“Chiêu” học cực hiệu quả của thủ khoa đầu ra đại học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GS.TS Nguyễn Trung Việt và PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh trao giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi cho cử nhân Nguyễn Thùy Linh (56K – TN) – thủ khoa xuất sắc, học kỳ 2 năm học 2017 – 2018.


Chia sẻ kinh nghiệm học tập, tân thủ khoa của Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, để học tốt trước hết phải có niềm tin vào chính bản thân mình. Chỉ khi bạn tin vào bản thân thì bạn mới có thể đạt đươc những mục tiêu mình đặt ra.

Bên cạnh việc tiếp nhận sự truyền đạt kiến thức từ giáo viên, kĩ năng quan trọng nhất và cần thiết đầu tiên là “thân tự lập thân” nghĩa là tự học. Khả năng độc lập trong học tập, tư duy sẽ giúp bạn tiến bộ rất nhanh. “Đừng bao giờ ỷ lại vào thầy cô, bạn bè hay bất kì điều gì khác rồi lấy đó là cái cớ để bạn lười nhác và cho phép mình đứng khựng lại” – Thùy Linh chia sẻ.

Nghe giảng trên lớp, kỹ năng ghi nhớ kiến thức một cách logic

Từ kinh nghiệm bản thân, Thùy Linh cho rằng, việc nghe giảng trên lớp và luôn tập kỹ năng ghi nhớ kiến thức một cách logic là một việc hết sức quan trọng.

Khi tập trung, chú ý nghe giảng sẽ giúp người học hiểu bài kĩ càng, hiệu quả sẽ tăng lên nhiều lần so với khi lơ đãng trong lớp.

Để tiếp thu tốt nhất khi nghe giảng, hãy dành ít phút ở nhà để xem trước bài mới, tới lúc thầy cô giảng sẽ không bị bỡ ngỡ trước kiến thức mới.

Trên lớp, hãy hăng hái phát biểu, đừng quá nặng nề chuyện đúng, sai, quan trọng nhất đó là một lần được nói là một lần được học.

Muốn có một tư duy lô gic, kinh nghiệm của Thùy Linh là cần phải có một hệ thống kiến thức nhất định. Nắm vững kiến thức cơ bản sẽ làm cơ sở cho tư duy, là tiền đề cho việc nắm vững kiến thức mới. Nắm chắc kiến thức có nghĩa là hiểu được, nhớ được lâu dài và có thể vận dụng được kiến thức.

Trong ghi nhớ kiến thức cần phải ôn tập thường xuyên và có hệ thống để tăng cường khả năng ghi nhớ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã dạy: “Dốt đến đâu học lâu cũng giỏi”, “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.

Luôn hoàn thành bài hôm nay và chuẩn bị tốt bài vở ngày mai

Kĩ năng tiếp theo cũng rất cần thiết, theo Thùy Linh đó là luôn hoàn thành bài hôm nay và chuẩn bị tốt bài vở ngày mai.

Thời gian qua đi không thể lấy lại được. Thứ duy nhất mà bạn có thể làm chủ và thay đổi là hiện tại. Ngạn ngữ Anh có một câu rất hay “Hôm qua là quá khứ. Ngày mai là điều bí mật.Và hôm nay là một món quà”. Vì thế, hãy làm mọi thứ mà bạn đã đặt ra ngay ở hiện tại chứ không phải tương lai. “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Điều này sẽ tạo ra một thói quen tốt, giúp ích cho chúng ta ở mọi mặt của đời sống chứ không riêng học tập.

Tạo dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu

Nhấn mạnh cần tạo dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu để nâng cao kiến thức và vốn hiểu biết của mình, Thùy Linh chia sẻ:

Hiện nay trên các phương tiện thông tin, lượng kiến thức rất phong phú. Chỉ cần vào google là chúng ta đã có bách khoa toàn thư về kiến thức. Thế nhưng, một số bạn lại nướng thời gian vào các trò chơi game, điện tử, facebook,…đó là điều hết sức đáng tiếc.

“Đọc sách, tham khảo tài liệu trên thư viện là một hành động mà mình dám chắc rằng rất xa lạ với nhiều bạn sinh viên. Không phải ngôi trường nào cũng đầu tư cơ sở vật chất tốt như Trường ĐH Thủy Lợi chúng ta.Vậy tại sao các bạn lại bỏ lỡ một cơ hội tốt như vậy?” – Thùy Linh nhắn nhủ tới các sinh viên cùng trường.

Tự tạo hứng khởi trong học tập cho bản thân

Bí quyết cuối cùng của Thùy Linh là tự tạo hứng khởi trong học tập cho bản thân. Mỗi người nên tự đề ra mục tiêu cụ thể - một mục tiêu mà chúng ta thực sự khao khát và yêu thích. Đó chính là động lực rất lớn để chúng ta phấn đấu.

Đừng quên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, không dậy quá sớm và ăn uống thật hợp lý. Trong thời gian tự học, nên tập trung cao độ khoảng 1 đến 1 tiếng rưỡi, sau đó thư giãn 1 ít phút bằng việc nghe 1 bản nhạc không lời, hoặc một bài hát mình yêu thích sau đó tiếp tục học. Học tập là niềm vui! Hãy biến công việc học tập trở thành niềm vui thích.

"Một điều không thể thiếu là bạn đừng quên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động Đội, Đoàn của lớp của Trường. Môi trường học đường không chỉ để chúng ta học tập và nghiên cứu mà còn là nơi rèn luyện đạo đức, lối sống để chúng ta có thể trở thành người công dân tốt. Thông qua các hoạt động này, chúng ta có thể phát huy được tài năng của mình, học hỏi được nhiều kỹ năng mềm, tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong môi trường tập thể, và đặc biệt là có thể giúp bản thân thêm tự tin hơn khi đứng trước đám đông" - Nguyễn Thùy Linh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top