Bệnh thường gặp

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#1
Viêm amidal và cách xử lý

Viêm amidal có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lây lan từ người này sang người khác bởi những phần tử trong không khí hoặc những cái bắt tay, ôm hôn... Đặc điểm của bệnh này là đau ở trong họng và khó nuốt. Viêm amidal thông thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị và thường thì không có biến chứng. Tuy nhiên, không ít trường hợp, viêm amidal gây biến chứng và khó chịu cho người bệnh nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng


Hạch sưng to khi amidal bị viêm.

Amidal bị viêm như thế nào?


Rất nhiều loại vi khuẩn, virut khác nhau tiểm ẩn có thể gây ra viêm amidal, ví dụ như Epstein - Barr virus là một nguyên nhân thường gặp. Nó thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt trong những trường hợp như ở lớp học, giảng đường đại học, virut dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người. Trong số các loại vi khuẩn hay gây ra viêm họng thì hay gặp nhất là liên cầu nhóm A, người ta thường gọi là viêm họng liên cầu. Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn từ khi nhiễm khuẩn đến khi bệnh toàn phát (thường từ 2 - 4 ngày, có thể ít hơn).

Các triệu chứng của viêm amidal là gì?

- Đau trong họng (có khi rất đau, có thể kéo dài hơn 48 giờ) và có thể kết hợp với khó nuốt. Đau có thể lan lên tai; họng đỏ, amidal sưng và có thể được phủ bởi những chấm trắng; có thể sốt cao; có thể sưng hạch dưới hàm và hạch cổ, đau đầu; có thể mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói.

- Nếu đau họng là do nhiễm virut thì triệu chứng thường nhẹ và liên quan đến cảm cúm thông thường.

- Nếu viêm họng do virus Coxsackie thì có những mụn phỏng mọc ở amidal và vùng vòm khẩu cái. Những mụn phỏng này sẽ vỡ trong vài ngày thành những vết loét, những vết loét này sẽ rất đau.

- Nếu viêm họng do nguyên nhân nhiễm liên cầu, amidal thường sưng và bị bao phủ bởi những chấm trắng và họng đau. Bệnh nhân có sốt cao, hơi thở hôi và cảm thấy người rất mệt.

Những bệnh cảnh khác nhau này nhiều khi rất thay đổi và chúng ta cũng không thể nhìn vào họng ai đó mà nói rằng: đây là viêm do virut (điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả) hoặc do vi khuẩn (có thể điều trị được bằng kháng sinh).

Lời khuyên tốt

- Nếu có dấu hiệu của viêm họng kéo dài quá vài ngày hoặc đau rất nặng gây khó nuốt, sốt cao và nôn, nên đi khám bác sĩ.

- Uống nước ấm, ăn thức ăn lỏng, dùng các loại thuốc súc miệng (như nước muối pha loãng, dung dịch súc miệng sát khuẩn có bán sẵn).

- Đau họng nhiều có thể làm cho bệnh nhân không muốn nuốt, đây là lý do thường gặp làm cho bệnh nhân bị mất nước do sốt và do thở bằng miệng. Bù nước và điện giải sẽ làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ và phải giữ ấm cơ thể.

Chẩn đoán xác định viêm amidal

Bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh, đôi khi phải cấy dịch tiết cổ họng và thử máu để xác định nguyên nhân.

Biến chứng của amidal là gì?

Thường là viêm họng cũng như viêm amidal thì không gây biến chứng gì, chỉ gây biến chứng khi kéo dài quá 1 tuần. Dưới đây là những biến chứng: Viêm nhiễm thứ phát như: viêm tai giữa, viêm xoang. Nếu viêm họng do liên cầu thì có thể gây sốt phát ban (bệnh ban đỏ). Một biến chứng hiếm gặp là áp-xe họng, thường xảy ra ở một bên. Nếu lớn cần phải chích rạch tháo áp-xe. Trong một số hiếm trường hợp có thể gặp biến chứng như: thấp khớp, viêm thận (hiện nay hiếm gặp hơn so với nhiều thập niên trước đây).

Điều trị như thế nào?

Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol (ví dụ: calpol, panadol) để hạ sốt.

Trong một số ít bệnh nhân viêm amidal gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2 - 3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.

