5 bước tổ chức câu lạc bộ hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Hoạt động của câu lạc bộ tạo cơ hội để học sinh được chia sẻ những kiến thức cho nhau


Câu lạc bộ - nơi phát triển kỹ năng cho học sinh

Theo tiến sỹ Dung, câu lạc bộ chính là hình thức sinh hoạt ngoại khóa của những nhóm hóc sinh cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu dưới sự định hướng của những nhà giáo dục nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực giữa các học sinh với nhau và giữa học sinh với thầy cô giáo, với những người lớn khác.

Hoạt động của câu lạc bộ tạo cơ hội để học sinh được chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của mình về các lĩnh vực mà các em quan tâm, qua đó phát triển các kỹ năng cho học sinh như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe và biểu đạt ý kiến, kĩ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng, kĩ năng viết bài, kĩ năng chụp ảnh, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề…

Câu lạc bộ cũng là nơi để học sinh được thực hành các quyền trẻ em của mình như quyền được học tập, quyền được tự do kết giao và hiệp hội; quyền được vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; quyền được tự do biểu đạt; tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin,…

Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ nhà giáo dục hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu nguyện vọng và mục đích chính đáng của các em.

Tiến sỹ Dung cho biết, có thể thành lập các câu lạc bộ như:

- Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật: Âm nhạc (thanh nhạc, nhạc cụ, nhạc kịch…) diễn kịch, thơ, múa rối, phóng viên, mỹ thuật, khiêu vũ, sáng tác, điêu khắc, thư pháp, nhảy sạp, dân vũ, múa khèn, dẫn chương trình, photovoice và video voice…

- Câu lạc bộ thể dục thể thao: Bóng đá, bóng rổ, thể dục nhịp điệu, điền kinh, bơi lội, cầu lông, cắm trại, bơi thuyền…

- Câu lạc bộ học thuật: Toán học, Tin học, Tiếng Anh, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu xã hội, phiên dịch, biên dich…

- Câu lạc bộ võ thuật: Teakwondo, Karatedo, Pencak silat, đấu vật…

- Câu lạc bộ hoạt động thực tế: Nữ công gia chánh (nấu ăn, thêu thùa, may vá, tỉa hoa, nghệ thuật cắm hoa…) chăn nuôi, trồng trọt, tạo cảnh; thiết kế, làm mộc, tạo rô bốt…

- Câu lạc bộ trò chơi dân gian: Cờ người, đánh đu, kéo co, ném còn, đánh cầu/ đá cầu, ô ăn quan, tập tầm vông, thả đỉa ba ba, đánh chuyền, đánh khăng, đánh quay, đánh đáo…

Các bước thành lập câu lạc bộ

Để tổ chức và duy trì hoạt động của câu lạc bộ, tiến sỹ Dung lưu ý cần tổ chức theo quy trình như sau:

Bước 1: Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng học sinh, căn cứ mục tiêu kế hoạch của nhà trường, xác định loại hình câu lạc bộ.

Bước 2: Xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nội dung hoạt động, hình thức tổ chức. Bước này có thể do nhà giáo dục, cũng có thể giao quyền tự chủ cho học sinh tự xây dựng.

Bước 3: Tập hợp các thành viên, xây dựng tổ chức, thống nhất nguyên tắc hoạt động, thông qua kế hoạch, xây dựng nội quy hoạt động, thống nhất lịch sinh hoạt. Xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn.

Bước 4: Tổ chức các buổi sinh hoạt, trong đó xác định rõ nội dung, công việc, có kiểm tra và nhận xét đánh giá cuối mỗi buổi.

Bước 5: Nếu là những câu lạc bộ hoạt động dài hạn, cần có kế hoạch nhận xét, đánh giá, bầu lại Ban quản lý hoặc chủ nhiệm câu lạc bộ theo định kỳ (nên một năm một lần).

Mỗi nhà trường đều có thể tổ chức nhiều câu lạc bộ khác nhau cho các nhóm học sinh tham gia và cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho mỗi câu lạc bộ để việc tổ chức thực hiện đạt được hiệu quả giáo dục cao.


Nguyên tắc tổ chức cây lạc bộ

Khi lựa chọn các thành viên tham gia câu lạc bộ cũng như khi tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ cần đảm bảo một số nguyên tắc sau:

- Tham gia trên tinh thần tự nguyện,

- Không phân biệt đối xử,

- Đảm bảo sự công bằng,

- Phát huy tính sán tạo,

- Tôn trọng ý kiến và nhân cách học sinh,

- Bình đẳng giới,

- Đảm bảo quyền trẻ em,

- Học sinh là chủ thể quyết định mọi vấn đề của câu lạc bộ.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top