Cấm dạy thêm là hoàn toàn chính đáng

Đức Huy

Điều hành viên
#1
Có thể tôi nêu ra điều này nhiều thầy cô sẽ phản ứng. Vì lẽ học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Này nhé: phụ huynh ngày nay rất bận công việc, không có nhiều thời gian quản lí con em mình, nên cho con em đi học để các em đỡ chơi bời lêu lổng, hư hỏng. Rồi thì chương trình ngày nay quá nặng, không học thêm thì không thể giỏi được, mà phụ huynh nào cũng kì vọng con mình phải học thật giỏi. Thế là rõ nhé, học thêm lợi đơn lợi kép rất nhiều, học trò có kiến thức, phụ huynh bớt thời gian phải trông nom, theo dõi con em mình, thầy cô lại có thêm tí thu nhập để cải thiện đời sống mà bị cho là còn eo hẹp.

Thế tại sao tôi lại cho cấm dạy thêm là chính đáng? Tôi xin kể một câu chuyện về thời đi học của mình. Năm học cấp 2 tôi học ở trong xã, xã tôi là một xã nghèo của huyện. Suốt những năm học trong đó tôi chưa từng có khái niệm học thêm là gì. Thỉnh thoảng thầy cô có vài tiết phụ đạo sửa bài tập cho các môn Toán, Lí, Hóa, hoàn toàn miễn phí. Đến năm ôn tốt nghiệp lớp 9 (thời đó vẫn còn thi tốt nghiệp cấp 2, không xét như bây giờ), do tăng thời gian ôn tập ngoài chương trình, nên hội phụ huynh trong lớp tự nguyện góp một chút quỹ bồi dưỡng thầy cô. Thầy cô khi đó giảng dạy với tinh thần trách nhiệm rất cao, không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Năm đó lớp tôi chỉ có 2 bạn bị rớt tốt nghiệp do học lực quá yếu.



Đến năm vào học lớp 10 tôi phải ra thị trấn học vì cả huyện chỉ có một trường cấp 3. Đến khi vào học, đám học sinh trong xã chúng tôi mới biết đi học thêm là thế nào. Chiều nào mấy đứa nhà ngoài thị trấn cũng túm tụm rủ nhau đến nhà thầy cô đi học thêm. Do không quen kiểu đi học như vậy nên tôi nhất quyết không tham gia, vả lại tôi học thuộc vào diện khá giỏi, tôi nhận thấy bọn nó đi học thêm nhưng học còn không bằng tôi. Những tưởng như thế thì cũng bình thường, yên ổn học tập. Nhưng thật bất ngờ, tôi bị cô dạy Hóa để ý. Cô thường gọi tôi lên sửa những bài tập khó, không làm được cô nói mỉa mai rất khó chịu. Thỉnh thoảng bất ngờ hỏi tôi một vài kiến thức, tôi lúng túng trả lời không được cô lại phê bình, cho điểm xấu. Cứ như thế, nên dù tôi học tốt hơn nhiều đứa nhưng điểm lại thấp hơn chúng nó rất nhiều. Kéo dài hơn một tháng, tôi mới biết được: cả lớp đi học thêm ở nhà cô gần hết, chỉ có vài đứa không đi học trong đó có tôi. Và đứa nào không đi cũng bị cô để ý như thế. Tôi đành bấm bụng đến xin đi học ở nhà cô. Ngay tức khắc tuần sau kiểm tra 1 tiết tôi được 9 điểm cao nhất lớp. Thái độ cô với tôi vui vẻ khác hẳn lúc trước. Thú thực nhà tôi không phải khó khăn để không có tiền đi học thêm mà tôi nghĩ mình học tốt rồi, có thể tự học được thì không cần học thêm, nhưng vẫn phải đi vì sức ép của cô. Mà đúng thế, trong giờ dạy thêm cô chỉ sửa những bài cơ bản, gần kiểm tra 15 phút hay 1 tiết, cô sửa những bài sát với đề, thế là những đứa đi học thêm điểm sẽ cao hơn, phụ huynh thấy con mình đi học thêm có hiệu quả rõ rệt.