Phẫu thuật cắt amidal có thể cần thiết cho những bệnh nhân viêm đi viêm lại nhiều lần hoặc những bệnh nhân viêm amidal nặng không đáp ứng với phác đồ điều trị hoặc ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và công tác. Nhưng ngày nay, trên thế giới, người ta cắt amidal ít hơn nhiều so với trước đây.



ThS.BSCKII. Phạm Thắng

(theo suckhoedoisong.vn)
 

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#2
Viêm bờ mi?

Thỉnh thoảng cháu bị cộm, ngứa mắt và có khi lên chắp ở mắt. Gần đây mi mắt cháu bị sưng đỏ rất ngứa, đi khám bác sĩ bảo bị viêm bờ mi. Xin quý báo cho biết nguyên nhân bệnh này?
Trần Thu Nga (Ninh Bình)
Cháu từng bị cộm, ngứa mắt và có chắp thì rất có thể cháu bị bệnh mắt hột. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm bờ mi. Bệnh thường gặp ở nơi nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Môi trường ô nhiễm cũng là tác nhân thuận lợi gây ra căn bệnh này, như gió bụi, khói... Những người gầy yếu, người mắc bệnh mạn tính hay có cơ địa dị ứng cũng dễ bị bệnh viêm bờ mi. Các dạng biểu hiện của bệnh thường thấy là viêm đỏ bờ mi, là loại nhẹ nhất, người bệnh thường cảm thấy ngứa kèm theo cảm giác cộm như có bụi trong mắt, phải chớp mắt liên tục và chảy dử mắt. Các loại khác như viêm bờ mi có vảy, bờ mi đỏ và dày lên, viêm loét bờ mi, bờ mi sưng đỏ, có mủ... Nếu bệnh không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm kết mạc, viêm đường lệ đạo, lông siêu, lông quặm... Cháu đã đi khám rồi thì cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó cũng cần vệ sinh mắt sạch sẽ, dùng nước sạch, khăn sạch để rửa mặt, đeo kính bảo vệ khi phải tiếp xúc với gió, bụi...
BS. Lê Sơn
(theo suckhoedoisong.vn)
 

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#3
Cách ngăn chặn phát triển thành bệnh đái tháo đường týp 2

Ở người lớn được chẩn đoán tiền đái tháo đường (ĐTĐ), việc thay đổi hành vi lối sống có thể phòng tránh và làm chậm quá trình bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2. Kết quả từ Chương trình Phòng chống bệnh ĐTĐ của Cơ quan về dịch vụ sức khỏe và con người Hoa Kỳ (HHS) tiến hành trên 3.000 người cho thấy giảm từ 5 - 7% kg cân nặng có thể làm giảm 58% nguy cơ bệnh tiến triển lên ĐTĐ type 2. Có thể giảm cân bằng cách ăn kiêng (giảm chất béo và lượng calo ăn vào) cũng như tập thể dục với mức độ vừa phải tối thiểu 150 phút một tuần (hầu hết những người tham gia nghiên cứu chọn đi bộ). Uống thuốc điều trị ĐTĐ gốc metformin cũng có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh lên ĐTĐ type 2 ở một số người tham gia nghiên cứu. Các thuốc điều trị ĐTĐ khác không được khuyến cáo sử dụng trong giai đoạn tiền ĐTĐ.

Hướng dẫn mới của AACE về quản lý tiền ĐTĐ


Tuyến tụy giúp cân bằng mức độ đường của cơ thể.
Theo một tuyên bố đồng thuận do Hội Nội tiết lâm sàng Mỹ (AACE) đưa ra ngày 23/7, quản lý tiền ĐTĐ bao gồm cả thay đổi hành vi lối sống và đặt mục tiêu điều trị huyết áp và mỡ máu như đối với người bệnh ĐTĐ. Tài liệu về Hướng dẫn thực hành nội tiết dự kiến sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.
"Chúng ta, với tư cách là những cá nhân và với tư cách là một xã hội, cần tác động đến các nhân tố ảnh hưởng gây nên béo phì, bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ", Yehuda Handlesman MD, FACP, FACE, quan chức của AACE và là Giám đốc y khoa của Học viện Nghiên cứu chuyển hóa của Mỹ đã phát biểu trong một tuyên bố mới đây. "Chúng tôi hiểu những khó khăn khi thực hiện các giải pháp đề ra nhưng với tư cách một hội nội tiết, chúng tôi cam kết hỗ trợ cộng đồng và quốc gia bằng mọi nỗ lực có thể làm được".

