờ. Hòa có hai người thân là cô và chú ruột, nhưng không ai chịu nhận nuôi em vì họ thấy em bị bại liệt. Hòa phải bỏ nhà đi xin ăn, lang thang kiếm sống.

Giáo viên chia lớp thành các nhóm theo bàn và chia nhiệm vụ cụ thể thảo luận theo ba câu hỏi sau:

Câu 1: Người lớn trong tình huống đã vi phạm những nhóm quyền gì của trẻ em mà đúng ra Hòa phải được hưởng? (Người lớn đã vi phạm quyền sống còn; quyền bảo vệ; quyền phát triển và quyền tham gia mà đáng ra Hòa được hưởng.)

Câu 2: Những nguy cơ gì sẽ có thể xảy ra đối với Hòa trong cuộc sống lang thang ngoài đường phố? (Nguy cơ bị đói, bị rét, bị lợi dụng để làm việc xấu, bị lợi dụng sức lao động….)

Câu 3: Hòa cần sự giúp đỡ đặc biệt nào? (Cần một gia đình để em được đảm bảo phát triển toàn diện).

Sau khi tìm hiểu tình huống, giáo viên đưa các câu hỏi liên hệ:

Câu 1: Các quyền trẻ em cần thiết như thế nào? (Để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện.)

Câu 2: Điều gì sẽ xảy ra khi quyền trẻ em không được thực hiện? (Trẻ em sẽ không có điều kiện hát triển toàn diện; có nguy cơ bị đói, rét, bóc lột, lợi dụng, xâm hại…)

Câu 3: Là trẻ em chúng ta phải làm gì để bảo vệ quyền của mình? (Có ý thức bảo vệ quyền; chống lại mọi sự xâm hại; tôn trọng quyền của người khác và thực hiện tốt bổn phận của mình…)

Xem chi tiết giáo án minh họa của cô Nguyễn Thị Mận TẠI ĐÂY
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top