Biến bài giảng Hóa học khô khan thành hấp dẫn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Thầy Lê Anh Dũng - Giáo viên Trường THPT Bá Thước (Thanh Hóa) cho rằng, dạy học Hóa học gắn với thực tiễn sẽ tăng hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời cũng giúp các em hiểu được vai trò và ý nghĩa thực tiễn của bộ môn này.


7 lưu ý giúp sinh động hóa giờ Hóa học

Thầy Lê Anh Dũng đưa ra 7 giải pháp nhằm tăng hứng thú học tập cho học sinh trong môn Hóa học. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Nêu hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày, thường sau khi đã kết thúc bài học.

Cách nêu vấn đề này giúp học sinh căn cứ vào những kiến thức đã học, tìm cách giải thích hiện tượng ở nhà hay những lúc bắt gặp hiện tượng đó, học sinh sẽ suy nghĩ, ấp ủ câu hỏi vì sao lại có hiện tượng đó. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi khi học bài học mới tiếp theo.

Thứ 2: Nêu hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày thường qua các phương trình phản ứng hoá học cụ thể trong bài học.

Cách nêu vấn đề này mang tính cập nhật, làm cho học sinh hiểu và thấy được ý nghĩa thực tiễn bài học. Giáo viên có thể giải thích để giải toả tính tò mò của học sinh. Mặc dù vấn đề được giải thích có tính chất rất phổ thông.

Thứ 3: Nêu hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày thường thay cho lời giới thiệu bài giảng mới; có thể là một câu hỏi rất khôi hài hay một vấn đề rất bình thường mà hàng ngày học sinh vẫn gặp nhưng lại tạo sự chú ý quan tâm của học sinh trong quá trình học tập.

Thứ 4: Nêu hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày thường thông qua các bài tập tính toán. Cách này giúp cho học sinh khi làm bài tập lĩnh hội được vấn đề cần truyền đạt, giải thích.

Vì muốn giải được bài toán hoá đó học sinh phải hiểu được nội dung kiến thức cần huy động, hiểu được bài toán yêu cầu gì? Và giải quyết như thế nào?

Thứ 5: Nêu hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày thường thông qua những câu chuyện ngắn có tính chất khôi hài, gây cười có thể xen vào bất cứ thời gian nào trong suốt tiết học. Hướng này có thể góp phần tạo không khí học tập thoải mái. Đó cũng là cách kích thích niềm đam mê học hoá.

Thứ 6: Tiến hành tự làm thí nghiệm qua các hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày thường ở địa phương, gia đình … sau khi đã học bài giảng.

Học sinh căn cứ vào những kiến thức đã học tìm cách giải thích hay tự tái tạo lại kiến thức qua các thí nghiệm hay những lúc bắt gặp hiện tượng, tình huống đó trong cuộc sống; giúp học sinh phát huy khả năng ứng dụng hoá học vào đời sống thực tiễn.

Thứ 7: Nêu hiện tượng thực tiễn xung quanh đời sống ngày thường từ đó liên hệ với nội dung bài giảng để rút ra những kết luận mang tính quy luật.

Cách này làm học sinh không có cảm giác khó hiểu vì có nhiều vấn đề lý thuyết nếu đề cập theo tính đặc thù của bộ môn thì khó tiếp thu được nhanh so với gắn nó với thực tiễn hàng ngày.

Các hình thức tổ chức thực hiện

Đặt tình huống vào bài mới: Tiết dạy có gây được sự chú ý của học sinh hay không là nhờ vào người hướng dẫn. Trong đó phần mở đầu là rất quan trọng, nếu ta biết đặt ra một tình huống thực tiễn hoặc giả định rồi yêu cầu học sinh cùng tìm hiểu, giải thích.

Lồng ghép tích hợp môi trường trong bài dạy: Vấn đề môi trường luôn được nhắc đến hằng ngày như: khói bụi của nhà, nước thải của sinh hoạt…có liên quan gì đến sự thay đổi của thời tiết hay không. Tùy vào thực trạng của từng địa phương mà ta lấy ví dụ sao cho gần gũi.

Liên hệ thực tế trong bài dạy: Khi học xong vấn đề gì mà học sinh thấy được ứng dụng trong thực tiễn thì sẽ chú ý hơn, chủ động tư duy để tìm hiểu. Do đó trong mỗi bài học giáo viên nên đưa ra được một vài ứng dụng thực tiễn sẽ lôi cuốn được sự chú ý của học sinh hơn.

Một số ví dụ cụ thể

Ví dụ 1: Vì sao cồn có thể sát khuẩn?

Cồn là dung dịch Ancol etylic có khả năng thẩm thấu rất cao, có thể xuyên qua màng tế bào tiến sâu vào trong gây đông tụ protein làm cho tế bào bị chết (do protein là cơ sở sự sống của tế bào). Thực tế thấy rằng chỉ có cồn 75% là có khả năng sát trùng tốt nhất.

Áp dụng: Trong y tế, cồn được sử dụng đại trà khi tiêm, rửa vết thương … nhưng có ít người quan tâm tại sao lại dùng cồn? Trong khi học, nếu học sinh được biết sẽ rất tốt cho cuộc sống. Giáo viên có thể đưa vấn đề này vào trong các tiết dạy về bài “Ancol” (Tiết 56-57 lớp 11-CB).

Ví dụ 2: Vì sao dụng cụ phân tích rượu có thể phát hiện các lái xe đã uống rượu?