Hướng dẫn mới này là phác đồ điều trị tiền ĐTĐ toàn diện đầu tiên do hội đồng các chuyên gia về ĐTĐ và rối loạn chuyển hóa đưa ra. Tuyên bố đồng thuận cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể về thay đổi hành vi lối sống cũng như là can thiệp bằng thuốc uống vào thời điểm thích hợp.

Vì tiền ĐTĐ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiến triển thành ĐTĐ type 2, những hướng dẫn này cũng giúp phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ type 2 sớm hơn và hiệu quả hơn.

Vì hiện nay chưa có phác đồ điều trị bằng thuốc nào được Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) duyệt, dùng cho người mắc tiền ĐTĐ để ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2, hội đồng các chuyên gia đưa ra hướng dẫn điều trị tiền ĐTĐ bằng 2 hướng.

Mục tiêu đầu tiên là thay đổi hành vi một cách tích cực để ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2, theo hướng dẫn của Chương trình Phòng chống bệnh ĐTĐ của Chính phủ Mỹ.

"Mặc dù thay đổi hành vi lối sống rõ ràng có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ nhưng đôi khi chưa đủ", Alan J. Garber, MD, PhD, FACE, Giáo sư y khoa, Trường cao đẳng Y khoa Baylor, Houston, Texas và là chủ tọa Hội nghị về đồng thuận phát biểu. "Đối với những nhóm có yếu tố nguy cơ cao, điều trị bằng thuốc có thể là cần thiết".

Mục tiêu thứ hai là ngăn ngừa biến chứng tim mạch bằng cách điều trị bằng thuốc đối với những người mắc tiền ĐTĐ mà thay đổi lối sống không hiệu quả. Ngoài thuốc hạ đường huyết, có thể phải điều trị cả thuốc hạ huyết áp, hạ mỡ máu vào thời điểm thích hợp. Những người có yếu tố nguy cơ cao với mức đường huyết chạm ngưỡng của người bệnh ĐTĐ, huyết áp cao hoặc mỡ máu cao cần theo dõi các yếu tố nguy cơ chặt chẽ hơn.

"Ở những người có yếu tố nguy cơ cao, điều trị bằng thuốc có thể phù hợp nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả. Dù vậy, tất cả những người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ nên ý thức được mức độ của các yếu tố nguy cơ và luôn sẵn sàng hành động”.

Những câu hỏi cụ thể và những nhận xét xác đáng được đề cập đến trong tuyên bố đồng thuận:

Sự khác nhau giữa đường huyết bình thường, tiền ĐTĐ và ĐTĐ; dựa trên những tiêu chí nào để chẩn đoán mỗi loại?

Đường huyết được coi là bình thường khi đường huyết đói dưới 100mg/dL (5,6mmol/L) và đường huyết sau ăn 2giờ dưới 140 mg/dL (7,8mmol/L). Được chẩn đoán ĐTĐ khi đường huyết đói lớn hơn hoặc bằng 126mg/dL (7mmol/L) và đường huyết sau ăn 2giờ lớn hơn hoặc bằng 200mg/dL (11,1mmol/L); khoảng cách giữa ĐTĐ và không ĐTĐ chưa được định nghĩa rõ ràng. Ở một số người có mức đường huyết chấp chới ngưỡng (đường huyết đói trong khoảng từ 100 - 125mg/dL; đường huyết sau ăn 2giờ từ 140- 199mg/dL) cảnh báo nguy cơ có thể mắc bệnh ĐTĐ type 2, bệnh tim mạch và các biến chứng mạch máu nhỏ.

Nếu không điều trị tiền ĐTĐ, những rủi ro lâm sàng mà người bệnh có thể mắc phải là gì?

