Bài 2: Chịu thiệt vẫn là giáo viên

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Buổi làm việc của PV Báo GD&TĐ với GV và đại diện của phòng PA83 tỉnh Lâm Đồng, nhưng hiệu trưởng vắng mặt không có lý do


Tuy vậy, Tỉnh đoàn tỉnh Lâm Đồng vẫn quyết tâm hiện thực hóa việc chuyển đổi mô hình hoạt động đơn vị mình đang quản lý. Để lắng nghe một cách thật sự khách quan những vướng mắc, chúng tôi đã gặp và đối thoại với lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Nguy cơ bị đẩy ra bên lề “cuộc chơi”

Là người góp nhặt từng viên gạch, tấm tôn dựng xây nên ngôi trường những ngày đầu, nhiều GV như cô Kim Ngân, Bảo Quỳnh, Như Xuân không hiểu vì sao “mái nhà” thứ hai của mình lại phải đối mặt với sự thật phũ phàng như hôm nay.

Chính thức trở thành kẻ thất nghiệp từ ngày 1/6, nhưng khi nói về những học trò đang ngày đêm ôn tập, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới của mình, cô Huyền Tôn Nữ Bảo Quỳnh không khỏi xúc động. Với cô, dù có thất nghiệp, không có lương, dù trường phải thật sự giải thể theo ý chí của lãnh đạo, thì cô cũng muốn đi nốt con đường còn lại với HS của mình.

“Rất khó để kìm nén cảm xúc, rất khó để nghĩ về chặng đường tương lai trước mắt. Nhưng thật sự từ tận đáy lòng mình, em không muốn hai chữ Phù Đổng biến mất trong tâm trí của bao lớp HS. Ngồi nghe các em lớp 12 đã tốt nghiệp quay về trường dự lễ tổng kết nói với nhau rằng: Các em vẫn còn may mắn là được quay lại trường khi nó vẫn còn tồn tại, chứ với những lứa đàn em sau này, liệu có còn cơ hội quay trở lại cái nơi từng đong đầy kỉ niệm tuổi học trò khi trường bị xóa sổ mà lòng đau tê tái”- cô Quỳnh bày tỏ.

HS buồn, phụ huynh hoang mang, giáo viên đối mặt với những tháng ngày giông bão trước mắt. Nhưng trong sâu thẳm ánh mắt của từng người, ai nấy vẫn đều lóe lên ánh sáng của hy vọng và niềm tin vào việc mình sẽ tiếp tục được đứng lớp, được sống với đam mê. Bà Nguyễn Thị Xuân Dung - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: Tôi cũng chỉ là người làm thuê, khi họ không muốn hợp tác nữa thì họ dừng. Có tranh đấu, có ý kiến khi họp với Tỉnh đoàn rồi chứ nhưng đâu thể làm gì khác.

Hiệu trưởng an phận, tất yếu GV phải tự bươn trải tìm chỗ nương náu. Nhưng cuộc sống không đơn giản chỉ là bài toán cộng trừ. Không xin được việc làm, gánh nặng cuộc sống buộc vài GV phải bỏ nghề tạm thời mưu sinh bằng mọi giá. Chua chát và đắng cay nhất có lẽ là trường hợp của cô Nguyễn Thị Nhân, hiện đang làm dọn phòng cho một homestay ở Đà Lạt; chồng thất nghiệp, con còn quá nhỏ nên ngay khi nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ hiệu trưởng, cô Nhân đã phải choàng vai qua nghề mới để kiếm tiền trang trải cho gia đình mình.

Trước những băn khoăn, trăn trở của tập thể và cả những nghiệt ngã của cuộc sống nhiều GV Trường THPT Tư thục Phù Đổng đang phải đối mặt, bà Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, cho biết: “Vừa rồi chúng tôi bố trí qua Nhà thiếu nhi tỉnh một bảo vệ và hai cô giáo nhưng họ chê hết và không về. Còn một thầy giáo sau khi làm việc với Sở GD&ĐT thì được bố trí về dạy ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, một cô thì về Trường THPT Đống Đa và đang dạy hợp đồng, hai cô đang mời thỉnh giảng ở Trường THPT Yersin. Song song đó, Tỉnh đoàn cũng đã có văn bản gửi cho Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT, các trường học tư thục nhưng vẫn chưa thể sắp xếp được vì ngành GD còn đang thực hiện việc tinh giảm biên chế 10% theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ. Thật sự là rất khó và phải giải thể thôi”.

Trái ngược với những khẳng định ở trên, tại buổi làm việc với chúng tôi, những GV được bà Trần Thị Chúc Quỳnh nhắc đến rằng đã bố trí công việc ở trường khác khẳng định không có chuyện chê lương thấp, ngại khó, ngại khổ hay được Tỉnh đoàn bố trí công việc cho họ. Họ khẳng định, những nơi họ đang liên hệ là do trực tiếp họ đi, thông qua quan hệ quen biết rồi xin dạy thỉnh giảng ăn theo tiết, chứ không phải bố trí.

