Bức thư đẫm lệ bé gái lớp 5 ước ao một lần được mẹ đi họp phụ huynh

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ngày 27/2, bức thư gửi mẹ của bé gái người dân tộc Thái - Lữ Thị Kim Chi (học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Châu Hanh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã lấy đi nước mắt, quan tâm, đồng cảm của nhiều người.


Bức thư viết cho mẹ của em Kim Chi với nét chữ nắn nót, rõ ràng

Trong lá thư, với nét chữ nắn nót, cô bé tâm sự về hoàn cảnh éo le khi từ năm 2 tuổi, mẹ đã đi làm ăn xa để bé ở quê cùng bố và ông bà nội. Mẹ nói đi kiếm tiền về làm nhà mới, nhưng cho đến tận bây giờ, em vẫn ở trong ngôi nhà cũ cùng ông bà.

Vì nhiều lý do, bố mẹ mỗi người một nơi tiếp tục kiếm sống mưu sinh, còn Kim Chi ở nhà cùng bà nội. Sau đó, mẹ có gia đình mới và Kim Chi có thêm em, cô bé đôi lúc không tránh khỏi ghen tị với em vì được sống cùng mẹ.

Vậy nhưng trong suốt quãng thời gian dài ấu thơ thiếu thốn cả về tình cảm và vật chất ấy, Kim Chi vẫn cố gắng chăm chỉ học tập, và khoe với mẹ “năm nào con cũng được giấy khen”.


Kim Chi và chị gái hiện đang sống cùng ông bà nội già yếu

Thỉnh thoảng mẹ về thăm và mua quà, mua sữa, bánh kẹo cho con gái, nhưng cô bé chỉ “muốn được ở bên mẹ, được cảm nhận cuộc sống bên cạnh mẹ như thế nào”. Dù mới chỉ 10 tuổi, học lớp 5 nhưng lời lẽ trong thư của cô bé mạch lạc, tình cảm khiến nhiều người xúc động.

Đặc biệt, em không đòi hỏi mẹ bất cứ điều gì, mà chỉ ước ao “được mẹ hỏi học hành như thế nào. Mẹ có thể đến thăm trường con, đến hỏi cô giáo của con như biết bao bố mẹ của bạn khác họ vẫn đến gặp cô giáo để hỏi về học tập của con”.


Nội dung bức thư của cô bé lớp 5 khiến nhiều người không kìm nổi xúc động

Lời nhắn nhủ phía cuối bức thư, cô bé mong mẹ hãy hiểu còn một đứa con gái là con, nếu có thể, mẹ hãy gửi em và về họp phụ huynh cho con mẹ nhé”!

Cô Võ Thị Thúy (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 1, Quỳ Châu, Nghệ An) xác nhận đây là bức thư do em Lữ Thị Kim Chi (HS lớp 5B) viết dự thi viết thư quốc tế UPU năm 2020. Khi tập hợp lại thư của học sinh nhà trường viết, các cô trong trường đã rất xúc động với bức thư viết cho mẹ của em Kim Chi. Hoàn cảnh gia đình em thực sự giống như những gì em viết.


Bà nội hằng ngày vẫn đi chợ bán rau kiếm thêm tiền nuôi các cháu

“Gia đình hộ nghèo, em Chi và chị gái hiện đang học lớp 12 sống cùng ông bà nội già yếu. Ông bị tai biến phải chăm sóc, bà nội hằng ngày hái rau đem ra chợ bán. Bố của em sức khỏe cũng yếu, bị bệnh tim nên không làm được việc nặng nhọc”, cô Thúy cho hay.

Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ thêm: Dù hoàn cảnh như vậy nhưng những năm qua Kim Chi luôn đạt học sinh tiên tiến, là học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, có năng khiếu hát múa và sống tình cảm. Sáng nay 27/2, hiệu trưởng và công đoàn nhà trường cũng đã đến nhà thăm hỏi cô học trò nhỏ và ông bà.


Ngôi nhà gỗ treo đầy giấy khen của 2 chị em Lữ Thị Kim Chi

“Ở tuổi của em mà ấp ủ những cảm xúc đó thì giáo viên nhà trường cần quan tâm, hỏi han để kịp thời chia sẻ, động viên tinh thần em. Khi đọc xong bức thư, bản thân tôi thấy rất cảm động và thương học sinh của mình quá. Vì vậy, tôi đã chụp bức thư và đăng lên mạng xã hội để nếu bố mẹ em có đọc được thì hiểu và chia sẻ với nỗi niềm, mong ước nhỏ nhoi của con gái.

