Các năng lực Toán quan trọng cần rèn học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dưới đây là những chia sẻ của các thầy cô tổ Toán Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) về một số định hướng xây dựng nội dung dạy học, công tác dạy học, định hướng phát năng lực học sinh với môn Toán giúp học sinh đáp ứng tốt các yêu cầu của việc đổi mới công tác thi cử.

Định hướng phát triển năng lực cho học sinh

Bên cạnh các năng lực toán thông thường, cần đặc biệt chú ý phát triển các loại năng lực sau:

Năng lực sử dụng máy tính cầm tay: Là năng lực hết sức quan trọng, giúp giải quyết nhanh chóng một số câu hỏi ở mức độ nhận biết và trợ giúp hiệu quả trong việc giải quyết các câu hỏi có yêu cầu tính toán.

Tuy nhiên, không nên quá cường điệu loại năng lực này, giáo viên cần chỉ cho học sinh thấy rõ rằng một câu hỏi trắc nghiệm khách quan có thể giải nhanh bằng máy tính cầm tay chỉ khi người ra đề mở ra khả năng đó.

Năng lực đọc hiểu: Rèn luyện thật tốt kỹ năng đọc hiểu để học sinh có thể hiểu đúng và nhanh một câu trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt, học sinh cũng cần biết rằng các phương án trả lời của câu trắc nghiệm khách quan cũng là một phần giả thiết của tình huống đặt ra.

Năng lực tư duy hình ảnh: Giúp giải quyết nhanh chóng một số câu hỏi ở mức độ thông hiểu mà phương pháp thông thường hoặc máy tính cầm tay không mang lại hiệu quả.

Loại năng lực tư duy này rất ít được khai thác trong hình thức thi tự luận nhưng lại có tiềm năng rất lớn trong hình thức thi trắc nghiệm khách quan.

Ngoài ra, giáo viên cũng cần lưu ý năng lực giải quyết các bài toán thực tiễn; năng lực suy luận loại trừ; năng lực phán đoán, suy luận có lý; năng lực ra quyết định dựa vào cảm giác.

Xác định nội dung dạy học, xây dựng ma trận đề thi

Trước tiên cần xác định nội dung dạy học là phần chung của Chương trình môn Toán lớp 12 THPT và Chương trình môn Toán lớp 12 bổ túc THPT hiện hành đã bỏ các nội dung giảm tải.

Sau đó, xây dựng ma trận khung đề thi môn toán từ việc nghiên cứu, khai thác đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Cần xây dựng các cấu trúc đề thi khác nhau dựa trên ma trận khung đã xác định, từ đó dự đoán biên độ của các câu hỏi ứng với từng nội dung trong ma trận khung nhằm phục vụ việc dạy và học.

Từ ma trận khung, xây dựng các ma trận đề kiểm tra cho từng nội dung dạy học của từng chương, từng giai đoạn học tập. Dự kiến ma trận khung đề thi môn toán THPT quốc gia năm 2018, 2019 để có kế hoạch dạy học, bồi dưỡng tốt cho các khối 10 và 11.

Lưu ý trong dạy học

Về công tác dạy và học, trước hết, giáo viên cần phải hết sức bình tĩnh và giải thích cho học sinh, dù thi với hình thức nào thì bài thi vẫn luôn đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Giáo viên cũng cần nêu cho học sinh thấy được các ưu điểm của hình thức trắc nghiệm khách quan để học sinh an tâm và phấn khởi học tập.

Nội dung dạy học căn cứ vào chuẩn kỹ năng kiến thức toán THPT, nên ưu tiên sử dụng sách giáo khoa toán THPT chương trình cơ bản để thống nhất cácc khái niệm, thuật ngữ và ký hiệu.

Dạy và học thật kỹ các khái niệm, học sinh cần hiểu và nhớ từng khái niệm, thuật ngữ toán học.

Dạy và học thật kỹ các tính chất, định lý: học sinh cần hiểu và nhớ các định lý, tính chất toán và có khả năng liên hệ, vận dụng chúng vào các trường hợp tương tự.

Cho học sinh tiếp xúc với trắc nghiệm khách quan ngay trong bài học qua các ví dụ. Đặc biệt, cần cho học sinh làm quen với việc một câu hỏi được diễn đạt bằng các cách khác nhau để tránh việc hiểu nhầm và rèn luyện năng lực đọc hiểu cho học sinh.

Cần chú ý phân tích các sai lầm thường gặp để giúp học sinh loại bỏ nhanh chóng các phương án sai.

Trong dạy học cần tăng cường việc đưa vào các ví dụ có liên hệ với thực tiễn cuộc sống để rèn luyện cho học sinh khả năng vận dụng toán học.

Lưu ý trong kiểm tra, đánh giá

Trong công tác kiểm tra, đánh giá, các việc cần làm trước mắt là tích cực đưa hình thức trắc nghiệm khách quan vào công tác kiểm tra đánh giá học sinh.

Đồng thời, xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan môn Toán trong phạm vi trường. Từng bước đưa trắc nghiệm khách quan vào kiểm tra, đánh giá ở khối 10 và 11 với tỷ lệ khoảng 30% trắc nghiệm khách quan và 70% tự luận.

Tăng cường sử dụng trắc nghiệm khách quan vào kiểm tra đánh giá ở khối 12 với tỷ lệ khoảng 70% trắc nghiệm khách quan và 30% tự luận.

Câu hỏi trắc nghiệm môn Toán không mới

Theo các thầy cô tổ Toán Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, trắc nghiệm khách quan trong môn Toán là một hình thức kiểm tra, đánh giá vẫn thường sử dụng trong dạy học.
Theo đó, các câu hỏi trắc nghiệm khách quan đã xuất hiện từ lâu trong sách giáo khoa môn Toán bậc trung học ở cả phần bài học lẫn bài tập.

Các giáo viên toán bậc trung học đều được tập huấn về trắc nghiệm khách quan từ việc lập ma trận khung, biên soạn đề kiểm tra đến việc đánh giá hiệu quả của các câu hỏi.
Chính vì thế, việc trong kì thi THPT quốc gia năm 2017, môn Toán được thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan không phải là một thách thức quá lớn đối với giáo viên và học sinh, mà nó chỉ là khó khăn tạm thời do việc phải thay đổi cách dạy và học cho phù hợp với hình thức kiểm tra đánh giá này.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top