Cách ngăn ngừa cúm A/H1N1

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Ông Nguyễn Văn Châu-Ảnh: L.T.H.TT - Gần mười ngày qua, tại TP.HCM đã có hơn 15 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Sở Y tế TP.HCM nhận định số ca nhiễm cúm A/H1N1 tại TP đang có chiều hướng phát sinh, phát triển và lan rộng. Ông Nguyễn Văn Châu -
giám dốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết: - Bệnh cúm A/H1N1 khởi phát từ Mexico và Hoa Kỳ, sau đó lan nhanh ra nhiều quốc gia và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch giai đoạn 5. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus mới cúm A/H1N1 gây ra và lây lan nhanh từ người sang người.
* Bệnh lây truyền như thế nào và có nguy hiểm không ?
- Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus, sau đó đưa tay lên miệng, lên mũi. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 2-7 ngày và thời gian lây truyền là một ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến bảy ngày sau khi phát bệnh. Biểu hiện của bệnh giống cúm mùa như sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể có nôn hoặc tiêu chảy kèm theo.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Hiện tại cúm A/H1N1 chưa có văcxin phòng ngừa. Tại TP.HCM và VN cho đến nay đã chính thức điều trị 15 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có ba trường hợp đã khỏi bệnh sau khi xét nghiệm PCR ba lần âm tính. Chúng tôi chưa dám nói điều gì vì số lượng bệnh nhân (BN) ở VN còn quá ít.
Tuy nhiên, trước mắt chúng ta tạm thời yên tâm vì tất cả triệu chứng và diễn biến bệnh của những BN này đều hết sức nhẹ nhàng, chưa có gì đặc biệt, nên chúng ta không quá lo lắng như những trường hợp nhiễm SARS hay cúm A/H5N1 trước đây. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói điều này vì bệnh mới xảy ra hơn một tuần nay, chưa đủ thời gian để chúng ta kết luận chính xác bệnh nguy hiểm ở mức độ nào, nhưng cảm nhận ban đầu là như vậy.

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, kỹ lưỡng giúp phòng ngừa cúm A/H1N1 -Ảnh: GIA TIẾN * Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng số ca dương tính với cúm A/H1N1 tại TP.HCM đã tăng rất nhanh. Phải chăng đã có ca nhiễm vào VN từ sớm mà chúng ta chậm phát hiện?
- Tôi cho rằng nếu tự đánh giá thì bộ máy phòng chống dịch cúm A/H1N1 từ TP đến quận huyện, phường xã rất thông suốt và hiệu quả. Nếu không bây giờ số mắc ở ngoài cộng đồng có thể đã cực kỳ nhiều.
Tuy số lượng mắc bệnh được phát hiện nhiều nhưng hầu hết BN đã bị nhiễm bệnh, mắc bệnh từ nước ngoài rồi mới nhập cảnh vào VN. Tất cả những trường hợp này máy đo thân nhiệt không thể phát hiện được vì khi họ vào VN thì chưa sốt. Ngay ca nhiễm bệnh đầu tiên phát hiện được tại TP cũng chỉ sốt sau ba ngày nhập cảnh vào VN. Do là người bệnh nằm trong thời gian ủ bệnh nên đến nay vẫn chưa có cách nào có thể phát hiện được.
* Có thuốc gì uống để phòng ngừa bệnh không? Để không bị nhiễm cúm A/H1N1 phải thực hiện các biện pháp gì?
- Sử dụng Tamiflu phải có chỉ định của bác sĩ và nên nhớ không phải uống Tamiflu là giảm lây nhiễm bệnh ngay. Uống Tamiflu có thể giảm bệnh, nhưng không phải lập tức uống Tamiflu vào là có thể giảm nguy cơ. Do đó nhiều khi sử dụng Tamiflu phòng ngừa không đúng chỉ định có khi còn hại thêm vì tạo sự chủ quan cho người đang phải ở trong tình trạng cách ly, kiểm dịch. Họ cứ nghĩ uống Tamiflu vào là có thể tiếp xúc thoải mái là không đúng.
Để phòng ngừa cho chính mình và cộng đồng, mỗi người dân nên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân sau: rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, kỹ lưỡng; che miệng và mũi khi ho và hắt hơi bằng tay áo, khăn giấy hay khẩu trang…; tránh tiếp xúc gần với những người không khỏe và những người bị sốt, ho. Nếu là người đang bị bệnh cúm A/H1N1 thì hãy cố tránh xa những người khác; hãy hoãn lại những chuyến du lịch nếu bản thân cảm thấy không khỏe.
* Đối với hành khách nhập cảnh VN đến từ những vùng có dịch cần phải làm gì và nếu có biểu hiện bệnh thì liên hệ ở đâu để được hỗ trợ?
- Hành khách nên thông báo ngay cho cơ quan y tế địa chỉ lưu trú hoặc khách sạn ở VN. Tự theo dõi sức khỏe trong vòng bảy ngày kể từ khi nhập cảnh. Nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau đầu…phải báo cho cơ quan y tế nơi lưu trú hoặc đến một trong các bệnh viện (xem bảng) để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời theo đúng quy định của ngành y tế.
LÊ THANH HÀ thực hiện
 

Bình luận bằng Facebook

Top