Nếu thầy cô vô tư không dùng những thủ thuật như trên của cô giáo dạy tôi năm xưa thì học thêm cũng tốt. Em nào yếu thì được thầy cô hướng dẫn, bổ trợ kiến thức, em nào giỏi thì đến những lớp nâng cao rèn luyện. Nhưng trước lợi nhuận từ đồng tiền có được mấy người vô tư? Khi chấm điểm chắc chắn sẽ đắn đo giữa em đi học thêm ở nhà mình với em không tham gia chứ. Một đứa hàng tháng nó nộp tiền giúp mình có thu nhập, một đứa nó “không thèm” đến mình học thì điểm đứa nào sẽ cao hơn đây? Chắc chắn quý thầy cô đã hiểu rồi. Vì vậy mà xảy ra nhiều điều rất chớ trêu. Tôi có đứa cháu học lớp 11, cùng một môn Toán mà nó bảo phải đi học thêm ở hai thầy. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao lại ngược đời như thế. Nó bảo: một thầy nó học để lấy kiến thức thực sự, còn thầy kia đang dạy nó, dù dạy rất dở nhưng cũng phải học không thầy trù dập. Đã có nhiều đứa bị trù rồi, nó kể thầy còn nói toạc ra trước lớp chả sợ ai cả. Đây là hiện tượng khá phổ biến, rất nhiều giáo viên tạo sức ép để học sinh lớp mình phải học thêm của mình. Phụ huynh có biết cũng cắn răng chịu đựng không muốn phiền phức, ảnh hưởng đến con em mình.

Ở trường tôi cũng có nhiều người dạy môn Toán, trên lớp chỉ dạy qua loa, việc trường tham gia cho có, chả quan tâm đến bất cứ hoạt động gì, vì thu nhập chính của họ là từ dạy thêm. Tiền thu từ dạy thêm cao gấp ba, bốn lần tiền lương nên họ chỉ chăm lo đến việc dạy ở nhà. Thế thì bạn sẽ thắc mắc: như thế mà hiệu trưởng để yên được à. Xin thưa với bạn là hiệu trưởng cũng được “ăn chia” một phần từ tiền dạy thêm đó thì thắc mắc cái gì nữa. Những cái “luật” ấy không ai nhìn thấy nhưng ai cũng biết.

Có thầy cô viện lí do: đồng lương giáo viên thấp nên phải dạy thêm để cải thiện đời sống. Vậy tôi hỏi: chỉ có Toán, Lí, Hóa, Anh văn… dạy thêm được, còn những giáo viên môn khác thì người ta cải thiện như thế nào. Dạy thêm vô hình trung tạo ra sự bất công trong chính đội ngũ giáo viên. Tạo ra sự hơn thua giữa các môn, coi trọng môn này, coi thường môn khác.

Có người lại nói: cái gì không quản được thì cấm. Với tôi dạy thêm không thể quả được, cấm là đúng. Bộ, Sở ra rất nhiều tiêu chuẩn để đăng kí dạy thêm. Nhiều người không đủ điều kiện phòng ốc, tay nghề nhưng họ vẫn tìm cách “chạy” được giấy cấp phép, và thế là dạy thêm lại diễn ra bình thường. Mất tiền chạy giấy tờ rồi, hợp pháp rồi thế thì phải ép học sinh nó đi học để thu cả vốn lẫn lời chứ. Cứ thế thì quản lí thế nào được. Cấm là đúng.

Vừa rồi có một bài báo đưa tin một thầy giáo bị bắt quả tang đang dạy thêm và bị kỉ luật. Trong cộng đồng giáo viên nhao nhao lên là: nhục cho nghề giáo quá, có dạy thêm một chút mà hành người ta, làm nhục người ta, người ta kiếm thu nhập chính đáng mà…vân vân và vân vân. Tôi nghĩ nghề giáo có đến mức quá nghèo khổ mà phải lăn xả vào dạy thêm như thế không. Những môn không dạy thêm được như Sử, Công Dân, Công Nghệ… thì người ta chết đói hết à. Chẳng qua là lòng tham, muốn kiếm nhiều tiền mà ngụy biện thế thôi. Dạy một vài đứa để kiếm chút tiền cải thiện thì được, thế nhưng lòng tham con người là vô đáy chắc chắn chả ai chịu dừng lại ở vài đứa mà phải cố tìm cách phát triển lên thành vài chục đứa, rồi vài lớp học thêm…Như vậy cái ông thầy bị bắt quả tang, bị kỉ luật đáng bị lên án. Nó là một dạng ăn vụng, không đáng có trong nhân cách của người thầy. Người thầy phải có lòng tự trọng.