Thành phần chính của các loại nước uống có cồn là rượu etylic. Đặc tính của rượu etylic là dễ bị oxi hóa. Có rất nhiều chất oxi hóa có thể tác dụng với rượu nhưng người chọn một chất oxi hóa là crom(VI)oxit.

Đây là một chất oxi hóa rất mạnh, là chất ở dạng kết tinh thành tinh thể màu vàng da cam. Bột oxit CrO3 khi gặp rượu etylic sẽ bị khử thành oxit Cr2O3 là một hợp chất có màu xanh đen.

Cảnh sát giao thông sử dụng các dụng cụ phân tích rượu etylic có chứa CrO3. Khi tài xế hà hơi thở vào dụng cụ phân tích trên, nếu trong hơi thở có chứa hơi rượu thì hơi rượu sẽ tác dụng với CrO3 và biến thành Cr2O3 có màu xanh đen.

Dựa vào sự biến đổi màu sắc mà dụng cụ phân tích sẽ thông báo cho cảnh sát biết được mức độ uống rượu của tài xế. Đây là biện pháp nhằm phát hiện các tài xế đã uống rượu khi tham gia giao để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Giáo viên nên đưa nội dung này vào bài “Ancol” (tiết 56-57 lớp 11-CB) hay “Crom và hợp chất của crom”(tiết 58 lớp 12).

Ví dụ 3: Vì sao lại không dùng xăng pha chì nữa?

Xăng pha chì là thêm tetraetyl chì có tác dụng tiết kiệm 30% xăng dầu khi sử dụng. Nhưng khí cháy trong động cơ, chì oxit bám vào các ống xả, thành xi lanh nên thực tế xăng còn hoà tan thêm vào đibrometan thì chì oxit sẽ bị chuyển thành Chì bromua, dễ bay hơi, thoát ra khỏi xi lanh, ống xả, thải vào không khí làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vì chì sẽ ở trong môi trường khí, tồn tại trong thực vật, động vật nên khi tiếp xúc với khí thải, động thực vật bị bệnh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Ngoài ra hơi Brom bay ra gây nguy hiểm tới đường hô hấp, làm bỏng da. Hiện nay, nước ta đã không sử dụng xăng pha chì.

Thông qua nội dung “Hệ thống hóa về hidrocacbon”( Tiết 55 lớp 11-CB) giáo viên có thể đặt câu hỏi này cho học sinh thảo luận rồi giải thích cho học sinh biết được tác hại của việc pha chì vào xăng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ví dụ 4: Ma trơi là gì? Ma trơi thường gặp ở đâu?

“Ma trơi” chỉ là cái tên gọi mê tín mà thực chất, trong cơ thể (xương động vật) có chứa một hàm lượng P khi chết phân huỷ tạo một phần thành khí PH3(Photphin) khi có lẫn một chút khí P2H4 (điphotphin), khí PH3 tự bốc cháy ngay trong điều kiện thường tạo thành khối cầu khí bay trong không khí

Điều trùng lặp ngẫu nhiên là: Người ta thường gặp “Ma trơi” ở các nghĩa địa càng tăng nên tính chất kịch tính.

Vấn đề này phải được đề cập trong bài giảng về P để giải thích hiện tượng trong đời sống “Ma trơi”. Tránh tình trạng mê tín dị đoan, làm cho cuộc sống lành mạnh. Hiện tượng này giáo viên có thể đề cập trong bài “Phốtpho” (tiết 17 lớp 11-CB).

Ví dụ 5: Hoá chất trong cơ thể của con người như thế nào?

Các nhà khoa học đã tính được rằng: Lượng nước trong cơ thể của mỗi người chúng ta chỉ đủ giặt một chiếc áo sơ mi; lượng Fe đủ để làm một cái đinh 5 phân. Lượng đường chỉ đủ cho làm một nữa cái bánh ngọt nhỏ.

Lượng vôi trong toàn bộ xương của cơ thể đủ để xây một cái chuồng gà con. Lượng mỡ dùng nấu được 7 bánh xà phòng. Lượng P đủ để sản xuất 2200 đầu que diêm. Lượng S đủ để giết chết 1 con bọ chét.

Cộng cả lại kể các các nguyên tố khác như Mg, Cu, K… Theo các nhà bác học tính ra thì với một người nặng 65kg, giá trị của chúng chỉ đáng giá chưa tới 3$.

Đây là tình huống có chút khôi hài nhưng có thể giúp học sinh nắm được cơ bản thành phần nguyên tố trong cơ thể con người có thể đưa vào bài giảng về thành phần nguyên tố nhằm làm rõ thêm về quan điểm duy vật (lớp 10-11-12).

Ví dụ 8: Vì sao không nên ăn hoa quả ngay sau bữa ăn?

Trái cây có loại đường đơn là monosaccarit và một số loại axit sẽ kết hợp với axit trong dạ dày tạo ra Axit tactaric, Axit citric làm cho dạ dày đầy hơi.

Một số loại hoa quả có hàm lượng Tanin và Pectin cao, chúng sẽ kết hợp với dịch vị, chất xơ và protein trong thức ăn, dễ tạo thành những hạt rắn, khó tiêu hóa. Những hạt này hình thành sỏi ở dạ dày, ruột. Nên ăn hoa quả sau bữa ăn khoảng 1−3 giờ.

Giáo viên có thể áp dụng vấn đề này vào bài axit cacboxylic (tiết 65-66 lớp 11) .
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top