Trong nghiên cứu DECODE, nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân tăng đáng kể nếu đường huyết 2giờ sau ăn tăng từ 95 lên 200mg/dL. Trong Chương trình phòng chống bệnh ĐTĐ, khoảng 8% bệnh nhân rối loạn dung nạp đường huyết bị biến chứng võng mạc và 13% trong số họ sẽ bị mắc ĐTĐ. Nghiên cứu STOP NIDDM cho thấy nhóm chứng (placebo) với huyết áp cao (trên 140/90mmHg) và tiền sử rối loạn dung nạp glucose 3 năm làm tăng nguy cơ bị các biến cố về tim mạch khoảng 5% trong vòng 4 năm. Nghiên cứu Honolulu về tim mạch (Honolulu Heart Study) cho thấy tăng đường huyết sau ăn thường đi kèm với tăng các ca đột tử trong 23 năm nghiên cứu.

Dự án quốc gia Phòng chống bệnh đái tháo đường - BV Nội tiết TW
(
theo suckhoedoisong.vn)
 

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#4
Viêm khớp do lậu cầu

Lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) lây qua đường tình dục gây ra bệnh lậu hoặc nhiễm lậu cầu không có triệu chứng. Bệnh lậu điều trị không dứt điểm sẽ trở thành mạn tính, từ đây gây ra nhiều biến chứng, trong đó viêm khớp do lậu cầu là một biến chứng hay gặp.


Song cầu lậu nhìn trên kính hiển vi.

Viêm khớp do lậu cầu gặp nhiều ở thành thị hơn là nông thôn. Ngược lại với các bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn khác thường gặp ở những người yếu, viêm khớp do lậu cầu lại thường gặp ở người khỏe mạnh. Một vài nghiên cứu cho thấy: bệnh gặp ở nữ gấp 2 - 3 lần so với nam, đặc biệt gặp nhiều trong khi hành kinh và thời kỳ mang thai; bệnh cũng hay gặp ở người đồng tính luyến ái nam; viêm khớp do lậu chiếm 70% nhiễm khuẩn khớp ở người lớn dưới 40 tuổi. Những người có nhiều bạn tình, quan hệ với gái mại dâm mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ (dùng bao cao su) đều có nguy cơ nhiễm lậu cầu, trong đó 30 - 50% trường hợp bị viêm khớp.


Biểu hiện lâm sàng

Bệnh bắt đầu bằng những đợt đau nhiều khớp, với tính chất di chuyển ở các khớp cổ tay, gối, cổ chân, khớp khuỷu, kéo dài từ 1 - 4 ngày. Diễn biến tiếp theo của bệnh với hai khả năng: một là viêm bao hoạt dịch gân hay gọi là hội chứng nhiễm khuẩn do lậu cầu chiếm khoảng 60%; hai là viêm một khớp mủ hay gọi là viêm khớp thực sự do lậu cầu chiếm 40%, thường gặp nhất là khớp gối. Gần nửa bệnh nhân có sốt và gần 1/4 bệnh nhân có triệu chứng ở đường tiết niệu sinh dục. Hầu hết bệnh nhân có tổn thương đặc trưng là có 2 - 10 mụn mủ hoại tử nhỏ ở các chi, nhất là ở gan bàn tay và gan bàn chân.

Hội chứng nhiễm khuẩn do lậu cầu gồm các triệu chứng: sốt, rét run, ban đỏ, mụn mủ như đã nói ở trên và các biểu hiện tại khớp. Tràn dịch khớp với số lượng dịch ít.

Trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn thực sự do lậu cầu, thường viêm một khớp lớn như khớp háng, gối, cổ tay, cổ chân với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh nhân có sốt cao, rét run.

Xét nghiệm dịch khớp có trên 50.000 bạch cầu/ml. Cấy máu tìm thấy lậu cầu ở 40% bệnh nhân có viêm màng hoạt dịch và gần như không thấy ở bệnh nhân viêm khớp mủ. Cấy bệnh phẩm niệu đạo, trực tràng, họng nên làm ở tất cả bệnh nhân vì kết quả thường dương tính ở những bệnh nhân không có các triệu chứng tại chỗ.