Tôi cũng đã từng dạy thêm và tôi nhận thấy khi cho điểm không thể nào công bằng được, kiểu gì cũng nâng đỡ những đứa học thêm ở nhà của mình. Mấy năm nay trường tôi cam kết tuyệt đối không một ai tham gia dạy thêm. Nhà trường tăng thêm tiết phụ đạo trên lớp, phụ huynh bồi dưỡng thêm cho giáo viên một khoản tiền nhỏ, phù hợp. Thầy trò học tập thoải mái vui vẻ, chất lượng cũng rất cao. Dạy thêm được xóa hoàn toàn, phụ huynh rất vui mừng, yên tâm, con em họ được đối xử công bằng, thỏa đáng. Ai cũng tâm huyết công việc trên trường, không còn cảnh chiều chiều dạy xong tiết cuối, phóng xe về nhà dạy thêm nữa. Thu nhập có thể không bằng trước nhưng lương tâm thấy thoải mái, thanh thản. Như thế cấm dạy thêm là hoàn toàn chính đáng.

Đây là suy nghĩ chủ quan của mình. Đức Huy mong quý thầy cô cùng thảo luận về đề tài này.
 
Last edited by a moderator:

Đức Huy

Điều hành viên
#3
@Dinh Pham
Tôi đồng tình với ý kiến trên nhưng bạn nên nhớ rằng tất cả những điều bạn viết rất thật nhưng còn nhiều điều bất cập trong ngành giáo dục không thể sửa được mọi giáo viên đều tự cứu mình khi mà cuộc sống đạm bạc thì ai lo cho mình đây !,,,...???
Tại sao cứ than nghề giáo lương thấp. Có nhiều nghề cũng học Cao đẳng, Đại học ra, lương người ta cũng thấp. Vậy lương thấp chỉ là cái cớ để ta dạy thêm.
 

Đức Huy

Điều hành viên
#4
To: Thu Hoa
riêng tôi lai không đồng tình với bạn một số ý kiến, trong bài bạn chỉ đề cập tới việc day thêm ở cấp 2 và 3 nhưng lại đua hình ảnh tiểu học lên minh họa... theo bạn bạn sẽ làm gì với một đứa con hoc lớp tieu học ở trường chỉ dạy nửa buổi. tôi cũng ko muốn dạy đâu nhưng nếu không dạy thi sau giờ học một số cháu ko co người tjaan đưa đón sẽ gửi ai ngoài cô giáo vừa để giữ trẻ cho họ đi làm mà ngoài ra giúp con họ bù đắp những kiến thức hổng. bạn nói ko dạy thêm thì nhà trương tổ chức dạy phụ đạo tính tăng giờ , rồi phụ huymh bồi dưỡng thêm. vậy khác gì dạy thêm, ngoài ra theo bạn đối với trường học nửa buổi thì lấy phòng học ở đâu mà học...... tôi chỉ nêu một trong nhiều ý kiến trái chiều với bạn như vậy thôi . khong nên cấm dạy ,mà nếu có cấm thì cấm với lớp cấp 2 3 khi các em tự biết ở nhà một mình sau giờ học hoặc cấm lớp cấp 1 khi đã dạy 2 buổi. Còn với học sinh học nửa buổi , bạn hãy để theo nguyện vọng phụ huynh cho người ta gửi để họ còn đi làm chứ. ko ép di học nhưng cũng đừng cấm
Mình sẽ trả lời bạn thế này nhé:
- Câu chuyện của mình là có thật, nó chỉ xảy ra thời điểm ở cấp 2-3, nhưng vấn đề dạy thêm là mình nói chung không chỉ riêng cấp nào. Vì vậy hình minh họa là các em HS cấp nào cũng được. Cái này chẳng có gì quan trọng cả, chỉ là minh họa mà.
- Phụ đạo ở trường nó khác GV dạy thêm chứ bạn, sao bạn lại cho là như nhau được. Nhà trường có thu phí thì cũng rẻ hơn rất nhiều. Ngay tại nơi tôi dạy. Nếu đi học thêm ở nhà thầy cô phải mất 200k/ môn/ tháng. Còn phụ đạo ở trường nhà trường thu 50/ tháng/ 3 môn Toán, Văn, Anh văn. Nhà trường dạy là đồng loạt không o ép, lôi kéo HS, các thầy cô dạy thêm sẽ xảy ra tình trạng như tôi nêu ở bài viết. Bạn thấy sự khác nhau chưa?
- Nếu chương trình nặng thì kiến nghị giảm tải. Phụ huynh không có thời gian trông con thì ta chỉ thực hiện việc trông mà không nên lồng vào việc dạy thêm.
Quý thầy cô cứ trao đổi, mình sẽ giải đáp hết.
 

Bình luận bằng Facebook

Top