Chấp nhận kết quả thấp ban đầu, nâng cao chất lượng bền vững sau đó

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thầy Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Hợp 3 (Nghệ An) chia sẻ về kinh nghiệm và phương châm giáo dục của nhà trường.

Cung cấp phương pháp học tập cho học sinh

Trường THPT Quỳ Hợp 3 có tới 80% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Thổ. Bản thân việc các em theo học đến cấp III đã là một nỗ lực lớn. Nói về chất lượng học sinh đầu vào của trường, thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Hợp 3 thẳng thắn:

“Phần lớn các em học sinh đều bị hổng kiến thức từ những năm cấp 1, cấp 2. Bản tính học sinh miền núi còn rụt rè, tự ti, thiếu phương pháp học, không có ý thức tự học, thiếu kỹ năng, kiến thức thực tế và xử lý tình huống.

Tình trạng này nếu kéo dài, giáo viên và nhà trường không quan tâm, khi học càng lên cao càng khó, học sinh sẽ có tâm lý chán nản, không muốn học, dẫn đến bỏ học”.

Chính vì thế, những năm qua, nhà trường đã xây dựng chiến lược giáo dục, trong đó có từng nhiệm vụ cụ thể, cho riêng từng khối học. Với học sinh lớp 10, thầy cô sẽ chủ động lấp dần lỗ hổng kiến thức cho các em, động viên các em mạnh dạn, rèn luyện tích cực hơn trong học tập.

Điều quan trọng nhất là cung cấp và rèn luyện phương pháp học, trở thành nề nếp mới cho các em. Phương pháp học tốt, đúng đắn, các em sẽ biết cách nắm bắt kiến thức, xử lý bài tập, và tự ý thức học ở nhà. Điều này, sẽ theo suốt và giúp ích các em trong cả 3 năm THPT.

Việc sắp xếp lớp cũng được cân nhắc cẩn thận. Vì nếu để học sinh khá ngồi với học sinh yếu thì bạn yếu sẽ ngày càng yếu hơn và ngược lại học sinh khá cũng không có động lực để phát triển.

Sắp xếp các em vào mỗi lớp theo từng mức học lực, năng khiếu, trên cơ sở đó giáo viên sẽ có từng phương án giảng dạy riêng để các em theo kịp kiến thức và từng bước tạo niềm hứng thú say mê với học tập.

Đối với học sinh khối lớp 11 và 12, em nào có nhu cầu chuyển lớp, chuyển khối học nhà trường sẽ bố trí điều chuyển theo từng khối tổ hợp môn.

Bởi đây là thời điểm các em đã bộc lộ ra hết năng lực cũng như hạn chế đối với từng môn học. Nhà trường trên cơ sở đó cũng bố trí được việc dạy học hợp lý, kết hợp với ôn thi THPT, và định hướng nghề nghiệp, xét tuyển tuyển ĐH, CĐ cho học sinh.

Về nội dung dạy và học, các bộ phận chuyên môn của trường được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch nâng cao chương trình học hiện tại tiệm cận với chương trình SGK mới (sẽ thực hiện bắt đầu từ năm học 2017-2018).

Xây dựng phân phối chương trình dựa trên chuẩn của Bộ GD&ĐT, dưới sự hướng dẫn của sở, kết hợp xây dựng một số chuyên đề chuyên môn và liên môn, phù hợp với đặc thù nhà trường.

Qua đó, vừa để học sinh tiếp cận với chương trình SGK mới, và giáo viên cũng chuyển biến dần trong phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục.

Trường chấp nhận kết quả kiểm tra chất lượng học sinh khối 10, tỷ lệ yếu kém chiếm đến gần 50%, nhưng kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, 97,14% học sinh của trường đậu tốt nghiệp và hơn 50 học sinh đủ điểm ngưỡng xét tuyển vào đại học cao đẳng.

Những tiết học ngoài giờ ý nghĩa

Đòi hỏi nghiêm khắc đối với việc dạy và học, không có nghĩa là cứng nhắc và tạo không khí áp lực cho học sinh. Để bổ sung kiến thức, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, các thầy cô trường THPT Quỳ Hợp 3 đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa tiếng Anh, Đại số, Văn học.. cho học sinh các khối.

Những năm gần đây, giờ chào cờ sáng thứ 2 luôn là tiết học đầy sôi nổi và bổ ích đối với học sinh trường THPT Quỳ Hợp 3. Phần nhận xét, tổng kết học tập, rèn luyện tuần học trước của thầy cô được tiến hành gọn nhẹ, nhanh chóng, thời gian còn lại được dành cho học sinh với phần thi kiến thức thú vị.

Theo đó, lớp được phân công nhiệm vụ trực tuần sẽ có nhiệm vụ chuẩn bị câu hỏi, đáp án và các phần quà. Câu hỏi nên lên, bạn nào trả lời đúng nhất sẽ được thưởng. Thầy cô chính là ban cố vấn, để giải thích, giải đáp thêm các vấn đề, tình huống được nêu ra.

Để giúp học sinh biết trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc bản địa, trường giao cho các thầy giáo là người dân tộc thiểu số, trực tiếp gặp các nghệ nhân trong các bản làng sưu tầm các thể loại dân ca Thái, Thổ để truyền dạy cho học sinh các khối.

Đẩy mạnh nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian…trong những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn để các em có những giờ phút nghỉ ngơi, giải trí và có cơ hội bộc lộ năng khiếu cá nhân.

Bên cạnh đó, nhằm động viên học sinh tích cực học tập, các thầy cô phát động phong trào “Học sinh nghèo vượt khó”, “Quỹ tình thương” “Áo ấm tặng bạn” giúp đỡ những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng có ý chí phấn đấu, dành kết quả cao trong học tập.

Trường cũng lập quỹ thi đua khen trường, hằng năm, hỗ trợ miễn các khoản đóng góp cho khoảng 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, nhà trường còn chuẩn bị đầy đủ SGK đảm bảo đủ 100% cho học sinh có nhu cầu mượn sách.

Cứ mỗi tháng 1 lần, thầy cô chủ nhiệm lại đi thăm học sinh xem các em học tập thế nào, ăn ở ra sao. Bởi vì số phòng ở nội trú của trường không đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn bộ học sinh, nhiều em phải ở trọ ngoài trường.

Kỹ năng xã hội còn thiếu, tuổi mới lớn dễ sa vào cám dỗ, ham chơi, và tệ nạn xã hội rình rập, thầy cô phải thường xuyên động viên, hỗ trợ.

Ngoài ra, nhà trường còn kết hợp với chính quyền địa phương nơi các em sinh sống để hỗ trợ quản lý, giáo dục nhân cách, lối sống, pháp luật cho các em.

“Điều đáng quý nhất là sự đoàn kết, đồng lòng tận tâm, nhiệt tình của các thầy cô giáo đối với học sinh. Chính vì thế, tập thể nhà trường luôn có sự đồng thuận cao trong mọi các hoạt động dạy – học cũng như ngoài giờ lên lớp.

Và sự chuyển biến rõ rệt của các em học sinh cả về kết quả học tập lẫn ý thức, đã cho chúng tôi thấy con đường mà nhà trường đang thực hiện là đúng đắn” - Thầy Nguyễn Minh Đạt cho biết.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top