Viêm khớp do lậu cầu cần phân biệt với các bệnh sau đây: hội chứng Reiter cũng gây ra viêm một khớp ở người trẻ, nhưng phân biệt nhờ nuôi cấy âm tính, không đáp ứng với kháng sinh. Bệnh Lyme có tổn thương khớp gối nhưng ít cấp tính hơn, nuôi cấy âm tính, có các ban đặc trưng và có tiền sử bị ve đốt. Để phân biệt với các bệnh: gút, giả gút và viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu... người ta xét nghiệm dịch khớp để phát hiện lậu cầu, trong đó chỉ có bệnh viêm khớp do lậu cầu mới có vi khuẩn lậu.



Tổn thương viêm khớp gối do lậu cầu.
Điều trị


Mọi trường hợp nghi ngờ viêm khớp do lậu cầu nên nhập viện để chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Trước khi dùng thuốc kháng sinh cần thực hiện cấy máu, lấy bệnh phẩm đường sinh dục, niệu đạo, họng, lấy dịch khớp làm các xét nghiệm cần thiết. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 4 - 5% trong tất cả các chủng lậu cầu sản xuất được men beta-lactamase kháng penicillin và 15 - 20% các chủng lậu cầu có các chuỗi nhiễm sắc thể gây kháng tương đối với penicillin. Do đó nên bắt đầu điều trị bằng ceftriaxon 1g/ngày trong 7 ngày. Các trường hợp viêm khớp không nên tiêm trực tiếp thuốc kháng sinh vào khớp vì tác dụng không những không tốt hơn, ngược lại còn gây ra tình trạng viêm khớp do tinh thể thuốc. Đối với viêm mủ khớp gối do lậu cầu thường chỉ cần dùng kháng sinh phối hợp và tiến hành hút dịch khớp gối là có kết quả tốt, không cần thiết phải nội soi rửa khớp hoặc phẫu thuật mở khớp để điều trị. Thời gian dùng kháng sinh điều trị viêm khớp do lậu cần kéo dài từ 7 - 14 ngày.

Nếu lậu cầu nhạy cảm penicillin có thể dùng amoxicillin uống 1.500mg/ngày chia 3 lần hoặc dùng ciprofloxacin uống 1.000mg/ngày chia 2 lần.

Ngoài ra cần điều trị triệu chứng: dùng thuốc hạ nhiệt giảm đau chống viêm không steroid để giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân. Nâng cao thể trạng bằng vitamin các loại, nhất là vitamin C. Tăng cường dinh dưỡng bằng chế độ ăn giàu chất bổ như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và trái cây chín.

Phòng bệnh

Hiện nay chưa có vaccin phòng lậu cầu nên cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây: sống chung thủy một vợ một chồng; sử dụng bao cao su bảo vệ an toàn trong quan hệ tình dục. Nếu phát hiện viêm niệu đạo do lậu cầu phải điều trị sớm, tích cực ngay từ đầu tránh bệnh tiến triển thành mạn tính. Bệnh nhân cần được tư vấn để họ báo cho bạn tình biết bị mắc bệnh để đi khám và điều trị đồng thời.



ThS. Phạm Nguyễn Hoàng

(theo suckhoedoisong)
 

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#5
Viêm tuyến mang tai dễ gặp trong mùa đông

Viêm tuyến mang là hiện tượng tuyến nước bọt mang tai bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virut, nấm hoặc dị ứng. Bệnh rất hay gặp trong mùa đông, gặp nhiều ở nữ hơn nam với tỷ lệ 8/1.
Nguyên nhân và dấu hiệu của viêm tuyến mang tai
Nếu tuyến nước bọt mang tai bị viêm do virut quai bị thì người ta nói bệnh nhân mắc quai bị, tuy nhiên tỷ lệ viêm tuyến mang tai do virut quai bị chỉ chiếm 24% tổng số các loại vi khuẩn gây bệnh tại tuyến. Biểu hiện của quai bị là sưng đau một bên vùng góc hàm đột ngột ngày càng tăng, sau đó lan sang bên đối diện, một số trường hợp có nóng đỏ và đau (trong trường hợp viêm tấy hoặc áp-xe tuyến mang tai), có thể kèm theo hiện tượng nổi hạch ngay dưới tuyến. Toàn thân sốt, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng mệt mỏi. Khám thấy niêm mạc miệng đỏ, lỗ đổ ra của tuyến mang tai (ống Sténon) - ngang răng số 6 hàm trên sưng đỏ, ấn có thể thấy mủ chảy ra. Nước bọt lúc này trở nên quánh, dính, rất hôi. Có thể kèm theo viêm miệng, đau nhất là khi nhai và há miệng. Nếu viêm tuyến mang tai do quai bị xảy ra ở tuổi thanh niên cần lưu ý điều trị sớm vì hay kèm thêm tổn thương ở một số bộ phận khác của cơ thể như điếc tiếp nhận (tổn thương thần kinh nghe), tổn thương tinh hoàn - dễ gây vô sinh hoặc ung thư tinh hoàn. Do đó những bệnh nhân này cần được khám, điều trị kịp thời và theo dõi theo hẹn của thầy thuốc chuyên khoa. Sau quai bị có thể để lại những hốc trong lòng tuyến mang tai do các nang tuyến bị hoại tử. Đây là nơi trú ẩn của vi khuẩn để gây viêm mạn tính.


