Buổi lễ 20-11 đặc biệt của trường chuyên biệt

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Những giọng ca lạ

Hôm nay các em vẫn được ba mẹ và người thân chở đến trường như mọi ngày trong tiếng ồn ào của xe cộ đi lại trên từng con phố. Cho đến khi vào đến cổng trường chuyên biệt Niềm Tin khong gian nơi đây mới thật yên ắng, thanh bình. Đón chào các em là những nụ cười thân yêu và từng vòng tay êm ái của các cô các thầy đã chờ đợi trước đó.

Khi HS đã đến đầy đủ cô Ngọc Thủy mới ra tay trang điểm cho từng em một. Những khuôn mặt ngây ngô ngày nào bỗng tươi sáng hẳn lên, hầu như em nào cũng biết hôm nay có buổi lễ rất long trọng. Tại lớp 1A1, 1A3 GV tranh thủ tập lại bài hát Cô giáo em, Thầy cô cho em mùa xuân chuẩn bị trình diễn lên sân khấu.

Dù là một lớp nhưng các em lại chênh lệch nhau về tuổi tác, tầm vóc và cả trí tuệ. Hầu hết một số em trầm tư ngồi một chỗ còn lại một vài đứng ngồi không yên, đi tới đi lui liên tục. Có những bạn đã được ngồi lên ghế nhưng vẫn cố quay bên này nghẹo bên kia cô giáo nhắc nhở cũng không để ý.

Bên cạnh những câu nói ngắn gọn dễ nghe là những âm thanh ú ớ, lúc to lúc nhỏ mà không hề giống lớp học nào cả. Có lẽ điểm chung của các em chính là đôi mắt hồn nhiên mở to, khuôn mặt thơ dại và những suy nghĩ non nớt như những đứa trẻ lên 3. Nếu không vào trường chuyên biệt có nhiều em khó có thể đoán được là những đứa trẻ thiểu năng, tăng động và có những lỗi về ghen của con người.

Đây chính là những thua thiệt của cuộc đời đã giành cho các bé ngay từ khi mới sinh ra. Có em may mắn được cha mẹ đón nhận và thương yêu hơn nhưng cũng có những cuộc đời thơ dại đối với gia đình đã trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Thua thiệt của các em là không nhận diện được sự thua thiệt đó. Cho đến khi các em được vào lớp, được đến trường thì những thua thiệt đó đã được xoa dịu dần khi gặp được những bàn tay nhân ái từ thầy cô nơi đây.

Kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam và chào mừng 20-11-2017 nên các bài hát do các em biểu diễn đều hướng tới chủ đề thầy cô, tri ân những kỹ sư tâm hồn gieo mầm xanh thơ trẻ như ca khúc Bụi phấn, Cô giáo em, Gia đình nhỏ- Hạnh phúc to, Ngày đầu tiên đi học...

Có thể coi đây là buổi biểu diên văn nghệ đặc biệt vì tiếng hát cũng rất đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt. Dù đã được các cô dày công tập dượt nhiều lần nhưng trong đội hình tốp ca vãn có em hát sai lời, lỗi nhịp.

Nhưng có sao đâu vì các em hát bằng cả trái tim và bản năng của mình. Tiếng hát các em đã trở thành thước đo cho sự trưởng thành khi đến học trường Niềm Tin. Đằng sau tiếng hát có cả những giọt nước mắt của từng thầy cô luyện giọng và uốn dáng cong hình.

Có nhiều em quên lời chỉ đứng nhìn nên cô giáo phải nhắc từng tên cụ thể lúc đó các “ca sĩ” mới nhớ là mình đang phục vụ văn nghệ. Nhìn hóa trang, trang phục thấy các em đang diễn trên sân khấu nhưng nghe giọng hát lúc được lúc mất lại thấy như đây là một buổi tổng đượt để chạy chương trình vì các đạo diễn ở phía sau hậu trường chạy lên nhắc liên tục.

Những tấm lòng bên cạnh các em

Không chỉ ca sĩ đặc biệt mà khán giả cũng rất đặc biệt vì đang xem bỗng có em chạy ào lên sân khấu nắm tay bạn xuống. Vài fan cuồng cũng đứng lên cướp micro nhảy hát chung với ca sĩ dù ban tổ chức lịch sự mời cũng không chịu xuống.

Trong lúc các em xem biểu diễn thầy cô ai cũng đổ mồ hôi vì làm công tác trật tự. GV không la mắng, không quát nạt nhưng sau đó các em nghe lời. Rồi buổi biểu diễn cũng trật tự được một lúc.

Suốt đời đi dạy của mình, tôi đã dự không biết bao nhiêu buổi lễ về ngày nhà giáo nhưng mỗi lần có dịp xuống các trường chuyên biệt, lớp hòa nhập đều có những cảm xúc khó tả với những cung bậc tình cảm khác nhau.

Hầu hết các em đều khuyết tật về cơ thể nhưng may mắn tâm hồn các em vẫn trong như tờ giấy trăng chưa một vết bụi mờ. Cha ẹm cho em hình hài, cuộc đời cho các em số phận nhưng nhà trường, thầy cô lại cho các em yêu thương bằng tất cả trái tim của người anh người chị. Thương những em mắc chứng tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ lại càng thương hơn những em có khuôn mặt biến dạng vì hội chứng dow hay chất độc da cam.

Có em số phận chỉ lấy đi một ít nhưng có em số phận lấy đi gần hết cả. không chỉ đôi chân co quắp mà đôi tay cũng không bình thường. Thế nhưng khi gặp người quen hay lạ các em vẫn nở nụ cười, chạy lại ôm chầm như đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Các em khát khao cuộc sống như con chim khát khao bầu trời, tôm cá khát khao sông nước.

Để các em khôn lớn như ngày hom nay ngoài công sức cha mẹ không thể không kể đến công lao của các thầy cô trường chuyên biệt Niềm Tin. Hầu hết các thầy cô còn trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, ra trường chấp nhận sự thiệt thòi, dám hy sinh vì nỗi đau tinh thần của trẻ thơ mong các cháu nên người.

Đó là thầy Hạ Đình Luân dám chọn khoa GD đặc biệt ngay từ khi mới bước chân vào Trường CĐSP Mẫu giáo TƯ 3 TP. HCM. Dù đã có lần chuyển trường vì quá vất vả nhưng sau đó thầy lại tình nguyện trở về trường bởi tình yêu trẻ cứ day dứt mãi trong tận tâm can. Hình ảnh thầy ngồi chải tóc , cài nơ cho các em như một người cha tốt, người mẹ hiền là một biểu tượng cao đẹp của tình thầy trò mà không út giấy nào chép lại được.

Cùng với người chị cả là cô giáo Bích Phượng, thầy Luân đã tự vẽ cho mình một bức chân dung hoàn hảo về người thầy sống vì học sinh khuyết tật. Có được dòng tưới từ tâm hồn thầy cô, chắc chắn mai này hạnh phúc các em sẽ xanh tươi mãi. Chọn nghề dạy học là đã vinh quang, chọn ươm mầm cho những cây xanh thiếu bóng nắng còn vinh quang hơn nhiều. Lặng thầm cống hiến các thây cô lớp chuyên biệt trường hòa nhập xứng đáng là những kỹ sư tâm hồn gieo hạt giống tốt cho muôn đời sau.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top