“Bỏ đề xuất không có nghĩa tương lai không thực hiện“

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM

Thưa bà, được biết nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Luật TPHCM đã tham gia vào quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó có nội dung về chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS. Bà đón nhận thế nào khi 2 nội dung này đã bị đưa ra khỏi dự thảo Luật?

- Cảm giác ban đầu là cảm thấy tiếc, vì những nội dung này nhóm nghiên cứu mong muốn được đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục lần này.

Tuy nhiên, mong muốn đưa một chính sách mới vào Luật không phải dễ dàng, vì điều này bị ảnh hưởng rất nhiều vào điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, như việc tăng lương cho giáo viên phải đặt trong bối cảnh về tính thống nhất, đồng bộ với những người là viên chức của các ngành khác, về nguồn ngân sách…, nên lý do đưa ra để chưa đưa các chính sách trên vào dự thảo lần này là điều dễ hiểu và cần chấp nhận.

Nguyên nhân của việc bỏ chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS trong dự thảo Luật được xác định là do ngân sách Nhà nước đang trong giai đoạn khó khăn, khó đáp ứng được yêu cầu. Trên cơ sở các nghiên cứu tác động đã thực hiện, bà phân tích gì về tính khả thi của 2 chính sách này?

- Dưới góc độ của người nghiên cứu độc lập về 2 chính sách trên, Nhóm đã đưa ra luận cứ để đảm bảo tính khả thi của các đề xuất theo hướng không gia tăng gánh nặng chi ngân sách cho giáo dục mà chỉ tái cơ cấu các khoản chi theo hướng phân phối các nguồn tài chính dành cho giáo dục công bằng, hiệu quả hơn, (ví dụ như đẩy mạnh tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công trong giáo dục và gia tăng kiểm soát hiệu quả đầu tư công trong giáo dục…).

Khi đề xuất các chính sách này, nhóm nghiên cứu và Vụ Tài Chính của Bộ GD-ĐT cũng đã làm các báo cáo chi tiết đánh giá tính khả thi của các đề xuất, bao gồm dự báo các nguồn lực tài chính, lộ trình thực hiện, tác động và hiệu quả của chính sách…

Lý do đưa ra “cần có sự đồng bộ với cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới” chưa thật sự thuyết phục dư luận xã hội khi mà lương nhà giáo hiện nay quá thấp, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút giáo viên giỏi cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Lý do nêu trên chỉ là vấn đề kỹ thuật, không thể vì lý do này mà cản trở việc luật hóa chủ trương của Nghị quyết 29, đó là “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” trong lần sửa đổi này.

Riêng về chính sách miễn học phí THCS mà không đưa vào trong dự thảo sửa đổi lần này là một thiếu sót lớn, không tạo ra một cơ sở pháp lý mang tính chất định hướng để thực hiện chủ trương “thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020” được xác định rõ trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khi không đưa quy định này vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, thì sẽ không có cơ sở pháp lý để chuẩn bị thực hiện chủ trương trên vào năm 2020.


Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Chính phủ cũng đã khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu để 2 chính sách này vẫn được thực hiện, có nghĩa sẽ không luật hóa mà có thể sẽ triển khai bằng các văn bản dưới luật. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Theo quan điểm của tôi, việc không đưa 2 chính sách trên vào trong luật lần này không có nghĩa là 2 chính sách đó trong tương lai không được thực hiện, mà tôi nghĩ 2 chính sách này sẽ được cụ thể hóa và triển khai theo một lộ trình và cơ chế khác.

Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm công tác nghiên cứu pháp luật, chức năng của Luật là cụ thể hóa chính sách và nếu như những chủ trương đó được cụ thể hóa trong Luật này thì sẽ thỏa đáng hơn.

Thông tin về việc bỏ chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS trong dự thảo Luật đang gây ra sự tiếc nuối trong dư luận, bởi đây là hai chính sách hết sức quan trọng. Có ý kiến cho rằng, nếu không có 2 chính sách này, không cần phải sửa đổi Luật Giáo dục. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Ý kiến trên chưa thật sự chính xác, vì ngoài 2 chính sách này, còn nhiều chính sách khác có ảnh hưởng lớn đến giáo dục như xác định mục tiêu giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân, phương pháp giáo dục, chương trình và sách giáo khoa, khung pháp lý cho các loại trường (trường công lập, ngoài công lập…), quản trị trường học, chế độ tài chính, chuẩn nhà giáo… Đây là những vấn đề mang tính chất quyết định để khắc phục những bất cập trong Luật Giáo dục hiện hành.

Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top