Bước đệm cần thiết

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cũng bởi vai trò quan trọng của kiểm tra, đánh giá trong GD, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nhấn mạnh yêu cầu đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Theo đó, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng GD thế giới tin cậy, công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

Qua 6 năm, Nghị quyết 29 đã đi vào cuộc sống, phương pháp dạy học có rất nhiều thay đổi tích cực, dần chuyển từ dạy học “truyền thụ một chiều” sang vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hướng tới hình thành năng lực, phẩm chất người học. Thay đổi về phương pháp dạy học đòi hỏi tất yếu phải thay đổi về kiểm tra, đánh giá. Ở tiểu học, Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học; sau đó là Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới kiểm tra, đánh giá ở bậc học này. Thế nhưng với bậc trung học, trong 9 năm nay vẫn “trung thành” với quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT. Trong một thời gian dài như vậy, với thực tiễn GD sinh động thay đổi hàng ngày, việc nảy sinh hạn chế là không thể tránh khỏi.

Một lãnh đạo của Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã nói về những hạn chế nảy sinh trong quy định ban hành kèm Thông tư số 58: Nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; số lượng đầu điểm nhiều; việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, chưa đánh giá được sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học…

Từ thực tế triển khai, không ít hiệu trưởng trường THCS đã than thở khi mỗi giáo viên của mình dạy khoảng 8 lớp, mỗi lớp 45 học sinh/lớp. Điều này đồng nghĩa, mỗi thầy cô phải chấm, nhận xét, sửa lỗi, ghi lời phê khoảng 360 học sinh trên mỗi lần kiểm tra. Như vậy, cường độ làm việc và áp lực của giáo viên là rất lớn, bởi ngoài dạy học trên lớp, tối về còn nghiên cứu, soạn bài, soạn giáo án điện tử, kiêm thêm số bài kiểm tra với con số hàng trăm…

Đó chính là lý do nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT. Những khác biệt cơ bản của dự thảo được chú ý là kiểm tra định kỳ sẽ không còn điểm kiểm tra 1 tiết, chỉ còn 1 điểm kiểm tra giữa kỳ, 1 điểm kiểm tra cuối kỳ; giảm số đầu điểm kiểm tra; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số với hầu hết các môn học; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá, không chỉ chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số thông quá các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng) như trước đây; tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng…

Những sửa đổi này không chỉ hướng tới kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, giảm áp lực cho cả người học và giáo viên, tạo động lực để đổi mới phương pháp dạy học, mà còn là lần “xi nhan”, là bước đệm vô cùng cần thiết để chuyển hướng sang kiểm tra, đánh giá phát triển phẩm chất, năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top