Ngoài ra, trong trường còn có rất nhiều hoàn cảnh học sinh tương tự như vậy, nhà nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa để con lại cho ông bà già yếu. Tôi cũng mong bức thư của em học trò có thể phần nào đó gửi lời cảnh tỉnh đến bố mẹ học sinh. Có thể cuộc sống kinh tế vất vả khó khăn nhưng hãy dành sự quan tâm đến tình cảm, học tập của các con”, cô Võ Thị Thúy chia sẻ.

Dưới đây là nội dung bức thư:


Gửi mẹ của con!

Mẹ à, con là Kim Chi – con gái của mẹ đây. Kim Chi của mẹ năm nay đã học lớp 5 rồi. Con đang cố gắng từng ngày để bố mẹ không buồn lòng vì con. Mẹ ạ, từ ngày sinh con được hai tuổi, mẹ để con ở nhà với bố và bà nội rồi mẹ đi kiếm tiền ở xa. Lúc ấy, người ta bảo mẹ đi xa lắm tiền lắm (nhiều tiền lắm – PV). Mẹ gọi điện về bảo kiếm tiền về xây nhà, mua quần áo đẹp cho con.

Nhưng hiện nay con vẫn ở nhà cũ của bà nội. Mẹ đi làm đã 6 năm rồi, khi con học lớp 4 mẹ về nhà. Con được ở với mẹ đúng một tuần rồi mẹ mang vali về nhà ông bà ngoại. Sau đó, bố mẹ ly hôn. Và từ năm đó con chẳng được sống cùng mẹ. Thỉnh thoảng đi xa về mẹ chỉ đến đón con, mẹ mua sữa, mua quần áo cho rồi rồi mẹ lại vội đi.

Mẹ à, có lẽ mẹ không biết được rằng con ao ước được mẹ hỏi học hành như thế nào. Mẹ có thể đến thăm trường con, đến hỏi cô giáo của con như biết bao bố mẹ của bạn khác họ vẫn đến gặp cô giáo để hỏi về học tập của con.

Ngày thông báo họp phụ huynh con cũng khóc mẹ ạ. Con gái khóc thật yếu đuối nương khi nào họp cô cũng dặn phải bảo bố mẹ đi nhé. Nhiều bạn có ông bà đi (họp phụ huynh – PV) cô nói nghe không hiểu, về nói lại bố mẹ không rõ tranh luận.

5 năm học con chưa bao giờ được mẹ đi họp phụ huynh. Bố lúc nào cũng bận đi làm kiếm tiền, còn mẹ đi làm xa cũng để kiếm tiền, chỉ có bà nội thôi. Con biết, bố mẹ không ở với nhau nữa thì con làm gì có quyền đòi hỏi bố mẹ phải cùng đi họp cho con. Nhưng mẹ con, con ước ao một lần để mẹ đi họp cho con.

Con vẫn cố gắng từng ngày, năm nào con cũng được giấy khen. Bà bảo học giỏi, sau này đi học đại học để không vất vả như bố đi làm xa vất vả. Nhưng bà có đối xử tốt với con như thế nào thì cũng không bằng mẹ, con xem trên Facebook mẹ rồi, mẹ lại có thêm em nữa. Con thật ghen tị với hai em vì được ở bên mẹ suốt ngày, được mẹ cho đi chơi, giá mà con cũng được ở bên mẹ như thế thì tốt biết bao nhiêu.

Mẹ ơi, mẹ hạnh phúc lắm phải không. Con chỉ mong mẹ hãy hiểu, mẹ vẫn còn một đứa con gái là con đang sống cùng bà nội mẹ nhé. Lần tới mẹ về không phải mua sữa cho con đâu vì dạo này con không uống sữa nữa. bố đi làm ăn xa chẳng có thời gian chăm con, nhưng mẹ cũng ít về nhỉ. Con lại có thêm em nữa. Nhưng cứ có thêm một em nữa chắc bố sẽ không còn yêu con đâu giống như mẹ ấy. Con chỉ ao ước được ở bên mẹ, được cảm nhận cuộc sống ở cạnh mẹ như thế nào. Mẹ ơi, nếu có thể, lần họp phụ huynh sắp tới mẹ gửi em và về họp phụ huynh cho con nhé!

(Lữ Thị Kim Chi - lớp 5B - Trường Tiểu học Châu Hạnh 1, huyện Quỳ Châu, Nghệ An)


Hồ Lài
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top