Bí quyết xây dựng thư viện xanh hấp dẫn học sinh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Để khắc phục những tồn tại phổ biến hiện nay trong các thư viện trường học, Cô Đinh Thị Thuý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nho Quan (Ninh Bình) – chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thư viện xanh, thân thiện ở trường tiểu học, đã được áp dụng rất có hiệu quả tại Trường tiểu học thị trấn Nho Quan.

Làm phong phú vốn sách, báo

Cô Đinh Thị Thúy cho rằng, cách mà nhiều trường thường làm hiện nay như xây dựng nội quy thư viện, tăng cường nghiệp vụ thư viện, đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường bổ sung sách, báo, tài liệu vào thư viện... chỉ là những việc “cần” nhưng chưa phải “đủ”.

Việc đầu tiên, theo cô Thúy, là cần huy động, làm phong phú vốn sách, báo. Ngoài vốn sách báo đã có trong thư viện nhà trường, vốn sách báo được bổ sung thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp, có thể huy động sự ủng hộ sách từ học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và nhân dân địa phương.

“Thông qua công tác tuyên truyền, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ mọi nguồn. Đặc biệt là các em học sinh, các em đã mang những cuốn sách mình đã đọc ủng hộ vào thư viện nhà trường, những sách, báo các em ủng hộ được lựa chọn và sắp xếp vào tủ sách thân thiện của mỗi lớp. Tủ sách ấy được các em tự quản sử dụng hằng ngày và bổ sung thường xuyên.

Các loại sách huy động ủng hộ được phân ra từng mảng như: Sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ nâng cao, sách an toàn giao thông... và các loại truyện như: truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện giáo dục đạo đức, truyện Bác Hồ, truyện khoa học viễn tưởng...” – Cô Thúy chia sẻ.

Làm mới thư viện bằng các góc đọc sáng tạo

Cô Thúy cho biết, tại phòng đọc của học sinh nhà trường đã chia ra các góc hoạt động như góc đọc sách, góc viết, góc nghê thuật, góc nghe, xem... Mỗi góc đều có biển tên và các tài liệu, đồ dùng phù hợp.

Góc đọc: được xếp các loại sách như sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện cổ tích, truyện danh nhân, ... Học sinh có cơ hội đọc sách để nâng cao kiến thức, phục vu nhu cầu học tập hoặc tham gia các chương trình của thư viện.

Góc nghệ thuật: được sắp xếp các đồ dùng như giấy, bút chì, tẩy, phấn, màu nước, đất nặn, sáp màu, các dụng cụ thêu... Có không gian để trưng bày các sản phẩm do các em tạo ra như tranh vẽ, sản phẩm đất nặn...

Góc viết: Các đồ dùng chủ yếu ở đây là giấy, vở viết, bút mức, bút chì, thước kẻ.... Tại góc viết, các em có khả năng thể hiện sự sáng tạo như viết truyện, thơ, thư, nhật ký, những cảm nghĩ về sách. Các em cũng có thể luyện viết hoặc hoàn thành các bài tập viết.

Góc nghe nhạc: Ở đây các em có thể nghe các câu chuyện và các loại nhạc. Giáo viên thư viện sẽ giúp đỡ học sinh trong việc thu băng các câu chuyện và các bài hát dân ca, đồng dao... Đồ dùng cần chuẩn bị tại góc nghe là đầu đĩa nhạc, băng kể chuyện, đài catset...

Góc xem: Tại góc xem nhà trường đã chuẩn bị máy tính có nối mạng Internet. Tại đây, học sinh có thể tra cứu, lấy thông tin trên mạng hoặc xem các nội dung cần thiết phục vụ cho hoạt động học tập.

Các hoạt động của học sinh trong phòng đọc có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên thư viện. Các em tự tìm cho mình vị trí thích hợp và tự lựa chọn tài liệu mà mình cần một cách thuận tiện, tuy nhiên cần nghiêm túc, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các bạn khác tại phòng đọc.