Một số trường hợp viêm tuyến nước bọt mang tai do sỏi. Viêm tuyến mang tai loại này thường bị một bên, hay tái phát. Bệnh nhân hay phàn nàn rằng mỗi lần nhìn thấy đồ chua hay trước mỗi bữa ăn ngon họ lại đau tức vùng tuyến mang tai, đồng thời nước bọt tăng tiết trong miệng. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mang tai được đặt ra trong những trường hợp mà tần suất viêm trên 5 lần/1 năm.

Viêm tuyến nước bọt mang tai do các loại vi khuẩn hay virut khác như staphylococus aureus, Influenza, Coxsackie.., cũng hay biểu hiện ở một bên. Bệnh xuất hiện sau một số điều kiện thuận lợi: viêm nhiễm amiđan, viêm lợi, giảm hay mất bài tiết nước bọt sau những thủ thuật gây mất nước, sau những đợt điều trị an thần kinh hay tăng năng giáp, giảm khả năng miễn dịch do quá suy mòn hoặc dùng thuốc giảm miễn dịch, rối loạn chức năng đề kháng với enzym nước bọt do viêm tuỵ hoại tử, chảy máu. Nhiều trường hợp xuất hiện sau phẫu thuật đường tiêu hóa hay sau phẫu thuật ghép tạng, viêm tuyến mang tai sau bệnh mèo cào. Tuyến mang tai sưng đau nhưng ấn vẫn mềm. Da bao quanh tuyến nhẵn, không có lỗ rò.




Viêm tuyến nước bọt cấp tính ở trẻ. Khoang miệng trẻ mới sinh thường vô khuẩn nhưng sẽ bị nhiễm khuẩn sau vài giờ. Khi đó nếu kháng thể của mẹ bị khiếm khuyết sẽ mắc viêm tuyến nước bọt mang tai cấp một bên hoặc hai bên. Dạng viêm tuyến nước bọt này sẽ lành nhanh chóng nếu dùng kháng sinh đầy đủ. Những nghiên cứu gần đây qua kính hiển vi điện tử cũng khẳng định khả năng đa nguyên nhân và có liên quan đến virut.

Viêm tuyến nước bọt mang tai diễn biến lành tính, thường tự khỏi sau 3 - 10 ngày hoặc chuyển sang viêm mạn tính, phì đại tuyến gây biến dạng khuôn mặt.

Điều trị và phòng bệnh có khó không?

Điều trị bằng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau trong vòng 7 - 10 ngày theo kháng sinh đồ bằng đường uống hoặc tiêm. Có thể điều trị bổ sung bằng các loại kháng enzym.

Rửa ống tuyến thường xuyên một cách có hệ thống với các dung dịch kháng sinh. Rửa từ 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau vài ngày, lặp lại trong vòng 4 - 6 tháng. Điều trị theo đúng phác đồ và phải kiên nhẫn mới bảo đảm đạt được lành bệnh vĩnh viễn (thường ở tuổi thiếu niên). Theo một số tác giả, khoảng 80 - 90% bệnh nhân tự lành khi đến độ tuổi 13 - 15 tuổi, có thể do sự thay đổi hoóc môn ở tuổi trưởng thành.

Tại chỗ: vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn.




ThS. Phạm Bích Đào
(theo suckhoedoisong.vn)
 

Bình luận bằng Facebook

Top