“Nói bố trí công việc cho chúng tôi là chúng tôi không đồng tình. Ngay sau cuộc họp thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động với Ban giám hiệu nhà trường, cuộc họp với Tỉnh đoàn về việc giải thể trường ngày 29/7/2017 (nơi mà 6/11 GV đồng ý ký với lời hứa sắp xếp chỗ làm mới) thì đến thời điểm này chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin, văn bản hỗ trợ nào từ đơn vị chủ quản giới thiệu chúng tôi đến các đơn vị trên. Không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, không giấy giới thiệu, không văn bản chuyển thì không thể gọi là bố trí công việc cho chúng tôi” - cô Nguyễn Thị Như Xuân bức xúc.

Giải pháp nào cho những GV đang ở ngã ba đường?

Cũng mang tâm trạng của một người bị “bỏ rơi”, cô Huyền Tôn Nữ Bảo Quỳnh nghẹn ngào trong nước mắt, khẳng định, cô không từ chối việc sắp xếp về Nhà văn hóa thiếu nhi, nhưng cô không nhận nhiệm vụ vì cô thấy mong muốn được sắp xếp công việc đúng chuyên môn, đam mê của mình không được thực hiện.

“Tôi được đào tạo bài bản là một GV, chuyên môn là giảng dạy Tiếng Anh và đứng lớp, giờ bố trí tôi qua Nhà thiếu nhi làm công tác dạy các môn học năng khiếu cho thiếu nhi, không được đứng lớp, tôi thấy không phù hợp nên tôi không nhận” - cô Quỳnh bức xúc.

Giáo viên không được bố trí công việc đúng chuyên môn, các văn bản, quyết định của UBND tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc giải thể trường, quyết định giao đất sau khi giải thể cho ai chưa có, nhưng Tỉnh đoàn Lâm Đồng đã xin chủ trương chuyển đổi mô hình từ trường THPT tư thục sang mô hình trường mầm non song ngữ với cổ đông cá nhân duy nhất nắm giữ 10% là ông Hồ Công Hiệp khiến cho những nghi kỵ từ phụ huynh, GV cứ thế bủa vây khi thực tế vị trí miếng đất mà trường đang trú đóng được ví như “đất kim cương” vì có đến 3 mặt tiền đường lớn. Vì vậy, mong mỏi của GV lúc này là được giữ lại ngôi trường, hoặc chuyển trường sang mô hình công lập dưới sự quản lý của Sở GD&ĐT nhằm tránh nguy cơ trường bị xóa sổ.

Phản hồi về những luồng ý kiến từ phía phụ huynh, GV khi cho rằng, Tỉnh đoàn giải thể trường để bàn giao cho đơn vị khác, đất công sản rất dễ có nguy cơ bị biến thành đất tư nhân; đặc biệt, việc chuyển đổi mô hình cũng đồng nghĩa xóa bỏ mọi công sức vun vén, gây dựng của tập thể CB, GV nhà trường suốt 30 năm qua; bà Trần Thị Chúc Quỳnh cho biết, nếu giải thể Trường THPT Tư thục Phù Đổng xong thì Tỉnh đoàn sẽ xin chủ trương của Tỉnh ủy là mời thầu các đơn vị có đủ năng lực để khai thác mô hình mới khi chuyển đổi trong tương lai. Khi chọn được đơn vị đủ năng lực, đáp ứng các tiêu chí thì sẽ cùng Tỉnh đoàn khai thác, chứ không có chuyện giao đất hay toàn mô hình cho cá nhân, đơn vị nào. Còn đến giờ tất cả chưa được thể hiện bằng văn bản là vì chúng tôi đang làm công tác tư tưởng với GV.

Về phía Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng - thừa nhận hiện đang rất khó để bố trí chỗ dạy mới cho số GV của Trường THPT Tư thục Phù Đổng. Ngoài lý do biên chế đã đủ, tỉnh vẫn còn tình trạng thừa GV cục bộ thì việc những GV tại Trường THPT Tư thục Phù Đổng không đủ chuẩn (tốt nghiệp CĐ rồi học lên) để sắp xếp, bố trí cũng là một nguyên nhân.

“Tỉnh đoàn có Công văn số 76-CV/UBH về việc tạo điều kiện giảng dạy, học tập cho HS, GV Trường THPT Tư thục Phù Đổng sau khi giải thể vào ngày 25/9/2017. Quan điểm của Sở GD&ĐT là cố gắng, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho số GV trên có chỗ dạy, đứng lớp trên tinh thần cần bổ sung GV khi các trường tại TP Đà Lạt có người nghỉ hưu, thôi việc (đảm bảo tỉ lệ bổ sung 50% theo quy định tại Nghị định 108 của Chính phủ và giáo viên đạt chuẩn theo quy định). Tuy nhiên, thật sự ở thời điểm này là rất khó” - bà Phạm Thị Hồng Hải chia sẻ.

Chính việc đơn vị chủ quản cùng với Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng “bế tắc” trong hướng xử lý mong mỏi và nguyện vọng của GV khi Trường THPT Tư thục Phù Đổng giải thể là nguyên nhân mang đến sự hoang mang nơi GV. Tương lai bất định cùng nguy cơ thất nghiệp ở tuổi xế chiều của đội ngũ này khi trường bị xóa sổ là điều có thể nhìn thấy.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top