Xây dựng tủ sách thân thiện ngay trong lớp học

Sách, báo trong tủ sách thân thiện là những sách, báo mà học sinh ủng hộ, các em tự mang đến, tự sắp xếp, tự bảo quản và truyền nhau đọc trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm sẽ giúp đỡ để học sinh sử dụng sách có hiệu quả và bảo quản tốt tủ sách thân thiện của lớp.

Hàng tuần, các lớp sẽ liên hệ với lớp bạn để chuyển sách từ lớp nọ sang lớp kia. Như vậy các em luôn luôn có sách mới để đọc, gây hứng thu cho học sinh.

Đưa thư viện ra ngoài thiên nhiên

Cô Thúy cho rằng, sẽ thật tuyệt vời nều có được không gian thư viện xanh ngoài sân trường vừa đẹp mắt, hấp dẫn vừa tiện dụng, có khu nhà vòm có thể treo các tủ sách thân thiện không phải cất vào sau mỗi ngày; có khu gốc cây râm mát để treo tủ sách lưu động có thể mang ra và thu về mỗi ngày; có các góc thư giãn cho học sinh vui chơi như chơi cờ vua, vẽ tranh, viết văn...

Để thực hiện điều này, nhà trường đã huy động các nguồn tài trợ ủng hộ và sự vào cuộc tích cực của các bậc cha mẹ học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường.

Các bậc cha mẹ học sinh: Chủ động vào cuộc, cùng nghiên cứu và xây dựng mái vòm làm nơi có thể treo các tủ sách thân thiện mà không sợ mưa nắng.

Tại các gốc cây, thiết kế vòng tròn để treo tủ sách lưu động có thể mang ra và thu về mỗi ngày. Tại các khu vực có sách, tài liệu, bố trí ghế ngồi thuận lợi cho việc đọc sách và có thể thư giãn trong góc thư giãn...

Các thầy cô giáo và học sinh: Tất cả cùng vào cuộc để sáng tạo ra những tủ sách đơn giản, dễ tìm, dễ sử dụng mà lại thân thiện với môi trường.

Nhà trường đã huy động giáo viên, học sinh sử dụng những chai nhựa, ống nhựa đã qua sử dụng, cùng cắt, sơn, buộc thành những tủ sách rất sáng tạo, giúp cho học sinh có thể tự lấy sách ra đọc rồi lại tự bỏ sách vào “tủ”.

Quá trình này tập thể giáo viên và các em học sinh đã tranh thủ những thời gian trống và làm trong nhiều ngày với tinh thần tích cực, tự giác và hết sức hào hứng.

Tổ chức hoạt động trong thư viện xanh

Khi đã xây dựng được cơ sở vật chất cho thư viện xanh, cô Thúy cho rằng, việc tổ chức hoạt động thư viện ngoài trời cũng là cả một vấn đề cần lưu ý.

Thư viện xanh đòi hỏi phải có sự tổ chức tốt để có thể quản lý được lượng sách báo ngoài thư viện xanh mà ai cũng có thể lấy được đồng thời sử dụng có hiệu quả.

Ngoài hoạt động của giáo viên thư viện, cô Thúy cho biết, nhà trường đã huy động sự vào cuộc của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trường. Cụ thể:

Giáo viên thư viện: Phân loại từng khu vực để sách cho dễ sử dụng, trực tiếp xuất sách và để vào những vị trí sách đã quy định, kiểm soát sách hằng ngày và thay sách hằng tuần để học sinh luôn luôn có sách mới để đọc.

Tổng phụ trách Đội: Phân công học sinh trong Đội tuyên truyền măng non phụ trách từng khu vực sách. Hằng ngày Đội tuyên truyền măng non có trách nhiệm hướng dẫn các bạn đọc sách và bảo quản sách; mang sách ra và thu về sau mỗi ngày (đối với sách ở khu vực không có mái che).

Tất cả bạn đọc: Có thể đọc sách ở bất cứ lúc nào ngoài giờ lên lớp, tự lựa chọn loại sách mà mình yêu thích, đọc sách xong cẩn cất sách vào đúng nơi quy định, không tự chuyển sách sai khu vực quy định, tránh làm rách sách, cần tự giác giữ gìn sách.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top