5 tiêu chuẩn cơ bản của Chuẩn hiệu trưởng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thứ nhất: Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp

Hiệu trưởng là một tấm gương về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, làm việc tận tụy với tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh;

Có tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ đồng nghiệp, có lòng nhân ái, bao dung, đối với xử hòa nhã với đồng nghiệp, người học; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.

Thứ hai: Năng lực chuyên môn nghiệp vụ

Hiệu trưởng là nhà giáo có hiểu biết sâu sắc về chương trình giáo dục phổ thông, có năng lực thúc đẩy phát triển chương trình giáo dục phổ thông; Có sáng kiến và kinh nghiệm trong quản lý, dạy học và giáo dục ở bậc phổ thông;

Am hiểu lý luận, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và có khả năng tổ chức thực hiện hiệu quả các hình thức, phương pháp giáo dục và dạy học ở trường phổ thông; Có tinh thần tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ 3: Năng lực lãnh đạo

Nhóm năng lực này của hiệu trưởng liên quan đến xử lý mối quan hệ giữa hiệu trưởng với mọi thành viên trong trường học, định hướng dẫn dắt mọi người trên cơ sở sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường, xác định khuôn khổ của hoạt động, các giá trị, tạo động lực cho mọi thành viên cùng với việc xác định phương hướng tổng thể của trường để lựa chọn các giải pháp, tạo ra các thay đổi mang tính chiến lược.

Năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng giúp: Xác định tầm nhìn, sứ mạng, định hướng giá trị của nhà trường; xác định mục tiêu chiến lược và hoạch định chiến lược phát triển nhà trường; thu hút, tập hợp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên;

Tạo môi trường, động lực để mọi người làm việc; tạo ra những thay đổi; xây dựng văn hóa trường học, kiến tạo tổ chức nhà trường, xây dựng nhà trường thành tổ chức học tập trong đó hiệu trưởng là người học dẫn đầu.

Năng lực lãnh đạo hiệu trưởng được cấu thành bởi: Năng lực phân tích tổng hợp và dự báo; Năng lực sáng tạo và chia sẻ tầm nhìn; Năng lược hoạch định chiến lược; Năng lực thu hút và tập hợp lực lượng;

Năng lực định hướng, dẫn dắt, tạo động lực làm việc cho mọi thành viên trong thực hiện giáo dục toàn diện học sinh hướng tới chất lượng; Năng lực định hình và phát triển văn hóa tổ chức; Năng lực đổi mới sáng tạo;

Thứ 4: Năng lực quản lý

Nhóm năng lực này của hiệu trưởng liên quan đến việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra nhằm giữ mọi hoạt động của trường học trong trật tự, nhất quán, đặc biệt khi giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính, cơ sở vật chất, chương trình và các hoạt động;

Năng lực quản lý của hiệu trưởng giúp: Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các kế hoạch tác nghiệp gắn với chiến lược phát triển nhà trường; tuyển chọn, tiếp nhận, phân công bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên; tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; giám sát và đôn đốc các hoạt động theo chương trình kế hoạch của nhà trường; kiểm tra, đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của trường.

Năng lực quản lý hiệu trưởng được cấu thành bởi: Năng lực lập kế hoạch và các chương trình hành động; Năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động; Năng lực giám sát điều hành; Năng lực kiểm tra đánh giá các hoạt động của nhà trường.

Thứ 5: Năng lực xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Hiệu trưởng cần có năng lực tạo dựng mối quan hệ gắn kết giữa trường học với gia đình và cộng đồng xã hội nhằm thu hút, huy động sự ủng hộ của cộng đồng xã hội đối với các hoạt động của nhà trường;

Hiệu trưởng thể hiện năng lực tạo dựng mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng xã hội thông qua các hoạt động: Tăng cường mối quan hệ với gia đình học sinh; Củng cố mối quan hệ với chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương; Thiết lập và phát triển mối quan hệ với cá nhân và các cơ quan, tổ chức xã hội trong cộng đồng; Tham gia các hoạt động xã hội.

Để thực hiện tốt các hoạt động này, hiệu trưởng cần có các năng lực: Năng lực quan hệ công chúng; Năng lực tuyên truyền và vận động thuyết phục các bên liên quan tham gia hoạt động giáo dục; Năng lực tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội…

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận " Một số yêu cầu của chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay" của hai tác giả nêu trên - trích trong cuốn Kỷ yếu "Hội thảo chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông".
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top